Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, việc nghiện các trò chơi điện tử có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Biểu hiện nghiện game ở trẻ

Nghiện game online  trò chơi ảo, hậu quả thực
Trẻ khó chịu, bức bối tìm mọi cách để được chơi (ảnh chụp màn hình trên vitinh.ttc.com).

Biểu hiện đầu tiên là trẻ chơi game online trong thời gian dài, từ ngày này nối tiếp ngày khác mà không có dấu hiệu dừng dại. Thậm chí, trẻ còn có thể quên cả ăn, uống, ngủ, nghỉ chỉ để chơi game xuyên thời gian.

Khi không được chơi game hằng ngày, trẻ sẽ rất khó chịu, bức bối và tìm mọi cách để có thể được chơi. Vì dồn hết tâm huyết vào trò chơi ảo nên trẻ mất đi hứng thú với học tập, cô lập mình với cuộc sống đời thực. Đã có nhiều bi kịch thương tâm xảy đến với người trẻ được ghi nhận khi cày game thâu đêm.

Nguyên nhân dẫn đến nghiện game

Bùng nổ của các quán internet

Cùng với sự phát triển của mạng internet, các quán game online cũng mọc lên như nấm. Gần khu vực trường Phổ thông đến Đại học, các cửa hàng game online san sát nối tiếp nhau. Đối tượng mà các quán game online nhắm vào là các bạn học sinh, sinh viên đang đi học hoặc sống xa gia đình.

Các trò chơi điện tử được các nhà sản xuất thiết kế hấp dẫn người chơi bởi sự kích thích trí tò mò, khả năng thử thách bản thân và những phần thưởng khi chiến thắng. Khi chơi nhiều sẽ khó từ bỏ được nó.

Sự thiếu quan tâm từ gia đình

Nghiện game online  trò chơi ảo, hậu quả thực
(Ảnh minh hoạ: Pixabay).

Trong guồng quay tất bật của cuộc sống mưu sinh, nhiều cha mẹ quá bận bịu với công việc của mình mà thiếu đi sự quan tâm dành cho con trẻ. Trong khi đó, trẻ con có khả năng thích ứng rất nhanh với cái mới, nhất là những thứ kích thích sự tò mò. Khi cha mẹ thấy con còn nhỏ đã biết sử dụng thiết bị thông minh còn cổ động con sử dụng.

Thậm chí, có những bậc cha mẹ vì không thể đón con đúng giờ tan học mà còn cho con tiền để “gửi” con vào quán internet đợi bố mẹ đi làm về qua đón. Hành động đó của cha mẹ không khác gì “giao trứng cho ác”.

Quá nhiều thiết bị công nghệ trong nhà

Trước sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ, sự ra đời của các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại, máy tính bảng… tạo cơ hội thuận lợi để game online đặt chân vào mỗi gia đình có con nhỏ. Hầu hết những em bé đang độ tuổi mẫu giáo thường được cha mẹ cho xem những bộ phim hoạt hình một cách thoải mái.

Nhiều trường hợp để tiết kiệm thời gian hoặc để dỗ con ăn nhanh hơn, cha mẹ thường cho con vừa ăn vừa xem điện thoại. Lâu dần đứa trẻ thành quen, khi cho xem điện thoại thì ăn mà không cho xem thì khóc bỏ ăn. Hoặc cũng có cha mẹ coi việc cho con xem điện thoại như một phần thưởng mỗi khi con làm được việc tốt.

Hậu quả của việc trẻ em nghiện game

Mỏi mắt, rối loạn giấc ngủ

Khi trẻ chơi điện tử trong một thời gian dài, mắt của trẻ tiếp xúc với ánh sáng xanh phản quang liên tục trong nhiều giờ gây ra hiện tượng mỏi mắt và các bệnh về mắt.

Hơn nữa, nó còn dẫn đến việc hạn chế khả năng tiết chế ra chất melatonin, một loại hormone quan trọng điều hòa giấc ngủ của con người vào ban đêm, dẫn đến tình trạng ngủ hay giật mình hoặc ngủ không sâu giấc.

Hệ quả của việc chơi điện tử lâu ngày khiến não bộ căng thẳng có thể gây tê liệt hệ thần kinh. Đây cũng là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, giảm trí nhớ, suy giảm khả năng miễn dịch, não bộ tổn thương.

Ảnh hưởng xấu đến hành vi xã hội của cá nhân

Nghiện game online  trò chơi ảo, hậu quả thực
Nghiện game hình thành tư tưởng cuồng bạo, tự sát ( ảnh chụp màn hình trên nongnghiep.vn).

Đắm chìm trong thế giới ảo lâu ngày, trẻ dần tạo ra rào cản vô hình giữa mình với xã hội. Trẻ thường dành nhiều thời gian cho game mà dành ít thời gian vui chơi chung với bạn bè. Lâu dần, trẻ ngại giao tiếp với xã hội, thích cô lập một mình.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực trong xã hội. Khi trẻ không còn phân biệt được đâu là thế giới ảo, đâu là thế giới thực, trẻ dễ có hành động bạo lực ngoài đời vì cho rằng người thật không khác gì nhân vật trong trò chơi điện tử. Thậm chí còn hình thành những tư tưởng cuồng bạo, tự sát. Đã có rất nhiều sự việc thương tâm xảy ra cũng vì lí do này.

Không những thế, trẻ còn trở nên vô cảm, dửng dưng với mọi thứ diễn ra trong cuộc sống này. Khi sự yêu thương, lòng quan tâm dành cho người khác bị những nhân vật game thay thế trẻ sẽ sống và nghĩ không khác gì một cỗ máy.

Ảnh hưởng xấu tới thể chất

Không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần, hành vi xã hội, nghiệm game online khiến trẻ ngồi một chỗ kéo dài nhiều giờ cơ thể bí bách không được vận động, cơ bắp bị tổn thương, giảm quá trình lưu thông máu lên não. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng đột quỵ của game thủ.

Ngoài ra, nếu ngồi lâu và ngồi sai tư thế có thể dẫn tới tình trạng cong vẹo cột sống, mắc chứng thoát vị đĩa đệm, đau dạ dày… và nhiều bệnh mãn tính nguy hại khác.

Xao nhãng việc học hành

Hầu hết những bạn trẻ nghiện game đều có lực học trung bình hoặc yếu. Phần lớn thời gian các em dùng để chơi điện tử, chơi nhiều đến mức ám ảnh lúc nào cũng nghĩ tới nó khiến đầu óc không tập trung học tập, học hành giảm sút nghiêm trọng.

Thậm chí, trẻ còn nói dối bố mẹ, thầy cô đi học. Thực tế, các em đến các quán điện tử ngồi hết giờ thì cắp cặp ra về. Cánh cổng tương lai bị khép lại trước của các quán điện tử. Thật đáng buồn!

Tổn thất về kinh tế, bất ổn định xã hội

Đặc điểm hấp dẫn của chơi game là phải có bạn để thách đấu thay vì chơi một mình. Bởi thế, trẻ thường hẹn nhau ra các địa điểm kinh doanh game online để kết nối . Thường những trận thách đấu diễn ra ai thua sẽ phải trả tiền máy hoặc trả tiền cho người thắng cuộc.

Cũng bởi vậy, một số trẻ không có tiền để trả phí đã phải lấy trộm tiền của bố mẹ. Hoặc không có tiền để chơi, chủ quán sẽ cho chơi chịu, số tiền có thể lên tới hàng triệu đồng. Khi không có khả năng trả lại trẻ còn phải chịu đánh đập, dọa nạt của chủ quán. Điều đó gây rối trật tự xã hội.

Tiền mất tật mang, thế giới game sẽ chẳng mang lại cho bạn trẻ điều gì có ích. Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo hãy giúp các em vạch rõ ranh giới giữa game và đời thực, cân bằng giữa game và các hoạt động sinh hoạt khác để từ đó lớn lên trong môi trường khỏe mạnh, an toàn.