Mỗi ngày có hàng ngàn xuất cơm miễn phí, được các tình nguyện viên xe “cơm di động miễn phí” chở đi khắp các nẻo đường ở Sài Gòn, cho người nghèo trong mùa dịch Covid-19.
- Lòng thơm thảo mùa dịch Covid-19: Cho mì gói, gạo và cho luôn thịt ba rọi vừa mua
- Youtuber xót xa bắt gặp người đàn ông bới rác kiếm ăn giữa mùa dịch ở Sài Gòn
- Vợ chồng tặng gạo ‘cần cứ lấy’, không phân biệt giàu nghèo
Nửa tháng nay, những xe “cơm di dộng miễn phí” chạy trên nhiều tuyến đường TP. HCM để phát cho người nghèo, các khu bị cách ly… Hoạt động do nhóm Bếp yêu thương tổ chức, nhằm giúp những người khó khăn trong dịch bệnh.
Xe “cơm di động miễn phí” là sáng kiến của anh Nguyễn Tuấn Khởi – người sáng lập ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam, hoạt động này nhằm giúp những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Tóm tắt nội dung
Muốn mời họ một bữa ăn ngon
Mỗi ngày, bếp yêu thương hoạt động từ 7h sáng đến 9h30, khoảng 20 người bắt đầu nấu nướng, họ là xe ôm, shipper, người lao động… cùng chung tay vì cộng đồng.
Các tình nguyện viên tại đây tất bật, nấu những phần cơm, canh và chia thành các phần ăn gọn gàng rồi xếp lên thùng hàng, sau đó được chở đi khắp các tuyến đường tìm đến bà con xóm trọ, người bán vé số, ve chai,… để mời họ một bữa ăn ngon.
“Trước kia nhóm cũng phát cơm tại chỗ mà thấy tập trung đông người quá nên nghĩ ra hình thức này. Cơm di động đi đến từng con hẻm nhỏ nên nhiều người sẽ nhận được”, anh Nguyễn Văn Lưu, đại diện nhóm chia sẻ với VnExpress.
“Thời gian đầu nhóm ngày nào cũng chi khoảng 15 triệu cho việc mua thực phẩm, nấu nướng. Bây giờ có thêm nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp bếp lúc nào cũng đỏ lửa”, anh Lưu nói thêm.
Tình nguyện viên không có của thì góp sức
Trong gian bếp, bà Huỳnh Thị Thắng phục vụ nhiệt tình trong việc nấu nướng, đảm bảo mỗi ngày sẽ có một món mặn, canh và rau.
“Trước tôi đi phụ bếp, giờ dịch nên thất nghiệp, qua đây làm tình nguyện viên cũng gần hai tháng nay. Ở đây, tôi chuyên nấu nướng, được bao cơm, nhóm cũng hỗ trợ cho mọi người 50.000 đồng mỗi ngày”, bà Thắng nói.
“Tôi trước làm bảo vệ rồi công ty đóng cửa, cũng phải đi nhận cơm 0 đồng. Thấy việc của nhóm ý nghĩa, lại sẵn có xe máy nên tôi chung tay phụ giúp luôn. Mình không có của thì góp sức, mong bà con nghèo được no bụng mỗi ngày”, ông Thắng một tình nguyện viên khác cho biết.
Chạy ngang qua gầm cầu Bình Lợi, ông Thắng vội dừng xe gửi phần cơm cho ông Tám, làm nghề lái xe ôm. “Bữa trưa miễn phí cũng giúp tôi đỡ được 20.000 đồng, cám ơn nhà hảo tâm nhiều lắm”, ông Tám nói.
Xe “cơm di động” sẽ duy trì kể cả sau khi hết dịch
Chia sẻ trên trang Songdep.com, anh Tuấn Khởi, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận FoodBank Việt Nam cho biết: “Mô hình xe cơm di động miễn phí tôi cũng đã triển khai một thời gian rồi.
Để hạn chế tập trung đông người khi nhận cơm, tôi đã đẩy mạnh mô hình này với mong muốn mang những phần cơm miễn phí tỏa đi khắp nơi trên địa bàn TP. HCM, vừa giúp cho những người khó khăn vừa an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Trong ngày đầu tiên giãn cách xã hội, dự án “cơm di động” vẫn duy trì hoạt động bình thường, thậm chí tăng thêm công suất và chuyển số lượng lớn đến từng khu trọ để giảm thiểu thấp nhất việc tập trung người trên các tuyến phố.
Theo đó, tất cả điều phối viên khi ra đường đều có thẻ điều phối viên làm nhiệm vụ cung cấp thực phẩm thiết yếu, thực hiện nghiêm chỉnh giãn cách và bảo hộ đầy đủ.
Anh Khởi chia sẻ thêm thêm: các xe “cơm di động” không chỉ phục vụ trong những ngày dịch mà sẽ còn được duy trì kể cả sau khi hết dịch để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.