Thế vận hội Olympic Bắc Kinh sắp tới được kỳ vọng là một sự kiện quảng bá hình ảnh tốt đẹp của Trung Quốc ra cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, trước thềm của sự kiện, Quốc hội Pháp đã thông qua một nghị quyết được ví như “gáo nước lạnh” đối với giới chức Trung Quốc.
Tóm tắt nội dung
Quốc hội Pháp: Lên án hành động “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc
Reuters ngày 20/1 đưa tin, Quốc hội Pháp đã áp đảo thông qua nghị quyết lên án hành động diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của chính phủ Trung Quốc. Nghị quyết nêu rõ rằng, dựa trên bằng chứng được ghi lại, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức và lên kế hoạch cho bạo lực chính trị cực đoan và có hệ thống. Trung Quốc đã cố gắng tiêu diệt bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ, mối quan hệ cộng đồng và sự kế thừa giữa các thế hệ. Nghị quyết cáo buộc Trung Quốc nỗ lực tiêu diệt cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, điều này cấu thành lên tội ác diệt chủng.
Nghị quyết cũng kêu gọi chính phủ Pháp “rõ ràng quan điểm của mình” về vấn đề này. Đồng thời kêu gọi “bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp khỏi bất kỳ sự đe dọa và quấy rối nào của Trung Quốc”. Nghị quyết hy vọng rằng Pháp sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để thực hiện những điều cần thiết “trong chính sách đối ngoại của mình đối với Trung Quốc nhằm chấm dứt tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ”.
Về vấn đề này, truyền thông Pháp dẫn lời người đứng đầu đảng Xã hội ông Olivier Faure. Ông nói: ” Trung Quốc là một cường quốc. Chúng tôi yêu người dân Trung Quốc. Nhưng chúng tôi từ chối phục tùng tuyên truyền từ một chế độ đang dựa vào sự hèn nhát và hám lợi của chúng tôi để thực hiện một cuộc diệt chủng tàn bạo’’.
Ông kể lại lời khai trước quốc hội từ những người sống sót ở Duy Ngô Nhĩ. Họ đã kể về điều kiện bên trong các trại cưỡng bức. Phòng giam chật chội đến mức họ không thể nằm. Kinh khủng hơn, họ còn bị hãm hiếp và tra tấn, cũng như mổ cướp nội tạng.
Quốc hội Hà Lan và Canada đều gọi việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là “tội ác diệt chủng” vào tháng 2 năm 2021, trong khi chính phủ Mỹ cũng gọi đây là tội ác diệt chủng dưới thời cựu tổng thống Donald Trump .
Hiện Hoa Kỳ, Anh, Úc và Canada đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Nghị quyết của Quốc hội Pháp được đưa ra vào thời điểm Liên minh châu Âu đang cân nhắc làm thế nào để đối phó với việc Trung Quốc phong tỏa xuất khẩu của Litva, cũng như việc Bắc Kinh nghiền nát các quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông .
Phản ứng của Trung Quốc
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng ngày 21/1 cho biết, Trung Quốc lên án nghị quyết của Quốc hội Pháp cáo buộc Bắc Kinh thực hiện cuộc diệt chủng đối với cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh cho rằng, đây là một động thái làm căng thẳng quan hệ ngoại giao trong khi chỉ 2 tuần nữa là tới Thế vận hội Mùa đông.
Về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 21/1 chỉ trích: “Nghị quyết của Quốc hội Pháp về Tân Cương đã bỏ qua sự thật và kiến thức pháp lý cũng như can thiệp sâu vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc… Trung Quốc kiên quyết phản đối nó.”
Báo cáo thực tế của truyền thông
RFI ngày 21/1 trích dẫn thông tin rằng, người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni, nhóm dân tộc chiếm ưu thế ở Tân Cương, một khu vực bị tấn công bạo lực từ lâu và hiện đang bị cảnh sát giám sát gắt gao. Khu vực này đã bị giám sát nghiêm ngặt trong vài năm: camera ở khắp nơi, cổng an ninh trong các tòa nhà, lực lượng vũ trang có mặt trên các đường phố, hạn chế cấp hộ chiếu, v.v.
Nghiên cứu của phương Tây dựa trên diễn giải các tài liệu chính thức và suy luận từ lời khai cũng như thống kê của nạn nhân. Họ cáo buộc Bắc Kinh giam giữ ít nhất 1 triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ trong “trại tị nạn” để “cưỡng bức” triệt sản, phá thai, và áp đặt “cưỡng bức lao động”.
Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc. Nó bác bỏ bất kỳ ý kiến nào về “triệt sản cưỡng bức”, nhưng thừa nhận chính sách kiểm soát sinh sản ở Tân Cương giống như những nơi khác. Bắc Kinh cũng mô tả những “trại” này là “trung tâm đào tạo nghề” để giữ cho người dân tránh xa chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Bắc Kinh nói rằng, những trại này hiện đã đóng cửa vì tất cả “sinh viên” đã “hoàn thành khóa đào tạo của họ”.
RFI cho biết các nhà báo nước ngoài có thể đến Tân Cương nhưng sẽ bị theo dõi một cách có hệ thống. Do đó, họ khó có thể phủ nhận hay khẳng định yêu sách của các bên.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 19/1 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không cho phép Trung Quốc sử dụng Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh để chuyển hướng chú ý của cộng động quốc tế khỏi tình hình của người Duy Ngô Nhĩ.