Thỏa thuận an ninh mà chính phủ Thủ tướng Solomon sắp ký kết với Trung Quốc có thể khiến Quần đảo này trở thành “bù nhìn” của Bắc Kinh, theo nhận định của ông Celsus Irokwato Talifilu, cố vấn chính trị cho ông Daniel Suidani, tỉnh trưởng tỉnh Malaita, quần đảo Solomon.
Trong bài bình luận trên SMH hôm 30/3, ông Tilifilu cho rằng thỏa thuận an ninh Solomon – Trung Quốc này là “một tin xấu cho cả quần đảo Solomon và khu vực Nam Thái Bình Dương.”
“Trung Quốc đang cố tình kéo quần đảo Solomon vào cuộc chiến địa chính trị của họ với Hoa Kỳ. Người dân Solomon sẽ phải hứng chịu hậu quả từ cuộc đua này”.
Malaita là tỉnh có dân số đông nhất trong số 9 tỉnh của Quần đảo Solomon. Chính phủ tỉnh Malaita đã không đồng ý với việc từ bỏ quan hệ với Đài Loan để hợp tác Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Con quái vật đang cướp bóc người dân Solomon
Ông Talifilu gọi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc là một “con rồng”, một “con quái vật” đang bóc lột người dân Solomon.
“Rừng và con người của chúng ta đã bị cưỡng ép và bóc lột bởi một con quái vật khai thác gỗ sống ở Trung Quốc. Chân và cánh của con rồng ở Malaysia và Philippines, nhưng chúng tôi biết hang động của nó ở đâu. Chúng tôi đã chứng kiến nó hối lộ và làm mục ruỗng vô số nhà lãnh đạo, và chúng tôi biết nó sẽ không bao giờ dừng lại”, ông Talifilu viết.
Ông cáo buộc các quan chức của chính quyền đương nhiệm đã bị Trung Quốc làm mục ruỗng.
“Các tầng lớp chính trị mục ruỗng trong chính quyền trung ương của Quần đảo Solomon đã trở thành những kẻ tham nhũng. Quốc gia bây giờ là một chế độ đầu sỏ, không phải là một nền dân chủ”, ông Talifilu cho biết.
“Bây giờ họ đang muốn đánh cắp chủ quyền lãnh thổ của chúng ta để bán cho tư nhân. Chính quyền trung ương tham nhũng không còn chịu trách nhiệm trước người dân của Solomon. Đây không phải là lịch sử. Điều này đang xảy ra ngay bây giờ.”
Trung Quốc hối lộ quan chức Solomon để giữ chính quyền ‘bù nhìn’ Sogavare
Thủ tướng Manasseh Sogavare bị chỉ trích là hoạt động như thể là “bù nhìn” của Trung Quốc. Vào tháng 11 năm 2021, cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán một đám đông ôn hòa ở Honiara yêu cầu ông Sogavare từ chức.
Cách chính quyền đối xử nghiêm khắc với cuộc biểu tình đã làm bùng lên các cuộc bạo động lớn. Nghị viện Quần đảo Solomon sau đó đã kêu gọi tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Sogavare.
“Trung Quốc đã cung cấp 250.000SBD [30.000 USD – khoảng 685 triệu đồng Việt Nam] cho mỗi nghị sĩ bỏ phiếu chống lại đề nghị bất tín nhiệm”, theo ông Talifilu.
Sau đó, “cuộc bỏ phiếu thất bại và ông Sogavare vốn không được người dân tín nhiệm vẫn nắm quyền”.
Hôm 1/4, chính phủ của ông Sogavare cam đoan thỏa thuận an ninh mới giữa Solomon và Trung Quốc sẽ không cho phép Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự tại quần đảo này. Tuy vậy, điều đó không xua đi mối lo ngại về việc Trung Quốc sẽ thiết lập được một cơ sở hoạt động như căn cứ quân sự tại Solomon.
Theo các điều khoản dự thảo của thỏa thuận an ninh, Trung Quốc có thể cử cảnh sát, quân nhân và các lực lượng vũ trang khác đến Quần đảo Solomon “để hỗ trợ duy trì trật tự xã hội” và vì nhiều lý do khác.
Bắc Kinh cũng có thể cử tàu chiến đến các đảo của Solomon để dừng chân và bổ sung nguồn cung cấp, điều này đã dẫn đến suy đoán về khả năng Trung Quốc thiết lập một căn cứ hải quân trên các đảo Nam Thái Bình Dương.