Gia đình nhà nội không nhận cháu, cô Lánh một mình vượt cạn sinh con. Trải qua nhiều năm lăn lộn nuôi con vất vả, giờ con trai cô đã lớn, trở thành một tiến sĩ ở Pháp, khiến cô rạng rỡ mặt mày.
- Những siêu bà mẹ dành hàng thập kỷ mang thai và sinh hàng chục con
- Cậu bé miền Tây đạp xe 400 km tìm cha mẹ: Mang theo manh lưới bắt cá để nướng ăn đỡ đói
Theo thông tin trên báo Nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Linh sinh năm 1987 hiện là tiến sĩ tại Pháp. Mẹ anh là cô Nguyễn Thị Lánh, từng là một y tá tại Trạm Y tế xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Bố anh là con trai của một vị lãnh đạo tỉnh Lai Châu.
Lúc ấy, nhà trai cho rằng gia đình hai bên không môn đăng hộ đối nên nhất quyết phản đối cuộc hôn nhân giữa hai người. Cuối cùng, cô Lánh mang thai 9 tháng 10 ngày, vượt cạn một mình và trở thành mẹ đơn thân.
Mẹ đơn thân, cuộc sống trăm phần vất vả
Sinh con xong, cô Lánh và con trai từ Lai Châu chuyển về quê sinh sống. Hồi ấy, chính quyền xã Dạ Trạch có một chính sách nhân văn là cấp cho mỗi phụ nữ quá lứa nhỡ thì một mảnh đất làm chỗ nương thân. Cô Lánh cũng nằm trong nhóm phụ nữ được nhận đất.
Về quê rồi, có nhiều chàng trai tỏ ý mong muốn che chở cho hai mẹ con cô nhưng cô đều từ chối bởi muốn dành tất cả tình cảm để chăm lo cho con.
Lúc cậu bé Linh lên mẫu giáo, cô tất tưởi theo các bà cùng làng lên Hà Nội buôn rau. Thương con nhỏ dại, cô cho con trai đi theo mình. 3 giờ sáng cô ra cầu Long Biên lấy hàng xong về nhà đánh thức con dậy. Thế rồi, hai mẹ con lại rong ruổi gánh hàng rau khắp phố phường.
Đến tuổi con đi học, cô phải gửi Linh ở quê rồi dặn dò con cố gắng học hành “Mẹ bây giờ phải đi chợ mới có tiền nuôi con chứ cứ ở nhà thì chết đói cả”.
Đi buôn rau trên Hà Nội cũng không dễ, cô từng 3 lần bị công an bắt vì bán hàng rong trên vỉa. Bị tịch thu hết cả hàng hóa, cô trở về quê xoay xở công việc mới. Đầu tiên, cô đi trông bệnh nhân rồi nhờ ông anh xin cho đi làm phụ vữa, cuối cùng cô chuyển qua nghề đi cân dạo, một nghề rất thịnh hành ở xã Dạ Trạch hồi ấy.
Ban đầu cô chỉ mang theo cái cân vác vai, về sau cô chung với hai gia đình nữa cắm sổ đỏ để mua “cái cân biết nói” giá 25 triệu.
Mỗi lần cân giá 500 – 1.000 đồng, bình thường nghề cân dạo cũng giúp hai mẹ con cô Lánh lo bữa ăn nhưng có những hôm mưa gió, những buổi về quê thì không, dần dà, cô mắc nợ đến hơn 20 triệu. Cứ thế cuộc sống của hai mẹ con xoay vần qua những năm tháng vất vả.
Người phụ nữ đi cân dạo nuôi con thành tài
Như bao người mẹ khác, cậu con trai là động lực để cô Lánh cố gắng. Niềm vui của người mẹ đơn thân chỉ là thấy con trai khôn lớn từng ngày. Được cái cậu bé Linh rất sáng dạ và tự lập. Cô kể có khi gặp bài toán khó, con trai cứ nhất quyết suy nghĩ chứ không nhờ người khác giúp. Có lúc, Linh bật dậy lúc 1, 2 giờ sáng vì… cuối cùng cũng tìm ra lời giải cho bài toán mà mình đang suy nghĩ.
Ngày Linh thi đại học, cô Lánh khuyên con “Nếu con thi đỗ đại học, kể cả đi vay nặng lãi mẹ cũng nuôi, còn nếu không mẹ sẽ mua cho con cái cân mà hành nghề”. Linh chỉ cười vì cậu quá hiểu mẹ.
Thế rồi cu cậu Linh ngày nào mũi dãi chạy theo gào khóc đòi lên Hà Nội đi bán rau cùng mẹ cũng vào đỗ Đại học Xây dựng trên Hà Nội. Cô Lánh lại khăn gói quả mướp lên ở cùng con trai. Sáng cơm nước cho con, chiều cô đi đến nửa đêm để mà kiếm sống.
Linh học rất giỏi, đang học thì anh nhận được học bổng đi Pháp. Khi hoàn thành đại học anh học lên thạc sĩ và tiến sĩ, tương lai rộng mở. Bây giờ anh có cả hai quốc tịch Việt – Pháp.
Giờ đây, sau những đắng cay của cuộc đời, cô Lánh đã trở về quê hương để tận hưởng tuổi già nhờ vào sự hỗ trợ, báo hiếu của con trai là tiến sĩ ở nước ngoài.
Ảnh chụp màn hình báo Nông Nghiệp