Ông Trần Sỹ Thanh chuẩn bị làm tân CT Hà Nội; Bảo kê buôn lậu xăng, hai cựu tư lệnh cảnh sát biển lãnh án; Nhiều người hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 là những tin nổi bật tuần qua.

Thêm nhiều người hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19

Vừa qua các bệnh viện tại TP.HCM như Răng Hàm Mặt Trung ương, Tai Mũi Họng, Chợ Rẫy liên tiếp ghi nhận nhiều bệnh nhân hoại tử xương sọ, xương vùng hàm mặt, hai trường hợp tử vong. 

Theo chuyên gia, tình trạng hoại tử xương là một biến chứng hiếm gặp sau nhiễm Covid-19, tuy nhiên kết luận cụ thể đang được ngành y tế xác nhận.

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Trần Minh Trường cho biết, trên thế giới, từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022 có 80 bài báo cáo ở Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia châu Á khác về sự xuất hiện các ca viêm cốt tủy xương, hoại tử xương sọ, viêm xoang liên quan đến Covid-19 tương tự chùm ca bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân sau khi mắc Covid-19  từ 6-8 tháng nếu có biểu hiện có nhức đầu kéo dài, viêm xoang, sưng vùng mặt, sọ, hàm có thể cần chụp CT scan để tìm hiểu rõ nguyên nhân. 

Hơn 11.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong vòng 1 tuần

Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại TP. HCM – ảnh Bộ Y tế.

Bộ Y tế gửi đến các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, Bộ cho biết số ca mắc dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, với nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn phải nhập viện. Do đó, Bộ yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cần tập trung nguồn lực để thu nhận và điều trị các ca bệnh nặng. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối tập trung nguồn lực để thu dung, điều trị những trường hợp sốt xuất huyết nặng. Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.

Việt Nam cần 368 tỷ USD để thích ứng biến đổi khí hậu

Phía Ngân hàng Thế giới thông tin, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động đáng kể nếu Chính phủ không bắt đầu lên kế hoạch tài chính hướng đến việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo báo cáo, Việt Nam nên dành khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy các mục tiêu phát triển liên quan. 

Báo cáo cũng nêu rõ nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, đầu tư khoảng 6,8% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm, biến đổi khí hậu có thể khiến quốc gia Đông Nam Á này thiệt hại tới 14,5% GDP vào năm 2050. Nếu không có các biện pháp thích ứng kịp thời, biến đổi khí hậu có thể khiến 1 triệu người Việt Nam rơi vào cảnh cùng cực vào năm 2030, theo WB. 

Ông Trần Sỹ Thanh được điều về Hà Nội, chuẩn bị làm tân chủ tịch thành phố

Chiều ngày 15/7 chính thức công bố ông Trần Sỹ Thanh – Tổng Kiểm toán Nhà nước – được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức vụ Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo giới quan sát, đây là bước thủ tục đầu tiên để ông Thanh sẽ trở thành tân chủ tịch Hà Nội, sau khi ông Chu Ngọc Anh đã vướng vào vòng lao lý.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Cùng ngày bà Đào Hồng Lan – Bí thư tỉnh Bắc Ninh cũng được giao làm quyền Bộ trưởng Y tế, theo quyết định của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bà Lan trình độ thạc sĩ kinh tế. Lý lịch sơ bộ cho thấy bà Lan là trường hợp đặc biệt nhất từ trước đến nay, giữ vị trí người đứng đầu Bộ Y tế nhưng hoàn toàn không có kiến thức về y khoa.

Bảo kê buôn lậu xăng, hai cựu tư lệnh cảnh sát biển bị phạt 12-15 năm tù

Chiều 15/7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án sơ thẩm đối với 14 bị cáo trong vụ nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu 200 triệu lít xăng giả.

Cụ thể, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 4) 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Cùng tội danh với ông Minh, bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) nhận mức án 12 năm tù.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị tuyên án chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 2 năm tù về “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Các bị cáo còn lại bị phạt từ 6 tháng 21 ngày đến 16 năm với hai nhóm tội danh Nhận hối lộ và Không tố giác tội phạm. 

Cáo trạng từ HĐXX, từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, các bị cáo đã tạo điều kiện cho Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh)buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.