Một học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đã kể lại trải nghiệm đáng sợ khi bị nhắm mục tiêu trong chương trình thu hoạch nội tạng cưỡng bức do các quan chức cộng sản ở Trung Quốc thực hiện, điều mà những người cai ngục đã lập luận rằng là việc làm đóng góp cho quốc gia.

“Một đêm không lâu sau khi tôi đến Trung tâm Tẩy não Mật Sơn, ông Lý Lập Quân, giám đốc Trung tâm Tẩy não Kê Tây, ngồi trong một góc sau bữa tối và nói với tôi dưới ánh đèn mờ ảo: ‘Bà nên đóng góp sức mình cho quốc gia,’” bà Ngụy Quân, một học viên Pháp Luân Công người Trung Quốc vừa mới đào thoát khỏi Trung Quốc một tháng trước, chia sẻ tại một buổi mít tinh ở Sydney hôm 14/07 vừa qua.

“Sau đó, ông ấy nói với tôi: ‘Có các bác sĩ trong bệnh viện hợp tác với chúng tôi, dưới danh nghĩa kiểm tra y tế cơ thể của bà, để xem các chỉ số thể chất của bà có đáp ứng tiêu chuẩn cho việc thu hoạch nội tạng sống hay không.’

“Vào một đêm khác, một người đàn ông trông giống như một người bán thịt, sau đó tôi mới biết là Giám đốc phòng 610 của thành phố Mật Sơn, ông Vu Hiểu Phong, đứng trước mặt tôi, nhìn chằm chằm vào tôi và nói: ‘Mắt của bà thật tốt [để đem đi thu hoạch].’”

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần Phật gia xoay quanh các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn,” lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Vì những lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần, môn tu luyện này đã thu hút 70-100 triệu học viên trong nước vào năm 1999, theo ước tính của chính quyền Trung Quốc.

Vào ngày 20/07/1999, do lo sợ Pháp Luân Công sẽ phổ biến thành một hệ tư tưởng độc lập, nên cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp đối với những người theo học môn pháp này. Theo trang web minghui.org, một trang web chuyên tập hợp các tin tức về cuộc bức hại này, tính đến tháng 06/2023, 4,974 học viên Pháp Luân Công đã bị sát hại trong cuộc đàn áp này,

Theo báo cáo mới nhất hồi tháng Tư của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một trong những tội ác khủng khiếp nhất của ĐCSTQ đối với các học viên ở Trung Quốc là thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Điều này cũng nói lên rằng nguồn hiến tặng nội tạng sống vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc và thời gian chờ đợi hiến tạng là ngắn.

Báo cáo này được đưa ra sau cuộc điều tra năm 2019 do Tòa án Luận tội Trung Quốc độc lập và quốc tế gồm bảy thành viên tiến hành. Cuộc điều tra này kết luận kết luận “một cách đồng thuận, và chắc chắn là không còn nghi ngờ gì nữa — rằng ở Trung Quốc, nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm đã được thực hiện trong một thời gian dài liên quan đến một số lượng rất lớn nạn nhân.”

Bà Ngụy, người nói chuyện tại một cuộc mít-tinh tưởng niệm 24 năm ngày các học viên Pháp Luân Công kháng nghị ôn hòa đối với cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã lưu ý rằng, mặc dù phải trải qua thử thách đau khổ bao gồm đủ loại tra tấn, nhưng bà không bao giờ hối hận vì đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

“Ngược lại, chính nhờ tu luyện Phật Pháp mà tôi đã có được can đảm để kháng nghị ôn hòa chống lại chế độ tà ác nhất trong lịch sử nhân loại, và tôi vẫn có thể đứng đây cho đến ngày hôm nay sau vô số sự tra tấn vô nhân tính.”

Thế giới bắt đầu hành động đối với nạn buôn bán thu hoạch nội tạng sống của Trung Quốc

Tiến sĩ Uông Chí Viễn, chủ tịch kiêm phát ngôn viên của WOIPFG nói với The Epoch Times: “Thế giới ngày càng hiểu rõ hơn về tội ác thu hoạch nội tạng sống phản nhân loại của ĐCSTQ. Ngoài việc lên án về mặt đạo đức, nhiều quốc gia đã bắt đầu thúc đẩy về mặt luật pháp.”

Các học viên Pháp Luân Công tái hiện cảnh thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc tại một cuộc biểu tình ở Vienna, Áo, vào ngày 01/10/2018. (Ảnh: Joe Klamar/AFP qua Getty Images)

Hành động này bao gồm chính phủ liên bang ở Úc. Hồi tháng Sáu, thượng nghị sĩ Dean Smith đã đề nghị Dự luật Sửa đổi Di cư (Công bố về Cấy ghép Nội tạng ở Hải ngoại và các Biện pháp khác) năm 2023 để giúp chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ.

Dự luật đã trải qua lần đọc thứ hai tại Quốc hội, đây là giai đoạn trước khi các dân biểu quốc hội bỏ phiếu cho dự luật này.

Người dân Úc kinh hoàng trước hành vi này

Người dân Úc đã gọi việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Bắc Kinh là một hành vi khủng khiếp.

Bà Sophie York, luật sư, giảng viên đại học luật, đồng thời là một tác giả, đã mô tả tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức là “ngoài sức tưởng tượng vì quá tàn ác khủng khiếp.”

“Kể từ khi nào mà mong muốn kiểm soát và hiệu quả biện minh cho việc xem thường nhân quyền dựa trên luật tự nhiên? Kể từ khi nào vậy?” bà York nói.

Bà Sophie York, luật sư, giảng viên luật đại học, đồng thời là một tác giả, nói tại một cuộc mít tinh ở Sydney hôm 14/07. (Ảnh: Wade Zhong/The Epoch Times).

Trong khi đó ông Paul Folley, tổng giám đốc của Australia TFP (Truyền thống, Gia đình, và Tài sản), nói rằng hành vi này khiến ông nhớ lại những gì đã xảy ra với người Do Thái ở châu Âu trong Đệ nhị Thế chiến.

“Bây giờ sau ngần ấy năm, [nạn diệt chủng] này lại đang xảy ra, và không chỉ đang xảy ra mà còn đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta,” ông Folley nói. “Người dân phương Tây không đứng lên chống lại hành vi này như họ nên làm, bởi một lý do đơn giản: việc làm ăn với Trung Quốc quá tốt.”

Ông Paul Folley, tổng giám đốc của Australia TFP, nói tại một cuộc biểu tình ở Sydney hôm 14/07. (Ảnh: Wade Zhong/The Epoch Times)

Ông Andrew Wilson, cựu thị trưởng thành phố Parramatta, cho biết ông tôn trọng những người bạn tu luyện Pháp Luân Công của mình vì các học viên không bị những kẻ bức hại họ dẫn dắt.

“Quý vị không để cho họ khiến quý vị lệch rời khỏi con đường của quý vị. Quý vị không để cho những người đó khiến quý vị đau khổ, tức giận và hận thù,” ông nói.

Ông Wilson cho biết ông tin rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp sẽ sớm thấy được chiến thắng.

“Tôi tin rằng quý vị đang chiến thắng. Tôi tin rằng quý vị sẽ giành chiến thắng. Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ được tự do, và tôi muốn quý vị chuẩn bị cho ngày đó. Hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho ngày đó vì chuyện này sẽ diễn ra rất nhanh”, ông nói.

Ông Andrew Wilson, cựu thị trưởng thành phố Parramatta, phát biểu tại một cuộc biểu tình ở Sydney hôm 14/07. (Ảnh: Wade Zhong/The Epoch Times)

Các diễn giả khác bao gồm ông Phùng Sùng Nghĩa, phụ tá giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, ủy viên hội đồng Hornsby Shire Sreeni Pillamarri, và bà Indu Harikrishna, Chủ tịch Nhóm Cộng đồng Sydney, một trong những nhóm cộng đồng lớn nhất của Sydney.

Vân Sa biên dịch/Linh bài gốc: https://www.epochtimesviet.com/nan-nhan-duoc-yeu-cau-dang-hien-than-minh-cho-chuong-trinh-thu-hoach-noi-tang-song-cua-bac-kinh_397087.html