Giới chức Malaysia không dẫn độ người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc theo yêu cầu của Bắc Kinh. Giới quan sát cho rằng động thái của Malaysia là táo bạo và đúng đắn; dù khiến Trung Quốc nổi đóa.

Theo tin ngày 15/11 trên SCMP, Malaysia lần đầu tiên tuyên bố lập trường của mình đối với người Duy Ngô Nhĩ. Quốc gia này trái ngược với nước láng giềng Indonesia. Tháng 10, Indonesia đã trục xuất ba người Duy Ngô Nhĩ trở lại Trung Quốc.

Cả Malaysia và Indonesia đều có lượng lớn dân số theo đạo Hồi.

Ông Sean R. Roberts, giáo sư nghiên cứu phát triển quốc tế tại Đại học George Washington, cho biết: “Với hành động này, Malaysia đang thực hiện một lập trường quan trọng mà nhiều quốc gia khác trong khu vực; bao gồm Indonesia và Thái Lan đã miễn cưỡng thực hiện”.

Ông Roberts nói thêm: “Điều đó có thể khiến Bắc Kinh tức giận nhưng đó là vì trách nhiệm”.

Một thành viên cấp cao tại Viện Cato tập trung vào Hồi giáo và hiện đại, Mustafa Akyol, cho biết, quan điểm của Malaysia báo hiệu “sự khởi đầu” của các quốc gia theo đạo Hồi để “bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ khỏi cơn thịnh nộ của Trung Quốc”.

Trung Quốc gia tăng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trong những năm gần đây

Ông Akyol nói: “Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc gia tăng trong vài năm qua. Nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo đã ngó lơ; vì tình bạn với Trung Quốc được trả giá”. Ông nói thêm: “Thông điệp của Bắc Kinh là các quốc gia không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau, bao gồm vi phạm nhân quyền”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã ghi nhận những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ. Các hành vi đó bao gồm: giam giữ tùy tiện hàng loạt ít nhất 1 triệu người, cưỡng chế mất tích, các phiên tòa mang tính chính trị cao, kết thúc bằng tra tấn trong tù và án tử hình.

Ông Roberts cho biết thêm: “Hầu hết những người Duy Ngô Nhĩ trốn khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á đã tìm cách đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các nguồn tin cho biết, có tới 10.000 người Duy Ngô Nhĩ đã đến đó từ 2010 đến 2016. Một số ít sống ở Đông Nam Á với tư cách là người tị nạn; đặc biệt là ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia”.

Người Duy Ngô Nhĩ biểu tình ở Berlin, Đức, ngày 10/7/2009 để phản đối cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Hồi giáo ở Trung Quốc (ảnh: Flickr).
Người Duy Ngô Nhĩ biểu tình ở Berlin, Đức, ngày 10/7/2009 để phản đối cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Hồi giáo ở Trung Quốc (ảnh: Flickr).

Giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, Zachary Abuza, cho biết Malaysia “từ lâu đã là một nút thắt quan trọng trong tuyến đường ngầm cho những người Duy Ngô Nhĩ tìm cách trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ”. Malaysia đã chống lại áp lực từ Trung Quốc về vấn đề này “trong nhiều năm”.

Malaysia kiên quyết giữ vững lập trường bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ vì đó là điều đúng đắn

Theo SCMP, Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu EMIR tại Malaysia, Rais Hussin, ca ngợi Malaysia đã đứng vững trong vấn đề này. “Đó là điều đúng đắn cần làm,” ông Hussin nói. “Bạn không muốn đưa họ trở lại các trại tập trung được ngụy trang như các trung tâm cải tạo. Một số người có thể bị ngược đãi nghiêm trọng vì là người Duy Ngô Nhĩ”.

Nhóm Phong trào Thanh niên Hồi giáo của Malaysia (ABIM) đã ủng hộ quyết định này. Họ cho rằng đây là một “động thái cần thiết” vì lý do nhân đạo.

Phó chủ tịch ABIM, Ahmad Fahmi Mohd Shamsuddin, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của Bộ trưởng về người Duy Ngô Nhĩ”.

Reuters dẫn lời ông Mohd Redzuan, từng là bộ trưởng trong chính phủ Perikatan Nasional của Malaysia: “Nếu có bất kỳ người tị nạn Duy Ngô Nhĩ nào chạy sang Malaysia để được bảo vệ. Malaysia quyết định không dẫn độ người tị nạn ngay cả khi có yêu cầu từ Trung Quốc”.

Từ 2018 đến 2/2020, dưới thời ông Mahathir làm thủ tướng, Malaysia đã thả tự do 11 người Duy Ngô Nhĩ; phớt lờ yêu cầu của Bắc Kinh về việc áp giải họ về Trung Quốc.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Singapore vào tháng 11/2018 (ảnh: Điện Kremlin).
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Singapore vào tháng 11/2018 (ảnh: Điện Kremlin).

SCMP cho biết: “Động thái này đã khiến Trung Quốc nổi đóa; tuyên bố cương quyết phản đối Malaysia gửi người Duy Ngô Nhĩ tới Thổ Nhĩ Kỳ”.

“Những người này đều mang quốc tịch Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết phản đối việc trục xuất họ sang nước thứ ba”, Reuters trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia kể từ năm 2009. Bắc Kinh là nằm trong top 10 quốc gia về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lập trường cứng rắn của Malaysia về vấn đề này có vẻ táo bạo.

Tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Indonesia đã kêu gọi người Hồi giáo không “ngoảnh mặt làm ngơ” trước những đau khổ của nhóm người Hồi giáo ở Tân Cương

Từ Khóa: