Việc Trung Quốc xây dựng hệ thống đập đầu nguồn sông Mekong đã gây ra những tác hại khôn lường đối với hàng triệu người ở các nước khu vực hạ lưu. Nó đảo ngược trật tự tự nhiên của khu vực hạ lưu. Trung Quốc đứng trước cáo buộc thống trị và sử dụng nguồn nước cho động cơ địa chính trị.

Nghịch lý sông Mekong

Vấn đề này đã được thảo luận tại Hội thảo trực tuyến “Nước ở đâu: mùa khô Mê Kông 2022”, do Trung tâm Stimson tổ chức ngày 15/2 với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Alan Basist, Chủ tịch Dự án quan sát trái đất (Eyes on Earth) và là thành viên đứng đầu Tổ chức giám sát đập Mê Kông, cho biết: Hiện nay đang đầu mùa khô hạn, mọi thứ diễn biến khá bình thường; nhưng chỉ vài tuần nữa khi vào cao điểm sẽ có nhiều biến động lớn, khi Trung Quốc bắt đầu xả nước trên các đập thủy điện của họ để sản xuất điện. Vào lúc đó, lượng nước trên dòng sông Mê Kông sẽ rất dồi dào chứ không phải là mùa khô như quy luật tự nhiên vốn có của nó. Từ đó, ông dự báo có thể vùng hạ lưu sông Mê Kông từ giờ về sau sẽ thay đổi theo hình thức mùa khô sẽ bị ngập lụt đáng kể nhưng mùa mưa dòng chảy bị thiếu hụt. Đây là năm thứ 4 liên tiếp dòng sông này thiếu nước trong mùa mưa mà lại thừa nước trong mùa khô.

Tham gia hội thảo, phía Việt Nam có đại diện là ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cũng cho rằng việc các đập thượng nguồn tích nước trong mùa lũ cũng làm cho dòng chảy vào Biển Hồ ở Campuchia suy giảm, xóa sổ vai trò điều tiết nước tự nhiên của Biển Hồ và thủy sản tự nhiên ở đây, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở đó cũng như lượng trứng cá và cá con trôi về ĐBSCL mỗi mùa lũ. 

Còn Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và đồng Trưởng nhóm Giám sát đập Mê Kông, Trung tâm Stimson, nhận định: Tính mùa vụ tự nhiên của dòng sông không còn và vấn đề này ngày càng nghiêm trọng hơn. Thế nên, các quốc gia hạ lưu vực sẽ phải gánh chịu những tác động rất nguy hại này. Cụ thể, khoảng 20 triệu người dân sẽ bị tác động trực tiếp đến sinh kế.

Không chỉ có vậy, nước từ các đập thủy điện xả ra là “nước đói” vì không mang theo phù sa nên không mang thêm dinh dưỡng bổ sung cho đồng ruộng, kéo theo nông nghiệp bị ảnh hưởng. 

Trung Quốc bị cáo buộc dùng sông Mekong làm công cụ bành trướng tại Đông Nam Á

Cáo buộc này xuất hiện từ năm 2018. Hãng thông tấn NPR đã có một bài phân tích chi tiết có tựa đề: Trung Quốc định hình lại sông Mê Kông để tăng cường đà bành trướng.

Bài viết của NPR nêu bật một loạt hoạt động của Trung Quốc nhằm ‘chiếm hữu’ dòng sông Mekông, từ việc cho tàu tuần tra xuống đến tận cửa ngõ vào Thái Lan, lấy tiếng là để bảo vệ an ninh cho tàu bè đi lại trên sông, cho đến việc xây đập vô tội vạ để làm điện, bất chấp tổn hại môi trường cho các nước láng giềng ở hạ nguồn.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, lý do bảo đảm an ninh chỉ là cái cớ, còn thực ra mục tiêu chính là hù dọa, răn đe các nước trong vùng.

Báo cáo trích dẫn ý kiến của Elliot Brennan, thuộc Học Viện Chính Sách Phát Triển và An Ninh, có trụ sở tại Bangkok, cho rằng, sự hiện diện của chiến thuyền Trung Quốc trên sông Mê Kông chỉ nhằm nhắc nhở các láng giềng về trọng lượng và uy lực cứng cũng như sắc bén ngày càng tăng của Trung Quốc .

Bài phân tích của đài NPR không ngần ngại khi ví vùng Đông Nam Á là sân sau của Trung Quốc, báo cáo có đoạn: “Ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, sân sau của họ. Sáng kiến Một ​​Vành Đai và Một Con Đường đang mở rộng thêm ảnh hưởng của Bắc Kinh, với việc xây dựng đường xá, tàu cao tốc và hải cảng đang được rốt ráo tiến hành ở Đông Nam Á, giúp cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận tốt hơn với các thị trường cả trong khu vực lẫn xa hơn nữa.”

Mặt khác, Trung Quốc cũng đang xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mêkông, nó có thể sẽ sản xuất ra 1 lượng điện cần thiết, nhưng đặt ra các mối đe dọa lớn cho môi trường, và đặc biệt là tiếp tục cho phép Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát của họ trong khu vực.

Theo NPR, đà bành trướng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, đã được cảm nhận và trong nhiều trường hợp, làm dấy lên sự sợ hãi.

Chuyên gia Brennan nhận định: ‘‘Việc Trung Quốc đồng thời kiểm soát cả Biển Đông lẫn sông Mêkông, về mặt chiến lược, sẽ đẩy khu vực Đông Nam Á vào thế gọng kìm’’.

Đối với ông Brennan, âm mưu của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các dòng sông tại Đông Nam Á là ‘‘phần nửa còn lại của cái gọi là chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc trong khu vực.’’ Tức là, từ từ gặm nhấm dần và cuối cùng là nuốt chửng. Chiến lược này đã được Trung Quốc áp dụng ở Biển Đông, bắt đầu từ từng bước bồi đắp và xây dựng trên các rạn san hô trong vùng biển có tranh chấp của Biển Đông. Đó là một chiến lược rất thâm hiểm.

Trung Quốc biến nguồn nước thành vũ khí, gây thêm hạn hán ở châu Á

Cuối tháng 2/2020, trong một cuộc tiếp xúc với các nông dân và ngư dân Lào khi đó lo lắng về tình trạng hạn hán chưa từng thấy trên dòng Mêkông, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng trấn an người dân Lào, đồng thời khẳng định Trung Quốc cũng lâm vào tình trạng hạn hán tương tự. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của New York Times, các nghiên cứu về khí hậu, thủy văn, dựa trên các dữ liệu vệ tinh, vừa được công bố, cho thấy điều ngược lại. 

Điều tra của công ty Eyes on Earth, công bố ngày 12/4/2020, cho thấy đã có rất nhiều nước từ cao nguyên Tây Tạng đổ về thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc (đoạn sông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương), đúng vào giai đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố phía Trung Quốc cũng bị hạn hán.

Đồng giám đốc điều tra, ông Alain Basist, nhấn mạnh: ‘‘Không thể bác bỏ được các dữ liệu từ vệ tinh, trong khi có rất nhiều nước trên cao nguyên Tây Tạng, thì những nước như Campuchia và Thái Lan lại lâm vào cảnh thiếu nước… Đã có một lượng nước khổng lồ bị Trung Quốc giữ lại’’.   

Nghiên cứu của Eyes on Earth đã cung cấp các dữ liệu cho thấy, trước năm 2012, dòng chảy được coi là tương đối tự nhiên. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi xuất hiện độ chênh lệch lớn, giữa lượng nước có khả năng xuống hạ lưu và lượng nước thực tế. 

Theo điều tra của Eyes on Earth, tổng lượng nước mà các hồ chứa nước để làm thủy điện của Trung Quốc có thể dự trữ là 47 tỷ mét khối. Theo kết quả điều tra về lượng nước Mêkông suốt 28 năm này, các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng một lượng nước của dòng sông, tương đương với chiều cao khoảng 130 mét.

Theo báo cáo của Eyes on Earth, điểm căn bản khiến các đập thủy điện của Trung Quốc làm hạ lưu thêm khô hạn là việc các con đập sử dụng khối lượng nước khổng lồ này một cách tùy ý. Chính nhu cầu có nước dùng đều đặn để chạy tua-bin thủy điện, với ngày một nhiều con đập hơn, đã có xu hướng biến Mêkông thành dòng sông không còn mùa lũ thực sự. Sông Mê Kông ‘‘mùa mưa’’ 2019 vốn ít nước đã trở nên khô cạn hơn, bởi nước được điều tiết rất ít cho hạ lưu, vì còn để dành cho thủy điện hoạt động vào ‘‘mùa khô’’.  

Sau khi hoàn thành 11 con đập lớn, Trung Quốc đang xây dựng thêm nhiều đập ở thượng nguồn sông Mekong, bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng. Trên thực tế, Bắc Kinh cũng đang xây đập trên các con sông xuyên quốc gia khác. Đập của Trung Quốc được xây dựng chỉ mang lại lợi ích cho chính họ, nhưng lại tước đoạt đi rất nhiều cơ hội của các nước ở khu vực hạ lưu. Họ phải có trách nhiệm bù đắp các thiệt hại. 

Trên thực tế, Trung Quốc là trung tâm của bản đồ nước Châu Á. Nhờ sáp nhập Cao nguyên Tây Tạng giàu nước và tỉnh Tân Cương rộng lớn, Trung Quốc là điểm xuất phát của các con sông chảy đến 18 quốc gia ở hạ lưu. Không có quốc gia nào trên thế giới đóng vai trò đầu nguồn cho nhiều quốc gia giống như Trung Quốc. Và bằng cách xây dựng các con đập, xà lan và các công trình dẫn nước khác ở các vùng biên giới của mình, Trung Quốc đang tạo ra một cơ sở hạ tầng rộng lớn ở thượng nguồn, cung cấp cho Bắc Kinh khả năng vũ khí hóa nguồn nước.