Việc ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch TP Điện Biên Phủ bị khởi tố liên quan đến đền bù đất làm sân bay có thể là hồi chuông cảnh báo về ‘cơn sốt” xây cảng hàng không ở nhiều nơi.

Vì sao phó chủ tịch TP. Điện Biên Phủ vướng lao lý?

Sáng 22/9, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch TP Điện Biên Phủ, bị bắt và khởi tố. Cùng ngày, nơi làm việc của ông Tuấn Anh tại UBND TP Điện Biên Phủ và nhà riêng tại phường Mường Thanh cũng bị khám xét.

Theo lệnh khởi tố, ông Tuấn Anh (45 tuổi), được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ từ tháng 10/2018. Trong thời gian được giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, ông Tuấn Anh đã chỉ đạo việc lập, ký phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 31 và đợt 66 với diện tích đất bị thu hồi của Công ty Cổ phần chế biến Nông sản Điện Biên, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng của Nhà nước.

Hình ảnh mô phỏng Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (ảnh: ACV).
Hình ảnh mô phỏng Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (ảnh: ACV).

Nhiều thuộc cấp của ông Tuấn Anh cũng vướng vòng lao lý trong vụ việc liên quan đến dự án Cảng hàng không Điện Biên. Trong đó, có ông Phạm Trung Kiên – Phó Trưởng phòng Tài chính kế hoạch TP Điện Biên Phủ; Trần Xuân Mạnh – công chức Phòng Tài chính kế hoạch TP; Bùi Mạnh Cường – công chức Phòng TN&MT TP. Cũng như ông Tuấn Anh, họ đều bị khởi tố tội danh “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” tại khoản 3 Điều 230.

Nguy cơ tham nhũng ‘cất cánh’ từ các dự án hàng không

Việc một quan chức cấp trung như ông Nguyễn Tuấn Anh bị bắt có thể không tác động lớn về mặt chính trị, nhưng ở góc độ khác, là một cảnh báo cần thiết trong bối cảnh hàng loạt địa phương xin xây sân bay.

Hiện ‘cơn sốt” đề xuất xây sân bay kéo đến hàng loạt tỉnh thành, mới đây nhất 5 địa phương gồm Sơn La, Tuyên Quang, Kon Tum, Ninh Thuận, Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông muốn xây cảng hàng không ở tỉnh nhà. Ngoài ra, còn có những tỉnh thể hiện quyết tâm muốn có sân bay như Hà Tĩnh, Quảng Trị… Vấn đề này đã đặt ra nhiều câu hỏi, như thiết yếu hay lãng phí nếu đầu tư xây sân bay ở từng địa phương; khả năng kích thích phát triển kinh tế hay gia tăng nguy cơ tham nhũng từ các dự án này?

Câu hỏi thứ hai đang được nhiều người quan tâm, đó là việc nhiều địa phương lấy lý do rằng có sân bay sẽ phát triển kinh tế tốt hơn. Phản biện về ý kiến này là ý kiến cho rằng, trong 22 sân bay ở Việt Nam, chỉ có 4 sân bay đạt trên 5 triệu khách là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh; những sân bay còn lại chỉ trên dưới 1 triệu khách/năm.

Như vậy, các sân bay này chỉ ý nghĩa trong giai đoạn kích cho giá bất động sản bỗng dưng tăng vọt lên và một số người giàu nhanh chóng. Cảnh báo về vấn đề này trên một tờ báo ngành công an, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Các vấn đề trầm trọng nhất của nước ta hiện nay là đất đai. Sân bay là cớ dễ lạm dụng. Lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai. Cần đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh xây sân bay. Nếu sân bay mà xây lên, lấy một diện tích đất lớn, nhưng khách đi ít, thì rất phí. Lúc đó tư nhân vào sẽ nhân danh cổ phần sân bay, có thể lấy đất làm kinh doanh địa ốc. Sau này sân bay không có khách, họ có thể lấy địa ốc để kinh doanh. Thành ra, kẽ hở đó cần kiểm soát kỹ chứ không nên vội vàng.

Những ý kiến của PGS Tống rất đáng lưu tâm. Cùng với đó, nhiều người lo ngại rằng, quy hoạch sân bay vội vã sẽ tạo kẽo hở cho quan chức và doanh nghiệp câu kết trục lợi, gây thiệt hại tài sản công. Thực tế, từ vụ vi phạm của ông Nguyễn Tuấn Anh có thể thấy, với những dự án lớn như xây cảng hàng không có thể khiến tham nhũng đất đai (và cả tham nhũng chính sách), vi phạm trục lợi có thể ‘cất cánh’ bất kỳ lúc nào.