Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Mỹ mới đây đã đưa ra thông tin cập nhật về các quốc gia công khai ủng hộ hoặc phản đối Phán quyết Biển Đông 2016.

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý cho đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận và không tuân thủ Phán quyết này.

Yêu sách đường lưỡi bò vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Yêu sách đường lưỡi bò vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo Inquirer đưa tin, AMTI cho biết hiện có 8 chính phủ đã công khai kêu gọi tôn trọng Phán quyết, trong khi 8 chính phủ khác công khai bác bỏ Phán quyết.

Theo AMTI, 8 quốc gia đã công khai lên tiếng ủng hộ Phán quyết Biển Đông bao gồm Anh, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản, New Zealand, Mỹ, Philippines.

AMTI ghi nhận một số quốc gia đã có sự thay đổi ít nhiều về lập trường của mình đối với tranh chấp Biển Đông. Chẳng hạn, “Indonesia đã chuyển từ trung lập sang ủng hộ một cách mơ hồ”, báo Inquirer viết.

Ngược lại, hai quốc gia khác gồm Nga và Syria gần đây đã “chuyển từ trung lập sang phản đối Phán quyết. Như vậy, tới nay đã có 8 chính phủ công khai phản đối Phán quyết, gồm Đài Loan, Montenegro, Nga, Pakistan, Sudan, Syria, Trung Quốc, và Vanuatu.

AMTI cũng nêu tên 34 quốc gia đã đưa ra những tuyên bố tích cực về Phán quyết “nhưng không kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết”.

Báo cáo của AMPTI cho biết các quốc gia còn lại vẫn “im lặng theo dõi”, tương tự như thời điểm ngay sau khi Tòa trọng tài ra Phán quyết.

Nhân kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài ra Phán quyết Biển Đông 12/7/2021, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có bài phát biểu về sự kiện này. Phát ngôn viên không đề cập đến Phán quyết Biển Đông, nhưng nói rằng: “Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).”