Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã công bố một loạt tuyên bố chỉ trích Trung Quốc, từ hoạt động đánh bắt phi pháp trên biển đến vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng.

Các tuyên bố này được đăng công khai trên tài khoản mạng xã hội Twitter của Bộ Ngoại giao Mỹ.

‘Trung Quốc vi phạm trắng trợn nhất Công ước về Luật Biển’

Sáng sớm nay (21/10), theo giờ Việt Nam, tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng video Ngoại trưởng Pompeo lên án hoạt động đánh bắt cá phi pháp của Trung Quốc.

Trong video, ông Pompeo nói Mỹ quan ngại về “hoạt động của hơn 300 tàu gắn cờ Trung Quốc gần Galapagos”, quần đảo thuộc chủ quyền của Ecuador. Ông nói rằng “gần như chắc chắn” các tàu này đang đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “Trung Quốc là nước vi phạm trắng trợn nhất Công ước về Luật Biển, và các quốc gia đang phản đối”.

Trung Quốc ‘Hán hóa’ người Tây Tạng

Cũng trong video trên, Ngoại trưởng Pompeo cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc “Hán hóa” người Tây Tạng.

Tây Tạng từng là quốc gia độc lập, cho đến khi bị quân đội Trung Quốc xâm lược vào năm 1950. Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên truyền đó là “cuộc giải phóng hòa bình Tây Tạng”.

Trung Quốc thường xuyên vi phạm quyền chủ quyền của các nước

Trong bình luận khác trên Twitter đăng sáng sớm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố họ có ‘chính sách không khoan nhượng’ đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, nhưng chính các tàu thuyền của Trung Quốc thường xuyên vi phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển khác, họ đánh bắt ở những nơi không được phép và đánh bắt tận diệt ở những nơi được cấp phép”.

Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi có tin hải cảnh Trung Quốc hộ tống một tàu khảo sát xâm nhập vào vùng biển ven miền Trung của Việt Nam.

‘Đảng Cộng sản Trung Quốc không nói thật’

Vào sáng ngày 20/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng bình luận của ông Pompeo về Hồng Kông. Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nhận định: “Cả thế giới có thể thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không nói thật, phải không? Nó đã hứa với người dân Hồng Kông rằng họ sẽ có 50 năm vận hành theo một chế độ khác … Thế nhưng, nó đã nói dối”.

Năm 1997, Anh Quốc đã bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc với điều kiện Bắc Kinh cho phép thành phố này tiếp tục được hưởng các quyền dân chủ theo tư bản chủ nghĩa, ít nhất trong vòng 50 năm. Các nước phương Tây hy vọng rằng, trong khoảng thời gian đó, ngọn đèn dân chủ ở Hồng Kông sẽ soi sáng cho đại lục, và chính quyền Trung Quốc sẽ buộc phải mở rộng các quyền tự do cho người dân trên cả nước.

Tuy nhiên, vào 23 giờ đêm 30/6/2020, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Đạo luật có hiệu lực ngay lập tức, trong khi chỉ còn 1 tiếng đồng hồ là bước sang ngày 1/7/2020, ngày kỷ niệm 23 năm Anh Quốc trao trả Hồng Kông.

Luật an ninh quốc gia được coi là dấu chấm hết cho các quyền dân chủ cuối cùng còn sót lại ở Hồng Kông. Theo luật này, Trung Quốc tự cho mình quyền dẫn độ và xét xử các cá nhân ở Hồng Kông và mọi nơi trên thế giới bị Bắc Kinh cáo buộc là vi phạm luật an ninh quốc gia Hồng Kông.

Mỹ công bố sai phạm nhằm chống lại Trung Quốc

Những tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ là một phần trong chiến lược phơi bày thông tin về Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Giới quan sát chỉ ra rằng phơi bày những sai phạm là một bước chuẩn bị cho các động thái tiếp theo từ Washington nhằm chống lại các mối đe dọa của chính quyền Trung Quốc.

Washington đang công khai đối đầu với hàng loạt hành vi hung hăng của Bắc Kinh, từ hoạt động thương mại mang tính cướp bóc, tình trạng vi phạm nhân quyền, đến những hành vi phi pháp trên biển. Hồi tháng 7, chính quyền Trump chính thức bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

Giới quan sát cho biết Mỹ đang tăng cường liên minh các nền dân chủ để chống lại các tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.