Phát hiện sớm nguyên nhân 3 loại bệnh này sẽ khiến con bạn có giấc ngủ ngon
Ngủ ngon giấc giúp trẻ tăng khả năng tập trung, luôn tỉnh táo và thông minh (ảnh minh hoạ: Pixabay).

Trẻ em luôn hiếu động, ngay cả trong khi ngủ chúng vẫn có những hành vi như: đạp chăn, dễ đổ mồ hôi, ngủ ngáy… Nhiều bà mẹ cho rằng đây là điều bình thường và không chú ý đến.

Trên thực tế, tư thế và một số biểu hiện trong khi ngủ rất có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của con bạn không tốt. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân của các chứng bệnh: đổ mồ hôi trộm, ngủ ngáy, nghiến răng ở trẻ.

1. Đổ mồ hôi trộm

Trẻ bị đổ mồ hôi trộm khi ngủ là điều thường thấy, nhiều bậc cha mẹ hơi lo lắng, đó là do thiếu canxi hay do nguyên nhân nào khác? Trên thực tế, lý do đổ mồ hôi vào ban đêm vừa là sinh lý vừa là bệnh lý.

Đổ mồ hôi sinh lý

Ra mồ hôi trộm sinh lý có nghĩa là trẻ phát triển tốt, khỏe mạnh, không mắc bệnh tật. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng nửa giờ sau khi chìm vào giấc ngủ và sẽ ngừng đổ mồ hôi trong khoảng một giờ.

Lúc này, các mẹ nên kiểm tra xem có phải do một số cách làm không khoa học của mình ví dụ: đắp chăn, trùm kín cho con…

Cơ thể của trẻ có cơ chế hoạt động khác người lớn. Mặc dù não bộ của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, nhưng cũng đang trong thời kỳ tăng trưởng. Trong độ tuổi này quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra rất mạnh mẽ, khiến cơ thể nóng lên. Thông qua mồ hôi, thân nhiệt bốc hơi, để điều hòa thân nhiệt trở về bình thường.

Phát hiện sớm nguyên nhân 3 loại bệnh này sẽ khiến con bạn có giấc ngủ ngon
(Ảnh minh họa: Pixabay).

Đổ mồ hôi bệnh lý

Đổ mồ hôi bệnh lý xảy ra khi trẻ ở trạng thái yên tĩnh, ví dụ đổ mồ hôi đầu nửa đêm sau khi ngủ ở trẻ còi xương.

Khi dùng gối đầu trẻ sẽ hay đổ mồ hôi nên chúng thường hay lắc đầu khi ngủ tạo thành chứng rụng tóc ở ngang vòng quanh đầu (phía sau). Đây là kiểu rụng tóc điển hình mà y học gọi là “rụng tóc vành khăn” và là giai đoạn đầu của bệnh còi xương ở trẻ sơ sinh. Chỉ cần bổ sung vitamin D và canxi kịp thời, bệnh còi xương sẽ được kiểm soát và tình trạng đổ mồ hôi trộm sẽ hết.

2. Ngủ ngáy

Một số bà mẹ thấy con mình khò khè khi ngủ, họ cho rằng đó là do trẻ chơi mệt trong ngày. Có thực sự là do mệt mỏi mà con bạn ngáy không? Tư thế ngủ, bệnh tật, béo phì, … đều có thể là những yếu tố gây ra tình trạng ngáy ngủ ở trẻ.

Vấn đề vị trí ngủ

Nếu trẻ thường chọn tư thế nằm ngửa khi ngủ, trẻ cũng sẽ ngáy. Vì khi nằm ngửa sẽ khiến phần gốc của lưỡi bị tụt ra sau, từ đó sẽ khiến cho khoang hầu họng của trẻ bị hẹp lại khiến trẻ sẽ khịt mũi một cách vô thức.

Gợi ý: Trong trường hợp này, chỉ cần sửa tư thế ngủ của trẻ. Tư thế ngủ đúng nên nằm nghiêng. Vì so với tư thế nằm ngửa, ngủ nghiêng có thể giảm tình trạng tụt lưỡi và giảm triệu chứng ngủ ngáy.

Phát hiện sớm nguyên nhân 3 loại bệnh này sẽ khiến con bạn có giấc ngủ ngon
(Ảnh minh hoạ: Pixabay).

Mẹ có thể may một chiếc gối nhỏ, khi ngủ thì để ở phía sau lưng để giúp kiểm soát tư thế giảm tình trạng trẻ ngủ ngửa. Ngoài ra, việc tạo một môi trường ngủ tốt và tránh các tác nhân kích thích bên ngoài cũng có thể làm giảm bớt triệu chứng ngủ ngáy ở trẻ.

Phì đại Amidan và adenoid (VA)

Amidan và adenoit phát triển nhanh chóng trong thời thơ ấu. Phì đại amidan và adenoit là một bệnh phổ biến khi trẻ còn nhỏ. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ giảm sức đề kháng hoặc viêm đường hô hấp trên. Điều đó sẽ gây viêm nhiễm liên quan đến amidan và các tuyến phụ, gây sưng tấy thêm, làm tắc lỗ mũi sau và hầu họng gây tắc đường thở dẫn đến ngáy.

Đề nghị: Duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, mặc đồ cho trẻ phù hợp theo mùa. Khi nhận thấy con mình bị sốt hoặc cảm lạnh, hãy đến bác sĩ để được tư vấn.

Béo phì

Nếu trẻ bị béo phì, lớp đệm mỡ trong hầu họng sẽ dày lên. Với tác động của trọng lực, không gian phía sau họng và lưỡi sẽ bị thu hẹp trong khi ngủ, việc tích tụ các đệm mỡ càng làm hẹp không gian đường thở gây ngủ ngáy.

Gợi ý: Cần kiểm soát chế độ ăn uống hợp lý, đừng đợi đến khi tình hình phát triển đến mức quá nghiêm trọng rồi mới cho trẻ giảm cân. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của trẻ mà còn là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh về thể chất, ngoài chứng ngủ ngáy còn có thể mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em và các bệnh khác.

3. Nghiến răng

Một số trẻ luôn nghiến răng vào ban đêm khi ngủ. Vậy nguyên nhân khiến trẻ bị nghiến răng là gì?

Bệnh ký sinh trùng đường ruột

Phổ biến nhất là giun đũa và giun kim. Giun đũa là loại ký sinh trùng phổ biến trong đường ruột của trẻ. Chúng lấy đi các chất dinh dưỡng trong ruột non, tiết ra chất độc, kích thích ruột tăng tốc nhu động, gây khó tiêu và đau âm ỉ quanh rốn. Điều này sẽ khiến hệ thần kinh của bé vẫn ở trạng thái hưng phấn khi ngủ, gây ra chứng nghiến răng.

Giun kim ký sinh cũng thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi. Ban đêm khi trẻ ngủ giun kim sẽ chui ra hậu môn để đẻ trứng, gây ngứa hậu môn khiến trẻ ngủ không yên giấc.

Nếu phát hiện trẻ bị ký sinh trùng thì phải tẩy giun kịp thời và uống thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thói quen ăn uống không khoa học

Một số bé có thói quen ăn uống không tốt: không thích ăn sáng nhưng lại ăn quá no vào bữa tối, điều này rất dễ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa. Bữa tối ăn nhiều, thức ăn còn đọng lại trong ruột của bé khi ngủ, đường tiêu hóa phải làm việc thêm giờ gây ra hiện tượng co cơ nhai tự phát của cơ mặt, khiến răng nghiến lại.

Chỉnh sửa kịp thời những thói quen ăn uống không tốt của bé: Không cho bé ăn thức ăn khó tiêu trước khi đi ngủ để không kích thích phần não tương ứng của bé trong đường tiêu hóa.

Lo lắng

Bé bị quở trách, đánh đập, la mắng, … dễ gây lo lắng, cáu gắt, căng thẳng quá mức dẫn đến nghiến răng vào ban đêm.

Cha mẹ nên tạo một môi trường thoải mái, dễ chịu để bé lớn lên: không cãi nhau trước mặt bé, không tạo áp lực quá lớn cho bé trong việc học, không cho bé xem những chương trình tivi đáng sợ.

Mệt mỏi quá mức

Cảm xúc và mệt mỏi vào ban ngày cũng có thể gây ra chứng nghiến răng vào ban đêm. Khi bé hoạt động nhiều, mẹ nên nhớ cho bé nghỉ ngơi kịp thời, đừng chơi quá mệt.

Phát hiện sớm nguyên nhân 3 loại bệnh này sẽ khiến con bạn có giấc ngủ ngon

Trẻ hoạt động nhiều ban ngày cũng dễ dẫn đến tình trạng nghiến răng khi ngủ (ảnh minh họa: Pixabay).

Còi xương, động kinh và các bệnh khác

Các bé bị còi xương, động kinh và các bệnh khác cũng sẽ bị nghiến răng vào ban đêm. Nghiến răng là một triệu chứng của bệnh tật ở trẻ em, hãy chú ý điều trị dứt điểm bệnh, nghiến răng sẽ tự nhiên biến mất.

Mọi người đều đã từng trải qua kinh nghiệm này: Sau khi có một giấc ngủ êm ái, ngọt ngào và thoải mái, họ sẽ cảm thấy sảng khoái và thư thái, thậm chí sẽ tràn đầy năng lượng suốt cả ngày.

Mặc dù trẻ em không thể thể hiện chính xác cảm xúc của mình nhưng trên thực tế, chúng cần giấc ngủ chất lượng cao hơn người lớn. Giấc ngủ của trẻ không chỉ phải đảm bảo về thời gian mà còn phải đảm bảo về chất lượng.

Vì vậy, cha mẹ không được bỏ qua việc chăm sóc đặc biệt cho giấc ngủ của trẻ.