Nghiện mạng xã hội là do thói quen, càng ngày càng khó bỏ và khó cai hơn các chất gây nghiện như ma túy, rượu, thuốc lá. Các nghiên cứu mới đây cho thấy 10% người dùng các phương tiện truyền thông xã hội thực sự bị cuốn hút đến mức nghiện.

Mất thời gian

2105-12
Mạng xã hội “ngốn” nhiều thời gian của bản thân, gây lãng phí tuổi trẻ (ảnh chụp màn hình soha.vn).

Hàng ngày chúng ta thường dành ít nhất từ 2-3 giờ để lướt web hay vào các trang mạng xã hội như facebook, zalo. Thậm chí, có thể vừa ăn vừa lướt web, vừa làm việc vừa xem phim…tất cả trở thành thói quen không dễ từ bỏ. Tiếp xúc với mạng xã hội quá nhiều sẽ triệt tiêu thời gian của bản thân, lãng phí tuổi trẻ vào thế giới ảo. Kết quả, tinh thần uể oải, cơ thể mệt mỏi, chất lượng học tập và công việc bị giảm sút.

Suy giảm mọi hoạt động sống

Mỗi ngày, ở cơ quan chúng ta tiếp xúc với máy tính liên tục khiến đầu óc rất căng thẳng, mệt mỏi. Vì vậy, nhiều người cho rằng giờ nghỉ ăn trưa tranh thủ vừa ăn vừa lướt mạng cho thư thái.

Nhưng bạn có biết, khi sử dụng điện thoại vào khung giờ các bữa ăn sẽ làm xáo trộn nhịp sinh học, phá vỡ cơ chế nội tiết điều hòa dịch dẫn đến khi ăn không biết vị ngon của đồ ăn, thức ăn khó hấp thụ, khó tiêu hóa. Đó cũng là nguyên nhân của các bệnh về đường tiêu hóa.

Hơn nữa, buổi tối trước khi đi ngủ chúng ta có thói quen vào mạng “xem cho dễ ngủ” đã để lại hậu quả nguy hại không kém. Ánh sáng từ màn hình điện thoại độc hại gấp nhiều lần ánh sáng của mặt trời, khi kích thích vào mắt khiến não khiến mỏi mắt, não bị ức chế khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Ảnh hưởng tới cuộc sống thực

1734-12
Nghiện mạng xã hội khiến chúng ta ngại giao tiếp ngoài đời thực (ảnh chụp baodansinh.vn).

Tuy mạng xã hội là thế giới ảo nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống thực. Với những người bận rộn có ít thời gian, do khoảng cách về địa lí quá xa hoặc trong tình trạng dịch bệnh đang diễn ra thì việc trao đổi thông tin online là việc nên làm.

Tuy nhiên, khi ta đã quen thuộc và trở nên yêu thích với việc giao lưu bạn bè, bày tỏ thái độ qua các nút bấm like, các biểu tượng cảm xúc, ta sẽ “ngại” giao tiếp ngoài đời thực. Từ đó, không chỉ hạn chế khả năng bộc lộ bản thân của mỗi người mà còn đẩy mối quan hệ ngoài đời thực xa nhau hơn.

Đánh mất sự riêng tư

Nhiều người có thói quen đăng các hoạt động trong ngày của mình lên mạng xã hội từ ăn, ngủ, nghỉ…thậm chí cả những những hình ảnh nhạy cảm trong phòng tắm, trong wc, hay trong phòng ngủ với lí do “mình thích thì mình đăng”.

Họ không lường được những hậu quả nghiêm trọng đến từ thói quen này. Sau mỗi bài viết, hình ảnh được đăng tải những lời bình phẩm hài hước cũng có, lời khen, động viên cũng nhiều nhưng cũng không ít những ánh mắt soi mói, đôi lời lẽ khiếm nhã khiến bạn cảm thấy phiền toái.

Giảm sự tập trung vào mục tiêu của mình

2702-13
Nghiện mạng xã hội đẩy ta xa rời mục tiêu của bản thân (ảnh chụp màn hình helobacsi.com).

Mỗi người đều đặt ra cho mình một mục tiêu cụ thể và dồn hết sức lực để thực hiện mục tiêu đó. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cho rằng mình đang tận dụng mạng xã hội để đẩy mục tiêu nhanh trở thành hiện thực. Thực tế cho thấy, khi chúng ta sử dụng mạng xã hội quá nhiều các mối quan hệ sẽ ngày càng rộng mở, có nhiều thứ hấp hẫn dễ khiến ta xa rời mục tiêu của mình đã đề ra.

Bạn sẽ không còn thời gian dành để học hỏi ngoài đời sống thực tế, và cũng không còn lúc nào để đọc sách, thu thập kiến thức nhằm thực hiện mục tiêu. Và đằng sau những khoảnh khắc tự hào của “anh hùng bàn phím” là cảm giác mệt mỏi, áp lực do học tập sa sút và thiếu kĩ năng trong công việc.

Nảy sinh tính xấu: mặc cảm, tự ti, tật đố, vô cảm…

Chỉ một cái kích chuột nhẹ bạn có thể xem được cả thế giới trong một nốt nhạc hay dễ dàng quan sát được hoạt động sống của một ai đó mà bạn quan tâm. Chính trong quá trình tò mò quan sát này chúng ta dễ nảy sinh những tâm xấu.

Khi thấy ai đó có điều gì hơn bản thân, thay vì mừng cho họ thì ghen tức, tật đố đến khó chịu. Đối với những người kém cỏi thì lại coi thường họ. Nếu thấy mình không bằng ai đó thì xuất hiện cảm giác mặc cảm, tự ti, khó chịu.

Đặc biệt, hệ quả đáng sợ của hiện tượng nghiện mạng xã hội là sự vô cảm. Gặp người tai nạn thay vì giúp họ đi bệnh viện thì có những người chỉ check in…để câu like, sau đó cũng bỏ nạn nhân ở lại.

Như thế, theo thời gian những tâm lí xấu sẽ tích tụ lại, dần dần con người mất đi phần thiện lương vốn có, xã hội vì thế ngày càng trở nên rối loạn.

Hủy diệt sự sáng tạo

1148-14
Lạm dụng mạng xã hội là nguyên nhân chính hủy diệt sự sáng tạo của con người (ảnh chụp màn hình khoinghiepsangtao.vn)

Năng động, sáng tạo là phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại, nhất là thời đại công nghệ 4.0. Tận dụng được thế mạnh của mạng xã hội phần nào giúp con người nhạy bén hơn trước mọi cơ hội và thử thách để thành công.

Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng mạng xã hội thì sự sáng tạo của bạn sẽ bị giảm sút. Khi muốn tìm thứ gì đều có thể tra thấy trên google một cách đơn giản mà không cần phải động não. Cứ như vậy thành thói quen, điều gì cũng có sẵn nên không cần tư duy nữa. Con người dần trở nên thụ động như máy móc.

Dễ bị lừa đảo, phá vỡ sự bảo mật

Mạng Internet thuộc về thế giới ảo với những tài khoản ảo được tạo ra bởi những cá nhân với nhiều mục đích khác nhau có thể là giao lưu, tìm đối tác làm ăn, tìm người tâm sự…nhưng đằng sau nó tiềm ẩn nguy cơ của sự lừa đảo.

Hiện tượng đánh cắp thông tin online, chiếm đoạt thông tin người sử dụng bằng một đường dẫn dính virut xảy ra thường xuyên. Hay cá nhân thích gây sự chú ý từ người khác đã tung tin đồn nhảm trong đại dịch Corona khiến dư luận hoang mang, lo sợ.

Điển hình là hiện tượng hack tài khoản cá nhân do nhấn vào đường link lừa đảo đo chính bạn bè gửi dẫn đến tài khoản bị mất, còn mình trở thành nạn nhân của những hoạt động lừa đảo phi pháp như: xin thẻ điện thoại, lừa tiền trong thẻ ATM qua hoạt động giao dịch đổi tiền nước ngoài…

Tình cảm không bền vững

Nhiều người nhờ có mạng xã hội mà tìm được ý trung nhân của đời mình. Nhiều gia đình trở nên ấm áp hơn bởi những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau được chia sẻ trên mạng. Cũng nhờ đó tiếp thêm cảm hứng về hạnh phúc cho mỗi người.

Thế nhưng, cũng có những thực tế phũ phàng vì cuộc sống không phải khi nào cũng thuận hòa. Những clip đánh ghen tung khắp mạng xã hội, các thiết bị theo dõi từ xa được rao bán trên khắp các trang mạng.

Những lời bình luận tốt đẹp thì ít, khiếm nhã thì nhiều dẫn đến tình yêu đôi lứa dễ rạn nứt, tình cảm gia đình không bền vững. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gia tăng tỉ lệ ly hôn trong xã hội hiện đại.

Dễ tiếp xúc với những thông tin không chính xác, hình ảnh thiếu lành mạnh

2029-15
Trên mạng chứa nhiều thông tin, hình ảnh phản cảm gây lệch lạc về nhân cách (ảnh chụp màn hình suckhoetamthan.net)

Mạng xã hội trở thành kênh thông tin chủ yếu trong giới trẻ bởi khả năng cập nhật nhanh và sức lan tỏa rộng. Nhờ sức mạnh của cộng đồng mạng mà chỉ hơn một ngày em bé bị mất tích ở Bắc Ninh đã được tìm thấy ở Cao Bằng, yêu thương nhanh chóng được lan tỏa nhờ tấm lòng thiện lương của cô gái trẻ kêu gọi quên góp tiền ủng hộ cho anh nông dân bị rắn cắn…

Tuy nhiên, một số cá nhân có sở thích câu like, giật tít để gây sự chú ý của dư luận đã đăng những tin đồn thất thiệt gây tò mò, hoang mang, lo lắng cho những độc giả online. Đặc biệt, với trẻ nhỏ chưa biết chọn lọc nội dung trên mạng dễ tiếp xúc phải những hình ảnh phản cảm, phản giáo dục dễ dẫn đến trẻ bắt chước hoặc phát triển lệch lạc về nhân cách.

Mạng xã hội cũng giống như con dao hai lưỡi, nếu bạn biết cách dùng nó sẽ phục vụ hữu ích cho cuộc sống, thúc đẩy văn minh tinh thần của xã hội đi lên. Nếu không biết khắc chế bản thân thì chính mạng xã hội lại khiến bạn hủy hoại cả tuổi trẻ vào thế giới ảo với những thứ phù phiếm.

Mong rằng bạn đủ lí trí để trở thành người dùng mạng xã hội văn minh!