Cơ quan y tế của Singapore tuyên bố những người đã tiêm vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất sẽ không được tính là đã tiêm vắc xin.

The Epoch Times trích dẫn tuyên bố của Bộ Y tế Singapore hôm 6/7: “Số lượng tiêm chủng quốc gia chỉ phản ánh những trường hợp được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Hiện tại, điều này chỉ bao gồm những người được tiêm vắc xin Moderna COVID-19 và Pfizer-BioNTech / Comirnaty.”

Giới chức y tế Singapore cho biết không có đầy đủ dữ liệu cho thấy hiệu quả của vắc-xin Sinovac của Trung Quốc trong việc chống lại Covid-19, cụ thể là biến chủng Delta. Biến thể này đã trở thành chủng Covid-19 phổ biến nhất tại Singapore.

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói với các phóng viên hôm 7/7: “Chúng tôi không thực sự có cơ sở khoa học hay y tế, cũng không có dữ liệu để xác định mức độ hiệu quả của Sinovac đối với việc lây nhiễm và các ca bệnh nặng của biến chủng Delta”.

Singapore bắt đầu cho phép các phòng khám y tế tư nhân quản lý vắc xin CoronaVac của Sinovac Trung Quốc, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng vắc xin này. Tính đến ngày 3/7, khoảng 17.000 người tại Singapore đã được tiêm mũi đầu tiên của vắc xin Trung Quốc.

Ông Kenneth Mak, Giám đốc các dịch vụ y tế của Bộ Y tế Singapore, cho biết bằng chứng từ các quốc gia khác cho thấy những người đã tiêm CoronaVac vẫn bị nhiễm bệnh.

Singapore yêu cầu những người đã tiêm CoronaVac vẫn cần phải được xét nghiệm Covid-19 trước khi tham dự một số sự kiện hoặc vào một số địa điểm. Quy định này tương tự như đối với những người chưa được tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Các nhà chức trách cho biết rằng những người đã tiêm vắc xin Trung Quốc ở nước ngoài sẽ được phép tiêm đầy đủ vắc xin Pfizer hoặc Moderna ở Singapore. Hôm 7/7, ông Mak nói với các phóng viên rằng chính phủ Singapore không thể đảm bảo việc dùng lẫn các vắc xin có mức độ an toàn như thế nào.

“Nếu có những người đủ điều kiện nhận vắc xin từ chương trình tiêm chủng quốc gia, chúng tôi sẽ cho phép họ đăng ký nhưng chúng tôi sẽ thông báo cho họ về thực tế là không có bằng chứng về mức độ phản ứng nếu họ đã được tiêm loại vắc xin khác trước đây.”

Vào tháng 4, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), Gao Fu, thừa nhận rằng một số sản phẩm vắc xin của Trung Quốc “không có tỷ lệ phòng ngừa cao”. Sau đó, ông Fu nói rằng tuyên bố của ông chỉ là “sự hiểu lầm”.