Những ‘dân buôn lơ tơ ngơ’ như anh Andre biết chắc sẽ phải bù lỗ cho lần đầu buôn nông sản nhưng ngược lại, anh nhận được khoản ‘lãi’ lớn ở một thứ rất lớn, đó là tình người!
Lỗ, mệt vẫn vui
Mấy ngày qua, anh Andre kiêm nhiệm vai trò đầu mối bán nông sản Hải Dương ở phố Nhà Chung (Hà Nội). Theo Vietnamnet, vốn là một nhà tạo mẫu tóc có tiếng tăm ở Hà thành, không có kinh nghiệm bán hàng nên ngay ngày đầu, ekip giải cứu nông sản của anh Andre phải bù lỗ hơn 4 triệu đồng tiền hàng. Đến ngày thứ hai, do số lượng hàng về nhiều hơn, số tiền bù lỗ còn lên đến hơn 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, chuyến buôn ‘lỗ dài dài’ lại cho người đàn ông này niềm hạnh phúc khó tả. Anh Andre kể, tiêu chí bán hàng là “mua quan tám bán quan tư” để làm sao hàng tiêu thụ nhanh nhất và do bán nông sản ủng hộ nông dân Hải Dương; bởi vậy người đi qua đường hay đến mua thích trả bao nhiêu cũng được. Có người khó khăn sống trong khu nơi anh bán cũng mua ủng hộ, song anh vừa bán vừa cho thậm chí có trường hợp tặng luôn không lấy tiền.
“Ủng hộ bà con nông dân Hải Dương là chính, làm sao để tiêu thụ hết số nông sản của bà con chứ tôi không quan trọng khoản tiền mình bù lỗ”, anh nói.
Sau mấy ngày, đã có hàng chục tấn nông sản như bắp cải, su hào, cà rốt, ngô ngọt và cả trứng gia cầm tại khu hàng của anh được tiêu thụ. Nhà tạo mẫu tóc chia sẻ với Vietnamnet, thứ mà anh lãi nhất chính là tình cảm của mọi người, là sự chung tay chia sẻ của người dân Hà Nội với nông dân Hải Dương…
Từ cảm hứng và cách làm của anh Andre, ca sĩ Tuấn Hưng đã trực tiếp vào cuộc giải cứu với điểm tiêu thụ nông sản Hải Dương ở 47 Lò Đúc (Hà Nội). Chỉ trong ngày 25/2, điểm này cũng tiêu thụ hơn 7 tấn rau củ quả được chuyển từ Hải Dương về. Không ít người mua cả chục túi bắp cải, su hào chất lên ô tô mang đi tặng bạn bè.
Showroom nghỉ bán xe, chuyển sang bán nông sản
Cũng một tấm lòng hướng về Hải Dương, anh Phạm Văn Tâm (sinh năm 1987, quê Hải Phòng, chủ showroom bán xe trên đường Nguyễn Văn Linh, Hà Nội) đã thông báo với toàn bộ nhân viên cửa hàng về việc sẽ tạm nghỉ bán ô tô để… dành chỗ giúp bà còn Hải Dương tiêu thụ nông sản.
Theo tường thuật trên báo Nông Nghiệp, bắt đầu từ ngày 19/2, toàn bộ ô tô với khoảng 10 chiếc ở showroom của anh Tâm được dồn vào góc riêng để dành diện tích rộng chừng 200m2 bày nông sản. Đều đặn mỗi ngày, từ 7h sáng, anh Tâm và 6 nhân viên sale cùng nhau dọn dẹp, sắp xếp và bốc dỡ các loại rau, ổi, cà chua và trứng, hướng dẫn người mua hàng trật tự, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.
Nhiều ngày, công việc kéo dài đến 23h đêm vì chuyến hàng cuối cùng đến lúc 21h. Chỉ tính riêng ngày 23/2, điểm bán tại showroom này đã giải cứu thành công 20 tấn nông sản. Trước đó, chừng 20.000 quả trứng cũng đã được tiêu thụ. Ngoài việc bán hàng anh còn liên hệ đến đầu cầu Hải Dương để tính toán lượng hàng về sao cho hợp lý.
Vất vả hơn ngày thường nhưng khi bắt tay vào công việc, anh thấy những người nông dân, những tình nguyện viên ở đầu mối thu gom khi họ đảm nhiệm từ công việc như tìm nguồn nông sản đạt tiêu chuẩn kiểm dịch, cho đến việc thu hoạch còn vất vả hơn nhiều. Do vậy anh Tâm động viên nhân viên của mình chung tay vì bà con vùng cách ly dịch.
Với người chủ showroom ô tô, anh chưa từng nghĩ đây là một “chiêu” quảng cáo hay làm màu bởi “khi bán hàng rồi mới thấy thương nông dân vì giá họ bán rau củ quả quá rẻ, cà rốt chỉ có 5.000 đồng/kg, su hào, cà chua cũng chỉ 2.000 đồng/kg”. Hơn nữa chi phí cho mặt bằng và nhân viên mỗi ngày lên đến vài triệu đồng thì trông đợi vào nguồn thu chênh lệch từ bán nông sản là phi thực tế.
“Có rất nhiều vị khách đi Lexus, Camry, VinFast President, Mazda… cũng ghé vào mua những túi ổi, quả trứng. Hay rất nhiều bà, nhiều mẹ lặn lội đường xa đến điểm bán để mua hàng, không phải 1 mà rất nhiều lần. Không phải vì rẻ họ mới đến đâu, họ đã dành thời gian, muốn tận tay cầm những loại nông sản để ủng hộ, để mà tiếp sức cho người dân Hải Dương. Có lẽ ai cũng muốn, chỉ một việc nhỏ thôi, nhưng sẽ góp thành sức mạnh lớn, lan tỏa. Đó mới là tinh thần Việt Nam”, anh Tâm bộc bạch.