Bảo hiểm xã hội Việt Nam ghi nhận đa phần người rút bảo hiểm xã hội một lần có độ tuổi trẻ, tập trung nhóm mạnh nhất từ 20 – 30 tuổi, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước.
Người rút bảo hiểm xã hội một lần đa phần là ở độ tuổi trẻ
Theo Tuổi Trẻ, tại cuộc họp báo chiều 28/4, ông Đào Việt Ánh, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chính sách bảo hiểm xã hội thực hiện trên nguyên tắc đóng – hưởng, phụ thuộc mức đóng và thời gian đóng, do vậy nếu càng rút sớm, quyền lợi người lao động càng giảm.
Qua thống kê lại thì ra đa phần người rút bảo hiểm xã hội một lần có độ tuổi trẻ, chủ yếu từ 20 – 40 tuổi, tập trung nhóm mạnh nhất từ 20 -30 tuổi.
“Những người này khó khăn về tài chính và có suy nghĩ rút bảo hiểm xã hội rồi mai sau tham gia tiếp”, ông Ánh cho hay.
Ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm
Theo VnExpress, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thống kê cho thấy, năm 2021, tổng số lao động rút BHXH một lần tăng 13% so với năm trước đó bởi ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm. 4 tháng đầu năm nay, 302.000 lao động đã rút BHXH một lần, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo ngành bảo hiểm cho biết sẽ đề xuất về việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội với hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; tạo điều kiện để người lao động sớm hưởng lương hưu…
Xoay quanh vấn đề này, độc giả đưa ra nhiều góc nhìn. Một số ý kiến bình luận trên báo Tuổi Trẻ:
“Tuổi về hưu quá dài. Những người nghỉ mất sức lao động, vì bệnh tật thì giảm % tiền BHXH được hưởng làm cho người lao động bất an thì hỏi ai còn mặn mà đến BHXH. Nhà nước cần nghiên cứu lại”.
“Do cách làm của BHXH nên người lao động thấy càng ngày càng bị thiệt hơn. Trước đây khi đóng đủ 15 năm thì được tính 40% lương, mỗi năm tiếp theo công thêm 2%, tối đa 75%. Hiện nay phải đóng 20 năm mới được 40% lương. Trước đây tiền lương tính BHXH là bình quân 5 năm cuối, giờ là bình quân cả quá trình đóng BHXH. Rồi lại tăng tuổi nghỉ hưu. Đáng lẽ kinh tế ngày càng phát triển thì quyền lợi người đóng BHHX ngày càng tăng nhưng BHXH lại làm ngược lại”.
“Người lao động có quyền đối với tài sản của mình. Vấn đề là BHXH phải làm sao để thu hút người dân tham gia chứ không phải tìm cách để ngăn người dân rút BHXH 1 lần”