Trong gia đình kia vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc. Người vợ lam lũ bán rau ngoài chợ kiếm kế sinh nhai, trong khi đó người chồng thường không làm việc, hay uống rượu, lại còn đối xử với vợ tàn tệ.
Ngày sinh nhật của người vợ, cũng như bao ngày khác, cô vẫn bán rau ngoài chợ và dường như không nhớ gì đến việc hôm đó là ngày đặc biệt của mình. Đến trưa trở về nhà cô bị chồng đánh đập và đuổi ra khỏi nhà.
Lý do là người chồng tìm được dưới giường ngủ có 5 triệu đồng. Có lẽ đó là số tiền cô dành dụm được để trang trải cho gia đình. Tuy nhiên, khi người chồng tìm được số tiền đó anh ta tức giận cho rằng vợ giấu tiền riêng mà không đưa cho mình. Cô con gái học lớp 3 đứng đó cũng không dám can ngăn…
Để “trả thù” vì số tiền vợ giấu mình, anh chồng nghĩ ra cách tặng cho vợ 1 món quà. Chiều hôm đó có 1 người làm dịch vụ tang lễ chở đến nhà cô 1 chiếc quan tài. Anh chồng nhận và dùng chính số tiền lấy được của vợ để trả.
Sau khi người giao hàng rời đi thì người con rể của anh ta đến, thấy sự việc như vậy cậu con rể hỏi về sự việc, anh ta bảo: mày vào đem đốt cỗ quan tài đó đi. Cậu con rể cũng không can ngăn gì mà cứ thế làm theo.
Những người hàng xóm quanh đó biết chuyện, họ rất bất bình lời ra tiếng vào không ngớt…Có người hỏi bà mẹ chồng (hơn 80 tuổi) của cô: nhà bà làm gì mà mua quan tài về thế? Bà mẹ không biết chống chế thế nào liền trả lời: tôi không biết.
Câu chuyện của gia đình kia thật trớ trêu! Thời hiện đại, nhân tâm biến dị, thói đời sa sút, người ta không còn giữ được nền nếp gia phong. Nếu có nhiều những gia đình như vậy thử hỏi xã hội có còn là xã hội? con người có còn là con người?
Một số người biết được câu chuyện trên cũng thể hiện thái độ của riêng mình, họ đều có một điểm băn khoăn giống nhau: làm thế nào bớt đi những sự việc đau lòng như vậy?
Hãy cùng nhìn lại văn hóa truyền thống và ngẫm về đạo nghĩa phu thê.
Có câu ‘Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng’. Mối lương duyên vợ chồng là do ông trời sắp đặt, cho nên trong ngày đại hỷ thành thân họ đều phải làm những nghi lễ thiêng liêng: bái Thiên địa, bái tổ tông, bái cha mẹ và phu thê giao bái. Trong quan niệm của người xưa, vợ chồng sống với nhau dựa trên sự tôn trọng: người chồng bảo vệ chở che cho vợ, người vợ hiền thảo tôn kính với chồng.
Người vợ bưng bữa trưa cho chồng bằng cả hai tay, người chồng kính cẩn nhận lấy. |
Đạo vợ chồng “Tương kính như tân”
Vào thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên), vua nước Tấn cử một sứ thần sang thăm nước Lỗ.
Một hôm trời nắng, trên đường trở về nước Tấn, sứ thần đi ngang qua nước Kế. Ông nhìn thấy một nông phu đang làm cỏ ngoài đồng và một phụ nữ trẻ, có lẽ là vợ của anh ta, cô đang mang bữa trưa ra cho chồng.
Người phụ nữ trẻ bưng bữa trưa bằng cả hai tay cho chồng một cách rất tôn kính. Và người chồng cũng như vậy, kính cẩn nhận lấy bữa trưa của mình. Trong lúc người nông phu dùng bữa, vợ anh đứng một bên chờ đợi một cách lễ độ.
Vị sứ thần vô cùng ấn tượng trước những gì ông đã thấy và nghĩ rằng “Họ đối xử với nhau thật là tôn trọng như vậy!” Ông tiến đến nói chuyện với cặp vợ chồng, sau đó mời họ cùng đi về nước Tấn.
Khi về đến nước nhà, vị sứ thần ngay lập tức vào yết kiến vua nước Tấn và kể lại cho nhà vua nghe câu chuyện về cặp vợ chồng. Ông tâu với nhà vua rằng “Tôn kính là một biểu hiện của đức hạnh. Ai biết kính lễ, ắt là người có đạo đức! Chúng ta cần giáo dục người dân về đức tính tốt này.”
Sau đó, ông tiến cử người nông phu cho nhà vua. Theo lời khuyên của ông, nhà vua phong người nông phu một chức vụ quan trọng của nước Tấn.
Câu chuyện dựa trên các ghi chép trong Tả Truyện, một trong những tác phẩm tường thuật lịch sử Trung Quốc đầu tiên, trong đó thuật lại hầu hết thời Xuân Thu.
Về sau câu nói Tương Kính Như Tân 相敬如賓 (Xiang Jing Ru Bin), được dịch là “đối xử với nhau với sự tôn trọng như đối với khách” đã trở thành một thành ngữ, nó được sử dụng để diễn tả cách đối xử giữa phu thê đó là nên tôn trọng lẫn nhau.
“Vợ chồng tương kính như tân”, nếu mỗi vợ chồng đều chiểu theo đạo nghĩa như vậy mà hành xử, có lẽ chúng ta đã không phải chứng kiến sự việc giang hồ bá đạo như câu chuyện nêu trên.