Ông Joe Biden hôm 28/6 đã ký một bản ghi nhớ an ninh quốc gia về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, một động thái được cho là nhắm vào hoạt động của các tàu cá Trung Quốc.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Hoa Kỳ sẽ khởi động một liên minh với Canada và Vương quốc Anh để “hành động khẩn cấp” nhằm cải thiện việc giám sát, kiểm soát và giám sát trong cuộc chiến chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (viết tắt là IUU).

Các quan chức Mỹ tuyên bố sẽ đưa ra các chính sách nhằm chống lại nạn đánh bắt bất hợp pháp, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là một phần của việc tăng cường can dự với khu vực nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Mặc dù nội dung chính sách này không đề cập đến Trung Quốc, nhưng động thái của Washington rõ ràng là nhắm vào các hành vi đánh bắt trái phép của nước này.

Một số quốc gia trong khu vực lên án các đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc khai thác quá mức, gây thiệt hại môi trường và thường xuyên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của các nước.

Một tàu Trung Quốc đánh bắt cá (ảnh chụp màn hình The Interpreter). Hoạt động đánh bắt cá theo kiểu tận diệt của Trung Quốc diễn ra ở Biển Đông và các vùng biển khác trên thế giới.
Một tàu Trung Quốc đánh bắt cá (ảnh chụp màn hình The Interpreter). Hoạt động đánh bắt cá theo kiểu tận diệt của Trung Quốc diễn ra ở Biển Đông và các vùng biển khác trên thế giới.

Theo Reuters, một quan chức Mỹ cho biết Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ và các cơ quan thực thi khác sẽ tham gia với các đối tác tư nhân và nước ngoài để “điều tra các tàu đánh cá và người điều hành” thu hoạch hải sản bằng lao động cưỡng bức.

Hoạt động này không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc là một trong những nước vi phạm nhiều nhất.

Quan chức này cho biết: “CHND Trung Hoa là nước đóng góp hàng đầu vào việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp trên toàn thế giới, và họ đã cản trở việc xúc tiến các biện pháp chống đánh bắt cá trái phép và đánh bắt quá mức trong các tổ chức quốc tế.”

Ngược lại, Trung Quốc tuyên bố họ là một quốc gia có trách nhiệm đã và đang hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt bất hợp pháp. Bắc Kinh còn tự trao cho mình cái quyền đặt ra “lệnh đánh bắt hải sản ở Biển Đông” hàng năm, lấy lý do là bảo vệ môi trường và trữ lượng hải sản.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ cho biết đánh bắt bất hợp pháp đã vượt qua cướp biển trở thành mối đe dọa an ninh hàng hải hàng đầu trên thế giới và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia tranh giành nguồn khai thác.

Từ Khóa: