Thủ tướng Hun Sen đã tiến hành chính sách “ngoại giao cao bồi” khi Campuchia đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN, đồng thời ông cũng lạm dụng chức chủ tịch và hành động nhanh chóng theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Đó là nhận định của học giả Richard Javad Heydarian trên tờ Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI). Ông Heydarian là nghiên cứu viên tại Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan)

Khủng hoảng ngoại giao ASEAN dưới thời Hun Sen

Vào tháng 10/2021, ASEAN đã loại bỏ các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar khỏi các cuộc họp chung của khu vực. Tuy nhiên, sau khi Campuchia nhận chức chủ tịch ASEAN, ông Hun Sen lại trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Myanmar.

Học giả Heydarian nhận định rằng, nhà lãnh đạo Campuchia đã đơn phương dỡ bỏ lệnh cấm vận ngoại giao đối với quân đội Myanmar, theo đó giúp hợp pháp hóa chế độ tàn bạo, rõ ràng là bất chấp sự đồng thuận của ASEAN. Động thái của ông Hunsen đã hứng phải nhiều chỉ trích mạnh mẽ từ Malaysia và Singapore, nhắc nhở rằng việc tiếp cận cuộc khủng hoảng Myanmar cần dựa trên sự đồng thuận của các quốc gia thành viên.

Thủ tướng Campuchia được cho là sẽ thúc đẩy một cách tiếp cận khác biệt đối với các cuộc khủng hoảng khu vực lớn khác như tranh chấp Biển Đông. Kết quả dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao, khiến ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử không đưa ra được một thông cáo chung.

ASEAN cần hành động

Học giả Heydarian đề xuất rằng, để tránh những thất bại tương tự, các thành viên ASEAN nên thực hiện đồng thời trên cả ba mặt trận:

(1) Công khai chỉ trích bất kỳ sự lạm dụng đặc quyền chủ tịch thực sự hoặc tiềm ẩn nào làm tổn hại đến các nguyên tắc khu vực và lợi ích chung.

(2) Đẩy mạnh hợp tác đa phương về an ninh hàng hải, đặc biệt là giữa các quốc gia đối đầu với Trung Quốc trên biển

(3) Nỗ lực ngoại giao với các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ, nhấn mạnh sự cần thiết của Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Đặc quyền của Chủ tịch ASEAN

ASEAN hoạt động dựa trên hai nguyên tắc đồng thuận và tham vấn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng cuối cùng là quyền lực của chủ tịch ASEAN (được luân phiên hàng năm). Chủ tịch có hai đặc quyền, đó là: (1) xác định chương trình nghị sự của cơ quan khu vực (2) đưa ra “tuyên bố của chủ tịch” bất cứ khi nào có sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên.

Ông Hun Sen đã tận dụng tối đa các đặc quyền chủ tịch ASEAN của mình. Vào năm 2012, trong chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ông Hun Sen đã nhanh chóng hành động theo yêu cầu của Bắc Kinh về việc đề nghị ASEAN không tiến hành “quá nhanh” trong việc đàm phán COC ở Biển Đông.

Theo học giả Heydarian, khi vi phạm rõ ràng cả nghi thức và truyền thống đã có, ông Hun Sen liên tục cố gắng ngăn chặn việc đề cập đến các tranh chấp ở Biển Đông, ngay cả khi Philippines đang phải đối mặt với cuộc chiến kéo dài nhiều tháng với Trung Quốc về Bãi cạn Scarborough. Đã xảy ra một cuộc tranh cãi ‘nảy lửa’ giữa ông Hun Sen và Tổng thống Philippines Benigno Aquino thời điểm đó.

Thủ tướng Campuchia nghiêng về phía Trung Quốc

Học giả Heydarian cho rằng, ông Hun Sen hầu như không có dấu hiệu ăn năn. Khi các quốc gia ASEAN cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận xung quanh vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc tại La Hay, thì nhà lãnh đạo Campuchia đã công khai than thở: “Rất bất công cho Campuchia, sử dụng Campuchia để chống lại Trung Quốc… Đây không phải là về luật, mà hoàn toàn về chính trị”.

Theo ông Heydarian, những năm gần đây ông Hun Sen đã nghiêng hẳn về Trung Quốc. Điển hình nhất là Bắc Kinh ‘thống trị’ các thành phố ven biển và xây dựng một cơ sở hải quân của Trung Quốc ở Ream. Quyết định gây tranh cãi của Hun Sen trong chuyến thăm và hợp pháp hóa quân đội Myanmar phù hợp với quan điểm ngoại giao của Trung Quốc. Vì vậy, có mọi lý để tin rằng Hun Sen sẽ tuân theo đường lối của Bắc Kinh trong các tranh chấp ở Biển Đông.