Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đã tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít kéo theo giá thành của nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, cuộc sống của nhiều người cũng vì vậy mà chật vật hơn.
Trong một dãy trọ trên đường Lý Phục Man (quận 7, TP. HCM), 5 mẹ con chị Thanh Tuyền (38 tuổi). Người mẹ đơn thân cho biết được báo Zing đăng tải, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của gia đình chị.
Trước đây chị Tuyền kinh doanh thời trang ở chợ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh thua lỗ, chị chuyển sang làm tiếp thị sản phẩm cho công ty.
Người phụ nữ cho biết mỗi ngày chị phải di chuyển đến nhiều tiệm tạp hóa để giới thiệu sản phẩm, giá tăng cao khiến chi phí làm việc cũng tăng theo.
“Trước đây, tôi đổ xăng khoảng 90.000 đồng có thể đi làm được 1 tuần, nay chỉ chạy 3 ngày là phải đổ tiếp. Đó là chưa kể các con còn nhỏ phải mua sữa, chi tiêu cơ bản cũng tăng cao. Làm mẹ đơn thân như tôi rất áp lực”, chị Tuyền nói.
Vợ chồng chị Tuyền ly hôn đã 6 năm, chị một mình nuôi con và không nhận được bất kỳ trợ cấp nào từ chồng cũ. Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, chị phải làm rất nhiều việc, từ buôn bán, tiếp thị, phụ quán…
Theo chị Tuyền, ở thành phố, trung bình mỗi tháng chị phải thu nhập hơn 13 triệu đồng mới đủ để chi tiêu các khoản sinh hoạt cơ bản cho 5 thành viên trong gia đình. “Ngày trước làm một, giờ phải làm gấp mấy lần mới đủ tiền chi tiêu”, người mẹ đơn thân nói.
Cũng như chị Tuyền, chị Phượng (28 tuổi) cho biết những ngày gần đây mỗi lần đi chợ chị đều cân đo đong đếm sao cho vừa túi tiền. Ngoài những bữa cơm công ty hỗ trợ, nữ công nhân chỉ nấu ăn đơn sơ để tiết kiệm chi phí.
“Nhiều khi chỉ mong được đi làm tăng ca để có thêm thu nhập, nhưng mùa dịch không phải lúc nào cũng có việc để làm”, chị Phượng nói được báo Zing đăng tải.
Phải “thắt lưng, buộc bụng” hơn để không bị “âm tiền”
Cũng vào thời điểm giá xăng tăng này, mỗi ngày đi chợ chị Nguyễn Thị Hoa (ở phố Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) lại “đau đầu” khi phải tính toán, cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý nhất, do giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá. Gia đình có 4 nhân khẩu, kinh tế làm ra mỗi tháng cũng chỉ có con số nhất định cho chi tiêu, song nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày tăng một cách chóng mặt đã khiến chị càng phải “thắt lưng, buộc bụng” hơn để không bị “âm tiền” vào cuối tháng.
Chị Hoa cho biết được báo VOV đăng tải, rau củ, dầu ăn, thịt cá… mặt hàng nào cũng được điều chỉnh tăng giá… Mặc dù biết khi xăng tăng giá sẽ kéo theo giá cả leo thang, song trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid -19, điều này đang khiến cuộc sống của gia đình chị bấp bênh hơn.
“Ra chợ những ngày này thấy mặt hàng nào cũng tăng giá, từ thịt cá cho đến rau cỏ, mắm muối… trong khi lương của chúng tôi vẫn thế. Kiếm tiền thì ngày càng khó khăn, đi làm bây giờ chỉ mong đủ ăn là mừng”, chị Hoa than thở.
Đối với nhiều tiểu thương, dù đã trải qua nhiều biến động, nhưng lần tăng giá xăng này khiến giới kinh doanh “chao đảo”. Điều này khiến cho buôn bán trong thời điểm này chậm hơn, lượng người mua hàng cũng giảm đi nhiều so với bình thường.
Xăng tăng giá tác động không nhỏ đến các dịch vụ vận tải, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ôtô, xe máy để mưu sinh như các tài xế, xe ôm công nghệ.