Anh Đinh Công Vịnh (31 tuổi) sống tại xã Bao La, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), bất ngờ bị liệt hai chân. Kể từ đó, vợ anh, chị Bùi Thị Hoa (29 tuổi) trở thành người chăm sóc, gánh vác gia đình. Anh từng khuyên vợ đi lấy chồng khác cho bớt khổ; nhưng chị chỉ lặng lẽ, tảo tần bên anh không một lời than vãn.
- Người vợ cõng chồng và ước nguyện lớn nhất của anh là ‘có vợ ở bên’
- Cụ ông U80 sống một mình, ăn cơm bên di ảnh vợ mỗi ngày
- Cặp vợ chồng 38 năm sống giữa rừng ngập mặn: Không điện, không TV
- Vợ chồng nhặt ve chai trả lại tiền tỷ cho người đánh rơi “Của mình rớt 50 ngàn đã tiếc hùi hụi, huống hồ gì người ta”
Tai họa ập đến
Anh Vịnh kể với Doanh nghiệp và Tiếp thị, năm 2017 anh xuống Hà Nội xin công việc phụ vôi vữa. Sau đó sức khỏe bị suy giảm, lưng đau khiến anh không thể làm việc nặng. Nghe lời người khác mách, anh mua thuốc về rồi tự tiêm vào lưng
Ban đầu cảm thấy đỡ hơn; nhưng về sau anh phải nhập viện vì nhiễm trùng vào tủy. Trải qua hết ca phẫu thuật này đến ca phẫu thuật khác, bệnh tình không những không khỏi mà cuối cùng hai chân bị mất cảm giác hoàn toàn.
Từ một người đàn ông bình thường bỗng nhiên mất đi đôi chân khiến anh cảm thấy suy sụp. Anh nói “Đau đớn thể xác cũng không thể bằng nỗi đau trong lòng tôi lúc bấy giờ”.
Hai chân bị liệt, mọi sinh hoạt của chồng đều dựa vào vợ
Ra viện, mọi sinh hoạt cá nhân của người chồng bị liệt đều phải dựa hết vào vợ. Mỗi lần đưa anh Vịnh đi vệ sinh hay tắm, chị Hoa đều phải bế anh trên tay vì khu vệ sinh ở ngoài nhà. Cứ liên tục như vậy cả năm trời; cho đến khi anh chị được các mạnh thường quân hỗ trợ, xây căn nhà cấp 4 với công trình vệ sinh khép kín.
Từ ngày chồng không đi lại được, một mình chị Hoa gánh vác kinh tế gia đình. Vợ chồng anh lấy nhau đã 10 năm, được một mụn con gái năm nay đã 8 tuổi. Cả nhà 3 người sống phụ thuộc vào 3 sào ruộng và tiền công làm thuê làm mướn. Thương vợ gương mặt sạm đen vất vả, nhiều nếp nhăn hơn, tay chân thô ráp hơn, anh tự trách bản thân.
Anh nghĩ mình là một người đàn ông mà giờ lại để vợ vất vả chăm sóc và kiếm tiền. Có lúc không chịu được nữa, anh định tự tử cho vợ con hết khổ. Nhưng nghe cô con gái bé nhỏ nói “Bao giờ bố biết đi, bố khỏe lại rồi đưa con đi học nhé” thì anh lại không đành lòng.
Người vợ thương chồng vì ở nhà nhiều mà cáu gắt lầm lì, nên thỉnh thoảng, chị Hoa lại bế chồng ngồi phía sau xe máy đi hóng gió.
Anh thương vợ, khuyên chị lấy chồng khác
Nhiều đêm nằm cạnh vợ, anh ngập ngừng khuyên chị lấy chồng khác. Nhưng chị Hoa nhất mực đáp “lấy nhau đã là duyên số, dù thế nào vợ chồng cũng phải ở bên nhau”.
Dù anh có gây sự, tìm mọi cớ để vợ chán mà bỏ đi thì chị chỉ im lặng. Đợi đến khi anh bình tâm lại chị mới nói, “em không bỏ anh đâu”.
“Vết thương in hằn dọc sống lưng lấy đi của tôi tất cả. Sức khỏe giảm sút, cuộc sống đảo lộn, nợ nần. Nhưng may mắn tôi vẫn còn gia đình bên cạnh”, anh nói.
Vượt lên nghịch cảnh bị liệt
Đi qua những ngày mặc cảm, anh Vịnh bắt đầu thay đổi. Anh tham gia các hội nhóm của những người khuyết tật để cùng nhau sẻ chia; truyền cảm hứng cho nhau vượt lên nghịch cảnh.
Kể từ đó, anh học cách tự vệ sinh cá nhân, phụ vợ quét dọn nhà cửa; nấu cơm chờ vợ và con gái về, hướng dẫn con học bài. Ngoài ra, anh còn tự tập thổi sáo cho vui, lên mạng tìm công thức chế biến các món ăn ngon.
Vợ chồng anh mở cửa hàng bán nông sản, tạp hóa tại nhà. Tuy mức thu nhập không nhiều nhưng coi như thêm thắt chút ít.
Anh Vịnh học cách bán hàng online, sử dụng máy tính tại nhà, còn chị Hoa đi giao hàng. Chị cũng làm thêm nghề làm lông mày để có thu nhập để chi trả sinh hoạt gia đình và trả nợ ngân hàng.
Anh chia sẻ “Nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống thì còn may mắn hơn vạn người… nên hãy cứ lạc quan mà sống”
“Tôi chỉ muốn nói rất thương vợ”
Tuy bị liệt hai chân, nhưng có đôi tay anh vẫn phụ vợ được phần nào. Thương vợ mỗi ngày vất vả lo toan, vì vậy bản thân anh gia cường ý chí “Trong nhà phải êm ấm, lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười thì mới hạnh phúc được”.
“Khi tình yêu đủ lớn thì nó sẽ đánh bại tất cả khó khăn, vẫn sẽ bên nhau dẫu biết còn nhiều gian khổ phía trước. Tôi chỉ muốn nói rất thương vợ. Cảm ơn cô ấy đã cùng tôi trải qua mọi biến cố mà không một lời than vãn”, anh xúc động.
Vợ chồng không quan trọng giàu sang; mà quý ở chỗ ốm đau hoạn nạn không rời bước. Có thủy có chung, đó chính là tình nghĩa vợ chồng.
Ảnh chụp màn hình Doanh nghiệp và Tiếp thị