Site icon MUC News

Những công trình kiến trúc đi trước thời đại (Phần 1)

Những công trình kiến trúc đi trước thời đại

Những công trình xây dựng từ thời cổ đại nhưng trình độ kỹ thuật vượt cả con người hiện nay.

Ngày nay con người có thể xây dựng những toà nhà trọc trời, các công trình hoành tráng sâu dưới lòng đất hay giữa đại dương. Tuy nhiên, có những công trình kiến trúc cổ xưa còn sót lại vẫn khiến con người hiện tại phải sửng sốt.

Ở khắp nơi trên trái đất, vẫn trường tồn những khối kiến trúc cổ đại với mức độ mỹ -kỹ thuật cao siêu, mà dẫu có dùng đến thiết bị tiên tiến nhất của con người hiện nay chưa hẳn đã làm được.

1- Giếng nước Chand Baori

Toàn cảnh Giếng nước Mặt Trăng Chand Baori (ảnh: Bí ẩn Thế giới)

Lịch sử hình thành

Ấn Độ huyền bí từ lâu đã nổi tiếng với những công trình kiến trúc cổ đại đặc sắc, như đền Taj Mahal, đền Mahabalipuram,… Tuy nhiên để nói về một công trình thực sự độc đáo đến kinh ngạc, thì phải nói đến giếng nước Chand Baori.

Chand Baori (tiếng Hindu: चाँद बावड़ी, dịch tiếng Việt: giếng Mặt Trăng hoặc giếng Bạc) là một giếng có kết cấu bậc thang ở làng Abhaneri, huyện Dausa, bang Rajasthan, nước Cộng hoà Ấn Độ.

Giếng Mặt Trăng có lịch sử xây dựng từ khoảng từ thế kỷ thứ 8 đến thứ 9, dưới thời trị vì của vua Chanda của triều đại Nikumbha.

Ngày nay do nguồn nước không còn đảm bảo vệ sinh, người ta không thể sử dụng. Tuy nhiên, giếng Mặt Trăng vẫn là kỳ quan thu hút hàng ngàn lượt khách quốc tế tới chiêm ngưỡng mỗi năm.

Chand Baori được cho là đặt tên theo tên của một người cai trị địa phương tên là Raja Chanda. Tuy nhiên, không có bằng chứng lịch sử nào được tìm thấy về việc xây dựng kiến trúc và thời điểm chính thức hình thành.

Kiến trúc bậc thang kết hợp với ngôi đền Harshat Mata liền kề vô cùng độc đáo và tinh mỹ (ảnh: wikipedia)

Lối kiến trúc kim tự tháp khổng lồ ngược cực kỳ hiếm thấy

Giếng Chand Baori có khiến trúc tổng thể hình vuông, bao gồm 3.500 bậc thang trên 13 tầng sâu ngầm xuống lòng đất khoảng 30 mét. Ba mặt của nó được thiết kế hình bậc thang song song với các mép tường, các bậc thang được sắp xếp một cách hoàn hảo. Một mặt còn lại là kiến trúc đền thờ không quá xa hoa nhưng tinh xảo và kiên cố, xưa kia được cho là nơi nghỉ mát của hoàng gia.

Nhìn từ trên xuống chỉ thấy những khối đá khổng lồ góc cạnh được tạo hình đan xen dích dắc đều tăm tắp, được bố trí hẹp dần, bên dưới là một hồ nước màu xanh lá cây. Mặt nước xanh ngắt nằm ở độ sâu hun hút dưới lòng đất khiến người ta có cảm giác choáng ngợp.

Vì thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, việc dự trữ nước sinh hoạt của người dân Rajasthan là tối quan trọng. Giếng Chand Baori đóng vai trò như một chiếc bể khổng lồ vừa bắt được mạch nước ngầm, vừa hứng nước mưa từ trời chảy xuống qua những bậc thang. Công trình này vẫn cấp nước cho người dân nơi đây suốt nhiều thế kỷ trước khi hệ thống nước hiện đại được chính phủ Ấn Độ xây dựng.

Chand Baori được gọi là một chiếc quạt khổng lồ, bởi ở đáy giếng, không khí mát hơn 5 – 6 độ so với bề mặt. Nó trở thành nơi tụ tập của người dân địa phương vào ngày hè nóng bức.

Giếng nước sâu hun hút khiến người xem choáng ngợp (ảnh: hanoimoi)

Kết cấu phức tạp hoàn mỹ là một ẩn đố cho các nhà khoa học

Các nhà nghiên cứu tuyên bố: để tính toán xây dựng giếng Chand Baori cần rất nhiều thời gian và công sức. Vì độ phức tạp của kiến trúc cũng như đảm bảo độ chính xác khi thi công, đây là một ẩn đố khó lí giải.

Điều này một lần nữa chứng minh cho nhận định, cùng với nền văn minh Ai Cập cổ đại thì Ấn Độ cũng là cái nôi khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển của ngành toán học trên thế giới là có cơ sở.

Có một cách lí giải khác, người dân Rajasthan còn lưu truyền cho đến ngày nay truyền thuyết về giếng Chand Baori rằng: chính thần linh đã giúp vua Chanda xây dựng công trình này chỉ trong một đêm duy nhất.

2- Kim tự tháp trong quần thể đền thờ Koh Ker bị lãng quên

Kim tự tháp Koh Ker nằm giữa vùng đất rộng rãi và bằng phẳng, bên trong một vòng tường thành lớn. Nó còn được bao quanh bởi hệ thống kênh mương – hồ nước nhân tạo trải dài, khiến cho ngọn tháp trông càng cao vút, nổi bật giữa nền trời (ảnh: kiluc.vn).

Giả thuyết về lịch sử hình thành

Đền thờ Kor ker nằm ở phía Đông Bắc đất nước Cambodia, cách Siem Reap và Angkor Wat tầm 115km. Theo sử sách, tướng quân Jayavarmal do bất đồng với nhà vua nên đã ly khai khỏi triều đình ở Angkor. Ông tự lập nên vương quốc của riêng mình và cho xây dựng một khu đền đài mới ở Koh Ker làm nơi trị vì, tế lễ. Sau này ông trở thành vua Jayavarman IV, công trình khởi công từ năm 921 đến năm 944 thì hoàn tất.

Trong khi Angkor Wat thu hút vài triệu lượt khách mỗi năm, thì vì đường đi đến Kor Ker không thuận lợi nên đã bị lãng quên và không được tu sửa nhiều.

Cấu tạo đặc biệt của kim tự tháp duy nhất ở Đông Dương

Đá được xếp với nhau rất tự nhiên không có chất kết dính (ảnh: soha)

Kim tự tháp Koh Ker nằm giữa khu rừng rộng rãi và bằng phẳng, bên trong một vòng tường thành lớn. Nó còn được bao quanh bởi hệ thống kênh mương – hồ nước nhân tạo trải dài, khiến cho ngọn tháp trông càng cao vút, nổi bật giữa nền trời. Những đo đạc gần đây nhất cho thấy chiều rộng của các cạnh tháp lên đến 66 mét, trong khi chiều cao tại đỉnh tháp là 40 mét.

Kết cấu của công trình vẫn còn rất tốt. Tường của Kim tự tháp được xây dựng từ sự kết hợp giữa các lớp đá núi lửa ở bên trong và những phiến đá sa thạch cứng chắc hơn ở bên ngoài. Lớp đá bên ngoài có kích thước khác nhau, được xếp theo kiểu đan xen lồi lõm.

Gạch được xếp với nhau một cách tự nhiên, không sử dụng chất gắn kết hay xi măng như những công trình của con người thời hiện đại. Những viên gạch hình lục giác được sử dụng như những móc khoá gắn chặt những viên gạch khác.

Công trình cao 7 tầng tượng trưng cho con số linh thiêng trong đạo Hindu. Tầng 1 gồm 11 hàng gạch, tầng 2 gồm 13 hàng gạch, từ tầng 3 đến tầng 7 mỗi tầng gồm 11 hàng gạch.

Mặt Kim tự tháp quay về hướng đông, nhưng thang duy nhất dẫn lên đỉnh kim tự tháp nằm ở phía Tây. Tuy nhiên không có cánh cửa nào để thâm nhập vào trong lòng tháp, vì có thể nó nằm ẩn bên dưới lòng đất.

Hình điêu khắc ấn tượng tại Kim tự tháp Kor Ker (ảnh: soha).

Kim tự tháp Kor Ker là cỗ máy khuếch đại năng lượng?

Khi nghiên cứu cấu tạo của Kim tự tháp Kor Ker, các nhà khoa học cho rằng nó giống như một cỗ máy khuếch đại năng lượng. Hình khối kim tự tháp toả ra thích hợp nhất để sản sinh ra năng lượng bởi nó có thể phóng đại nguồn năng lượng tự nhiên.

Mặt khác, nguyên liệu xây dựng công trình là đá sa thạch vốn có tính chất dẫn điện, đi kèm với đá núi lửa bên trong có sắt như là nguồn điện từ. Hồ nhân tạo và những con kênh quanh kim tự tháp để dòng nước phóng ion- làm nguồn năng lượng, và dùng năng lượng động lực học từ hơi nước.

Những hình vuông đồng tâm nhỏ hơn từ tường và bậc thềm giúp tập chung năng lượng địa hình vào kim tự tháp có tác dụng phóng đại năng lượng. Dù vậy cho đến nay tất cả chỉ là những giả thuyết. Vì vậy nguồn gốc hình thành cũng như công dụng của kim tự tháp vẫn còn là một điều bí ẩn, theo trithuctre.

3- Kim tự tháp lạ dưới biển Nhật Bản

Kim tự tháp bí ẩn trong quần thể kiến trúc Yonaguni, nằm ở độ sâu 30 m dưới mực nước biển (ảnh: dantri).

Quần thể kiến trúc Yonaguni Monument được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985, nằm dưới nước bao gồm các bậc thang đá và kim tự tháp, nằm ngoài khơi bờ biển Yonaguni, thuộc cực nam đảo Ryukyu, Nhật Bản.

Các kim tự tháp có chiều cao khoảng 27 m, được cấu tạo từ đá bùn, được cho là hình thành vào cuối Kỷ Băng Hà cách đây 10.000 năm khi quần thể này trồi trên mặt biển.

Các giám định niên đại cho thấy cấu trúc này có thể ra đời vào khoảng 8.000 đến 10.000 năm TCN, lâu đời hơn bất cứ nền văn minh nào đã được biết đến.

Đây là công trình gây nhiều tranh cãi trong suốt hơn 30 năm qua. Các nhà nghiên cứu chưa thể lý giải việc hình thành của quần thể này dưới đáy Thái Bình Dương.

Công trình từng gây nhiều tranh cãi để nhận định đây là sản phẩm của người cổ đại hay của người ngoài hành tinh để lại (ảnh: dantri).

Một vài giả thuyết về chủ sở hữu của kim tự tháp dưới biển

Một số ý kiến cho rằng, đây là công trình do “người ngoài hành tinh” tạo nên. Một vài chuyên gia lại cho rằng cấu trúc dưới biển này có thể là phần còn lại của MU – một nền văn minh Thái Bình Dương trong truyền thuyết mà theo lời đồn là đã bị sóng biển nhấn chìm.

Trong khi đó, Masaaki Kimura – một nhà địa chất biển tại Đại học Ryukyus tuyên bố, chúng thực ra là phế tích của Atlantis – một thành phố cổ bị động đất đánh chìm khoảng 2.000 năm trước. Quần thể kiến trúc này là tàn tích của một thành phố chìm dưới nước.

Kimura cũng cho biết, ấn tượng ban đầu của ông rằng các cấu trúc này là tự nhiên. Nhưng ông đã thay đổi quan điểm sau lần lặn đầu tiên. “Tôi nghĩ rất khó để giải thích nguồn gốc của chúng là tự nhiên thuần tuý, vì có quá nhiều bằng chứng về sự tác động của con người”, ông nói. Chẳng hạn, ông đã tìm thấy những dấu vết mài xẻ trên đá, các ký tự thô sơ trên những khuôn mặt khắc và các mẩu đá được mài đẽo giống hình các con vật.

Các nhà khảo cổ học tại Trường Đại học London tin rằng những người xây dựng nên công trình này có trình độ còn vượt trên các nền văn minh Lưỡng Hà và sông Ấn, theo khaocohoc.

Còn tiếp