Mười một con đập lớn vắt ngang dòng sông Mekong hùng vĩ trước khi nó rời khỏi Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Nếu tiếp tục xây dựng các con đập mới, hệ sinh thái ven sông và môi trường sống ở khu vực hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Sustainability Times, một tờ báo chuyên về phát triển bền vững, cảnh báo rằng bất kỳ con đập mới nào trên sông Mekong cũng có thể giáng một đòn mạnh vào các hệ sinh thái ven sông vốn đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Cách đây không lâu, sông Mekong ở Đông Nam Á là một tuyến đường thủy phổ biến. Bắt nguồn từ Trung Quốc, đi qua bốn quốc gia và đổ ra Biển Đông của Việt Nam, chiều dài 4.350 km của sông Mekong có một ưu thế rõ rệt.

Tuy nhiên, lưu lượng dòng nước sông Mekong bị giảm đáng kể khi xây dựng các thủy điện ở thượng nguồn. Trong đó, có 11 con đập ở Trung Quốc và 2 con đập ở Lào. Chúng gây tác động lớn đến môi trường sống và khiến mực nước giảm thấp đáng kể tại các khu vực đồng bằng hạ lưu sông của Việt Nam. 

Các con đập trên sông Mekong, ảnh chụp vào tháng 11 năm 2019
Hiện đang có 11 con đập ở Trung Quốc và 2 con đập ở Lào trên sông Mekong (ảnh: Stimson).

Những con đập trên sông Mekong đang được lên kế hoạch

Lào đang lên kế hoạch xây dựng một con đập mới có công suất 684 MW. Dự án này được Trung Quốc tài trợ 2 tỷ USD. Lượng điện sản xuất ra dự kiến sẽ xuất khẩu sang Thái Lan, quốc gia vốn có lượng điện dư thừa so với nhu cầu trong nước. 

Chính phủ Lào vẫn chưa tiến hành đánh giá tác động môi trường của dự án này. Nhưng các chuyên gia môi trường cảnh báo, bất kỳ một con đập mới nào cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ven sông. 

Dân địa phương ở Camphuchia và Thái Lan lo ngại các con đập sẽ làm tổn hại cho dòng sông vốn đang quá tải. Họ cho rằng các dự án mới nên bị hủy bỏ. Nhưng chính phủ Lào lại xem các con đập như một phương tiện để phát triển. 

Một thành viên của Tổ chức Bảo tồn Rak Chiang Khan ở miền bắc Thái Lan cho biết: “Họ thật không biết phải làm gì với những con đập này.”

Ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường sống

Giáo sư Kennethe Olson, nhà khoa học môi trường người Mỹ, đã cảnh báo: “các dự án hỗ trợ ngành thủy điện đang làm thay đổi hệ sinh thái, nông nghiệp và văn hóa ở khu vực này.”

Các con đập mới có thể đẩy các loài thủy sinh vào nguy cơ tuyệt chủng. Cá da trơn khổng lồ, loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, có thể dài tới 3m và nặng 350 kg. Đây là loài thủy sinh đặc hữu của sông Mekong. Chúng đang phải đối mặt với môi trường sống ngày càng khắc nghiệt. 

Cá da trơn khổng lồ trên sông Mekong
Cá da trơn khổng lồ, loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, có thể dài tới 3m và nặng 350 kg. Đây là loài thủy sinh đặc hữu của sông Mekong (ảnh: Crushpixel).

Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) có báo cáo: Hiện nay loài cá này chỉ được tìm thấy ở hạ lưu sông Mekong của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trước đây, chúng từng xuất hiện rất phổ biến ở phía bắc, dọc theo biên giới Thái Lan và Lào.

Quỹ WWF cũng cho biết rằng tổng lượng cá da trơn khổng lồ ở sông Mekong đã giảm khoảng 90% trong thập kỷ qua. Một số chuyên gia cho rằng có thể chỉ còn vài trăm con còn sống sót.

Sự thay đổi dòng chảy do các con đập ở thượng nguồn cũng tác động đến nông dân và ngư dân sống ở ven sông. Một ngư dân cao tuổi ở miền Bắc Thái Lan cho biết: “Nước dâng và rút đi quá nhanh, vì nó không chảy tự nhiên. Rất khó khăn để đánh bắt cá. Cá cũng không thể đẻ trứng.”