Anh là bộ đội bị suy thận độ 3B, phải chạy thận hàng ngày tại bệnh viện 103. Chị từ Nghệ An lên Hà nội bán hàng trong căng tin công đoàn bệnh viện. Anh thì đau ốm đến mức người teo tóp, khuôn mặt biến dạng, còn chị từng một lần tự tử không thành vì cuộc đời với người chồng trước không hạnh phúc. Hai con người, hai số phận, cuối cùng anh chị lại có cơ duyên nương tựa vào nhau.
Câu chuyện “Lời cầu hôn bên cửa tử” của anh chị trên báo Nông Nghiệp như một dấu lặng trong cuộc đời xô bồ ồn ã. Người ta có dịp ngừng lại để tự hỏi lòng mình “đã trân trọng người bạn đời của mình được bao nhiêu?”
Không phải ai đã từng kết hôn cũng cảm thấy hài lòng và thỏa mãn. Vì sao nhiều đòi hỏi như vậy…Thực ra, vợ chồng chỉ cần có thể ở bên cạnh nhau, nương tựa vào nhau, chấp nhận nhau.
Anh
Anh là Nguyễn Trọng Quảng, sinh năm 1974, quê ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Năm 1993 anh vào bộ đội, làm hậu cần, đến năm 2001 thì người bị phù, đi khám mới biết suy thận độ 3B, phải nhập viện gấp. Mấy năm đầu mỗi tuần anh 2 lần chạy thận, sau đó tăng lên 3 lần. Lúc đó bố anh đã mất, ở nhà mẹ làm nông, mấy người em làm công nhân không có điều kiện, chỉ xuống thăm được vài ngày, đồng đội cũng bận nên ở nội trú anh phải tự chăm mình. Bảo hiểm quân đội lo nhưng vẫn cần tiền mua thêm thuốc, mỗi tháng tốn 4 – 5 triệu trong khi lúc ấy lương chỉ vài ba triệu nên mẹ già phải vay mượn để phụ vào…
Tuổi thanh xuân với bao hoài bão, mơ ước, giờ khép lại, cuộc sống quẩn quanh sáng từ buồng bệnh đi 500m đến khoa chạy thận, trưa trở về phải có người dìu, rồi sốt, rồi hồi, rồi hôm sau lại chạy thận. Có nhiều lúc anh chỉ muốn buông xuôi, đến lịch không đi lọc máu nữa khiến cho cơ thể phản ứng, mắt hoa, tai ù, buồn nôn, bí tiểu, phù lên, buộc phải tiếp tục.
Những lúc rảnh, anh thường xuống căng tin công đoàn trong bệnh viện, ở nơi đó có một người con gái nhỏ bé với đôi mắt u buồn ngồi bán hàng. Lúc đầu tuy chưa biết tên nhưng anh cảm thấy mến chị nên năng tìm đến.
Chị
Chị là Hoàng Mỹ Linh, sinh năm 1981, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Trải qua một cuộc hôn nhân không may mắn chị có lúc nghĩ đời mình chẳng còn gì. Thân thể gày gò nặng có 37kg, ngày ngày miệt mài kiếm tiền nuôi con nhưng chị vẫn không được sống yên ổn. Có lần nghĩ quẩn, chị leo lên lan can cầu định nhảy xuống sông Đồng Nai, mới chỉ vừa thò một chân qua thì một người xe ôm đã lao đến, lôi lên, giáng cho mấy cái tát.
Thức tỉnh, thương mình, thương con, chị lại quay về. Lúc đã có hai mặt con, thấy không sống được với nhau nữa chị chia tay, gửi con về cho bà nội rồi lại bà ngoại để ra Bắc bán hàng ở căng tin công đoàn Bệnh viện 103.
Lời tỏ tình của anh, và chị trả lời trong nước mắt
Anh nằm đó, run lên bởi sốt 40 độ, chị nắm tay hỏi ước nguyện lớn nhất là gì. ‘Là có vợ ở bên’. Người vợ đó là ai? – chị hỏi. ‘Là chính em’. Anh trả lời.
Lòng chị rối bời. Bệnh nhân chạy thận thường chết sau vài ba năm, đằng này anh đã kiên cường chiến đấu với nó tới 10 năm.
“Thế ở quê em đã có người yêu chưa?”. Anh hỏi tiếp.
Nước mắt lăn dài trên má, chị lắc đầu, ngập ngừng một lúc rồi mới trả lời: “Nếu để cuộc sống của anh duy trì thêm thì em đồng ý!”.
Lúc đó chị chỉ đơn giản nghĩ rằng, trước mình từng đứng trước vực thẳm may có người kéo lên, nay anh cũng trong hoàn cảnh tương tự, không kéo được bằng tay thì kéo bằng tinh thần vậy.
Anh chị trao nhẫn ngay giữa bến xe
Thế rồi, lần đầu tiên họ nắm tay nhau. Mấy ngày sau, khi hết sốt, anh lên phòng trọ của chị chơi. Về rồi anh mới dám cầm điện thoại, ngượng ngùng nhắn: “Chiều nay mình đi chơi nhé!”. Chị hỏi: “Đi đâu hả anh?”. “Đi mua nhẫn”. Không thấy hồi âm, anh liền tìm đến. Chị lại hỏi đi đâu, anh ngạc nhiên bảo: “Thế em không đọc tin nhắn à?”. Chị cười: “Chưa, nhưng đợi một tí rồi ta cùng đi!”.
Vậy là anh đem mấy triệu vốn dành để mua thuốc ra mua nhẫn, số tiền mà anh lúc thức đút ở túi áo, lúc ngủ đút trong gối nằm để phòng trộm vì đã có lần bị mất cả điện thoại. Hôm sau, anh ra bến xe Nước Ngầm tiễn chị về quê, đôi nhẫn đính ước vẫn nằm yên trong túi. Lúc chị bước chân lên bậc cửa xe, ở bên dưới anh mới liều gọi với: “Anh muốn trao cho em một món quà!”.
Anh đeo nhẫn cho chị, chị đeo nhẫn cho anh. Cả hai vẫn người dưới đất, kẻ trên bậc cửa. Xe lăn bánh rồi, những người chứng kiến mới xì xào nhưng anh cứ lơ đi bởi chỉ sợ chị về hẳn quê, không còn có cơ hội gặp lại.
Hai mảnh đời ghép lại
Họ về quê, ăn hỏi, đưa dâu chỉ trong một ngày rồi trở lại ngay bệnh viện để anh còn chạy thận tiếp. Ở làng chị, người ta nghĩ chắc hẳn anh phải giàu lắm bởi trông như thế mà chị vẫn lấy; nhưng họ không biết anh chỉ là bộ đội sống dựa vào đồng lương.
Dọn ra ở trọ, lúc không phải đi chạy thận anh từng ước mơ có việc làm hợp với sức mình để đỡ đần cho vợ, cũng ước mơ có một đứa con, nhưng thể trạng yếu nên mãi cũng chỉ là mơ ước. Đã thế, 5 năm nay anh còn bị loãng xương, cột sống xẹp, người lùn đi, mặt biến dạng, chân tay biến dạng, phải ngồi xe lăn cả ngày.
Ăn uống, vệ sinh, thay quần áo, xoa bóp đều một tay chị làm. Mỗi lần đi chạy thận chị cõng anh từ buồng ra xe, cõng từ xe lên thang máy, cõng từ thang máy đến chỗ lọc, khi về lại các công đoạn tương tự. Trước đây chị cõng, anh còn biết cặp chân vào sườn nhưng gần đây đôi chân đã mềm oặt, sụn háng cũng bị biến mất.
Sướng khổ cũng một kiếp người…
“Nếu không gặp được Linh thì giờ đây tôi đã chết rồi”. Đó là câu nói tự đáy lòng của anh.
Với anh, chị thấy thương vì: “Khi mình đã trao cho ai niềm tin, nghị lực, giúp họ sống sót là đã vui rồi! Từ trẻ đến giờ tôi vẫn chưa hề yêu ai, chưa biết tình yêu là gì. Hạnh phúc của tôi là thấy chồng khỏe, con ngoan còn không có hạnh phúc của riêng mình”.
10 năm sống với nhau thì 5 năm nay anh nằm một chỗ, chị chẳng thể đi làm ngoài căng tin được nữa. Trước chị chỉ lo cho con nhưng giờ lo thêm cả anh mà phải nghỉ việc, chị tranh thủ bán hàng online rồi ship đồ hải sản của quê mình. Mỗi tháng thu nhập được khoảng 3 triệu thì thuê nhà đã 2,5 triệu; thành ra phải đi vay nợ.
Chị chấp nhận tất cả những gian khó của đời mình, chẳng hề than vãn. Có người ác ý bảo đường quang không đi lại đâm quàng vào bụi rậm; nhưng chị nghĩ sướng cũng một kiếp người, khổ cũng một kiếp người, khỏe cũng một kiếp người, yếu cũng một kiếp người. Khi nuôi một đứa trẻ chỉ mong nó lớn khôn, khi nuôi một người ốm chỉ mong sao họ được khỏe mạnh…
Ảnh chụp màn hình báo Nông nghiệp
Xem thêm: