Chủ tịch Tập Cận Bình có thể phải lo lắng sau vụ tuần dương hạm Moskva của Nga bị chìm, vì hai tàu sân bay của Trung Quốc cũng được thiết kế theo công nghệ cũ của Liên Xô.

Vụ tuần dương hạm Moskva chìm ở Biển Đen hôm 13/4 là thiệt hại về soái hạm đầu tiên của Nga trong chiến tranh kể từ khi mất tàu Knyaz Suvorov vào năm 1905.

Điều đáng chú ý là tàu Moskva chìm đã tác động tiêu cực đến tâm lý của các quan chức an ninh Trung Quốc, theo Nikkei Asia.

Bắc Kinh lo lắng về tàu sân bay

Tàu Moskva dường như đã chìm sau khi bị 2 tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine bắn trúng; mặc dù phía Nga không muốn thừa nhận điều đó. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận tuyên bố của Ukraine.

“Nếu điều đó là sự thật, có nghĩa là sức mạnh hải quân được ca tụng hết mực của Trung Quốc chẳng qua chỉ là một con hổ giấy”, một nguồn tin Trung Quốc than vãn. Giới phân tích Trung Quốc tỏ ra lo lắng khi 2 tàu sân đang hoạt động của nước này có nhiều điểm tương đồng với chiến hạm của Nga.

Từ năm 2005, bắt đầu lan truyền thông tin rằng hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đang được chế tạo tại một nhà máy đóng tàu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Trung Quốc đã mua xác tàu sân bay Varyag, vốn được đóng tại Xưởng đóng tàu Biển Đen nổi tiếng ở Mykolaiv, miền nam Ukraine từ năm 1985, nhưng sau đó bị đình trệ do Liên Xô sụp đổ.

Thật trùng hợp, Moskva cũng được chế tạo tại một xưởng đóng tàu ở Mykolaiv.

Soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga bốc cháy sau khi được cho là trúng tên lửa của Ukraine ngày 13/4 (ảnh chụp màn hình Kyodo).

Người Ukraine đã tháo các mảnh thiết bị của tàu Varyag và bán chúng như đồ phế liệu cho một công ty “bình phong” có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Các thiết bị này được mang đến Đại Liên và cải tạo. Hiện nó đã trở thành tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Theo những người trong cuộc, Trung Quốc đã có thể ‘thiết kế ngược’ phần lớn các bộ phận của những tàu sân bay Liên Xô cũ, và dần dần cải tiến các công nghệ liên quan của chính họ – dù trước đó Bắc Kinh không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Nhưng nếu lớp giáp của tàu Varyag dựa trên các tiêu chuẩn của Liên Xô cũ; thì việc tàu Moskva bị đánh chìm sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc thêm lo lắng về khả năng con tàu dễ bị tổn thương trước các tên lửa tiên tiến.

Tàu sân bay Trung Quốc dễ bị tên lửa chống hạm tấn công

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2012, tàu Liêu Ninh được coi là một trong những tài sản chủ chốt của hải quân Trung Quốc. Nó thường di chuyển gần Đài Loan, bao gồm cả đi qua eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến ở Ukraine, nếu Chủ tịch Tập quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, thì Liêu Ninh có thể bị đánh giá là quá dễ bị tổn thương để có thể triển khai tác chiến.

Tàu sân bay Liêu Ninh rời Hong Kong trong một nhiệm vụ tuần tra trên biển (ảnh chụp màn hình Reuters).

Có lẽ tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là Sơn Đông – được sản xuất đầu tiên trong nước – sẽ có khả năng phòng thủ tốt hơn. Hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc vẫn đang ở xưởng đóng và được cho là sắp hạ thủy.

Tuy nhiên, nếu các tàu sân bay Trung Quốc đến gần Đài Loan hoặc cố gắng tiến vào Thái Bình Dương, chúng sẽ bị các tên lửa chống hạm trong khoảng cách rất gần tấn công.

Ông Tập có thể sai lầm nếu xâm lược Đài Loan?

Trung Quốc, vốn không loại trừ khả năng thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực, hẳn đã bị sốc trước sự yếu kém trong công nghệ đóng tàu quân sự của Nga. Bắc Kinh nghĩ rằng Nga sẽ áp đảo khả năng phòng thủ của Ukraine về mọi mặt, vì Moscow có trang thiết bị, quân số và ngân sách vượt trội hơn.

Nếu quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, ông Tập có thể mắc phải sai lầm tương tự như Tổng thống Nga Putin mắc phải ở Ukraine. Mục tiêu của ông Tập thậm chí sẽ khó đạt được hơn vì Đài Loan nằm bên kia eo biển.

Ngoài ra, Đài Loan với địa hình nhiều ngọn núi dốc và cao, được ví như một pháo đài tự nhiên. Nếu Trung Quốc không nhanh chóng giành được chiến thắng trong các trận đánh đầu tiên, quân tiếp viện từ Mỹ và các quốc gia khác sẽ đến.

Xe tăng Đài Loan khai hỏa trong một cuộc tập trận mô phỏng quân đội Trung Quốc tấn công vùng lãnh thổ này (ảnh chụp màn hình Reuters).

Phương Tây sẽ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc và có thể sẽ phong tỏa hải quân. Bắc Kinh, vốn phụ thuộc vào các quốc gia khác về năng lượng và lương thực, sẽ phải hứng chịu một đòn giáng nặng nề hơn những gì Nga đang trải qua hiện nay.

Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine có phần giống với quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Kết cục cuối cùng của cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine có thể sẽ ảnh hưởng đến tận Eo biển Đài Loan.

Vụ chìm tàu Moskva gây chấn động chắc chắn sẽ tác động đến ‘thái độ’ của Trung Quốc với Đài Loan.