Những người nóng cốt tổ chức vụ lật đổ Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa vừa qua đã chia sẻ với hãng tin Reuters về kế hoạch của họ.
Đó là một nhóm có khoảng vài chục nhà hoạt động, trong đó có một linh mục Công giáo, một nhà chiến lược kỹ thuật số và một nhà viết kịch nổi tiếng.
Vào tháng 6, vài chục nhà hoạt động bắt đầu nhóm họp thường xuyên tại một chiếc lều bên bờ biển ở Colombo để nghĩ cách phục hồi phong trào biểu tình ở Sri Lanka.
Phong trào này bắt đầu vào tháng 3, khi hàng nghìn người xuống đường vì bất bình về những đợt cúp điện kéo dài và giá cả leo thang. Họ kêu gọi dòng họ Rajapaksa – gia tộc thống trị chính trường Sri Lanka trong 20 năm qua – phải rời bỏ quyền lực.
Vào ngày 9/5, anh trai của Tổng thống Rajapaksa, ông Mahinda (người cũng từng là tổng thống từ năm 2005-2015) đã từ chức thủ tướng. Vào ngày 9/6, em trai của Tổng thống Rajapaksa, ông Basil cũng xin từ chức với tư cách là một nhà lập pháp.
Vì vậy, các nhà hoạt động hy vọng rằng họ sẽ buộc Tổng thống phải từ chức vào ngày 9/7.
Tóm tắt nội dung
Chia sẻ của các nhà tổ chức vụ lật đổ Tổng thống Sri Lanka
Một trong các nhà tổ chức biểu tình là Chameera Dedduwage, chiến lược gia kỹ thuật số tại một công ty quảng cáo lớn. Anh chia sẻ yếu tố thành công trong việc này: “Đó là 50% sự phối hợp và tính toán trước, 30% là sự sẵn lòng của mọi người và 20% là may mắn.”
Những đoàn người ùn ùn kéo về thủ đô Colombo hôm 9/7. Người thì đi tàu hỏa, người thì đi xe buýt, xe tải, xe đạp, hoặc đơn giản là đi bộ. Số người tham dự vượt xa số nhân viên an ninh được giao nhiệm vụ bảo vệ các tòa nhà chính phủ.
Họ nhanh chóng đột nhập vào dinh thự của Tổng thống. Ông Rajapaksa và Thủ tướng mới bổ nhiệm Ranil Wickremesinghe phải sơ tán đến địa điểm khác. Sau đó, họ ra tuyên bố sẽ từ chức để cho phép một chính phủ lâm thời của tất cả các đảng tiếp quản.
Vai trò của Facebook
Sri Lanka có khoảng 5 triệu hộ gia đình và 8 triệu tài khoản Facebook đang hoạt động. Điều đó khiến thông tin về sự kiện 9/7 được truyền đạt cực kỳ hiệu quả đến người dân, nhà chiến lược Dedduwage cho biết.
“Điều đó có nghĩa là về cơ bản thông qua Facebook, chúng tôi có thể tiếp cận mọi ngóc ngách của đất nước mà không mất phí”, Dedduwage nói với Reuters.
Vào cuối ngày 8/7, cảnh sát đã tuyên bố lệnh giới nghiêm ở một số quận xung quanh Colombo. Các nhà hoạt động cho rằng biện pháp này là nhằm ngăn chặn cuộc biểu tình mà họ lên kế hoạch. Một số thành viên cốt cán của nhóm nhanh chóng di chuyển đến những ngôi nhà an toàn nhằm tránh bị bắt.
Jeevanth Peiris, một linh mục Công giáo, lo rằng sẽ chỉ có vài nghìn người xuất hiện vào ngày 9/7 vì lệnh giới nghiêm. Hơn nữa, tình trạng thiếu nhiên liệu khiến nhiều người không thể đi lại.
“Thành thật mà nói, chúng tôi chỉ mong có 10.000 người tham dự”, ông Peiris nói với Reuters.
Số người vượt xa mong đợi
Theo ước tính của Amaratunge, hàng chục nghìn người cuối cùng đã tham gia cuộc tuần hành ngày 9/7. Theo một quan chức cảnh sát giấu tên, đám đông lên tới ít nhất 200.000 người.
Các nhà tổ chức tính toán sơ bộ rằng sẽ cần khoảng 10.000 người để chế ngự nhân viên canh gác từng cổng trong số bốn lối vào nhà của tổng thống, Dedduwage nói.
Vào đầu giờ chiều, sau khi vượt qua hàng rào cảnh sát và vòi rồng, những người biểu tình đã phá bỏ các cổng cao bảo vệ nhà của tổng thống và áp đảo một lượng lớn lực lượng an ninh.
Vào ban đêm, dinh thự chính thức của Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe đã bị những người biểu tình chiếm đóng. Ông Rajapaksa và vợ đã trốn thoát ra nước ngoài vào sáng sớm 13/7, đúng vào ngày mà ông tuyên bố sẽ từ chức.