Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc mang tên Phúc Kiến (Fujian) đã được hạ thủy vào sáng nay (17/6) tại Thượng Hải.
Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, lễ hạ thủy bắt đầu lúc 11 giờ (tức 10 giờ sáng nay, theo giờ Việt Nam). Màn hạ thủy gồm phần hát quốc ca, chào cờ, cắt băng khánh thành và đập 1 chai rượu sâm banh vào thân tàu.
Tàu Phúc Kiến có sử dụng máy phóng điện từ (EMALS), giúp phóng máy bay từ boong tàu với tốc độ nhanh hơn hệ thống cũ. Các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford của Mỹ cũng sử dụng hệ thống EMALS.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh, một loại tàu cũ do Liên Xô sản xuất và Trung Quốc mua lại từ Ukraine vào năm 1998. Trung Quốc đã tân trang chiếc tàu này và hạ thủy nó vào năm 2012. Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là Sơn Đông, được hạ thủy vào năm 2017. Đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc sản xuất ở trong nước.
Khác với hai tàu sân bay đầu tiên có đường băng dốc, tàu Phúc Kiến có đường băng bằng phẳng, độ giãn nước hơn 80.000 tấn. Đài CCTV của Trung Quốc ca ngợi đây là tàu sân bay có máy phóng đầu tiên do nước này “thiết kế và chế tạo”. Sau khi hạ thủy, tàu Phúc Kiến sẽ thử nghiệm các hoạt động neo đậu và điều hướng.
Vào cuối tháng 5, các bức ảnh chụp từ vệ tinh do Planet Labs PBC công bố cho thấy tàu Phúc Kiến đã lộ diện và sẵn sàng hạ thủy. Trước đó, Trung Quốc đã buộc phải trì hoãn công bố tàu Phúc Kiến 2 lần. Lần đầu bị hoãn vào dịp 23/4 vì phong tỏa chống dịch Covid-19. Lần thứ hai bị hoãn là vào ngày 3/6, nhưng Trung Quốc không công bố lý do.
Tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về lực lượng tàu sân bay, với khả năng triệu tập 11 tàu sân bay có trang bị vũ khí hạt nhân. Theo tạp chí Defense, việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ 3 diễn ra khi Mỹ đang tăng cường tập trung vào Biển Đông. Khu vực này trở thành điểm nóng khi Trung Quốc áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông.