Việc các bậc học trong hệ thống giáo dục Việt Nam đồng loạt tăng học phí đưa đến câu hỏi, liệu có phải tăng tiền học sẽ đi đôi với chất lượng giáo dục tốt lên hay không?
Học phí các cấp đều tăng
Vào cuối tháng 5, TP. Hà Nội đã trình dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí. Theo đó, năm học 2022-2023, học phí THCS dự kiến là 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đồng đang áp dụng; hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự.
Cũng vậy, tại TP. HCM, từ năm học tới, các trường mầm non tăng học phí thêm khoảng 100.000 đồng//tháng; bậc THCS tăng từ 60.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng; THPT ở các quận tăng từ 120.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng.
Ở cấp đại học, năm tới học phí ở hàng loạt trường sẽ tăng mạnh. Trường Đại học Luật Hà Nội tăng học phí cao gấp đôi (với hệ đại trà).
Học phí khối ngành Y dược của trường Đại học Y Hà Nội sẽ tăng 71% so với năm ngoái.
Đại học Kinh tế (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng công bố học phí dự kiến của năm 2022 là 42 triệu đồng một năm, tăng 20-37%.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học phí tính theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021.
Nhiều trường đại học phía Nam cũng thông báo mức học phí sẽ tăng mạnh. Ví dụ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất mức 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.
Ngành giáo dục nói gì?
Nhà trường – phía chủ động, có nhiều lý do để cho rằng việc tăng học phí là chính đáng. Một lý do chung, phổ biến được các trường đại học đưa ra là tăng học phí nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, từ đó nâng chuẩn đầu ra. Ngoài ra, các trường đại học cũng đặt mức học phí lên bàn cân để so sánh với các hệ giáo dục khác, từ đó làm cơ sở để tăng học phí.
Điều này phần nào thể hiện trong quan điểm của ông Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP. HCM khi cho rằng, nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là càng lên cao chi phí học tập lại thấp đi. Nếu cứ đánh bằng học phí thấp như vậy thì vô hình trung chỉ đáp ứng được phân khúc học phí thấp, chất lượng phần nào bị hạn chế.
Còn với nhà quản lý giáo dục các cấp hệ phổ thông, các thông tư, nghị định thường được dẫn ra để chứng minh tính hợp lý và tất yếu của việc tăng học phí. Đơn cử, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng mức thu học phí năm tới là mức thu thấp nhất theo nghị quyết của Chính phủ.
“Nếu năm nay Hà Nội không tăng học phí thì sang năm phải tăng gấp đôi và sang năm không tăng thì năm tiếp theo tăng gấp 3. Một số tỉnh thành trong đó có TP. HCM 3 năm không tăng nên năm nay phải tăng gấp 5 lần”, ông Cường nói.
Phụ huynh nghĩ sao?
Để rộng đường dư luận cho việc tăng học phí, tháng 6 này, quan chức ngành giáo dục Hà Nội đã công bố một kết quả khảo sát cho thấy 72% trong số 74.000 người được hỏi đồng ý tăng học phí. Tuy nhiên, việc này bị phụ huynh hoài nghi và phản đối mạnh trên các diễn đàn.
Đa số ý kiến cho rằng, nếu được Sở Giáo dục Hà Nội “trưng cầu ý kiến”, họ sẽ nói không đồng ý. Bởi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất xấu đến nền kinh tế; giá xăng tăng kéo theo lạm phát ở tất cả các mặt hàng làm cho cuộc sống của người dân rất khó khăn. Do vậy, việc tăng thu học phí hoàn toàn không phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
“Cứ đến cổng trường giờ tan học mà hỏi phụ huynh, tôi đảm bảo 100% sẽ nói không tăng học phí. Còn để nhà trường phát phiếu cho phụ huynh để lấy ý kiến thì kết quả sẽ khác. Nhà tôi trong ban phụ huynh nhưng cũng kiên quyết nói không khi thầy chủ nhiệm lấy ý kiến”, một ý kiến đăng trên diễn đàn độc giả bình luận của VnExpress thu hút hơn 2.800 lượt thích sau vài ngày.
Nhiều người cũng lo ngại việc tăng học phí gây ra các vấn nạn liên hoàn. Ví như, khi tăng gánh nặng kinh tế, phụ huynh sẽ dồn thêm đến áp lực lên các con: rằng chúng phải học thật tốt, để tương lai kiếm thật nhiều tiền trang trải trong gia đình, báo hiếu cho cha mẹ. Cùng với đó, số lượng sách giáo khoa tăng, dẫn đến số lượng bài tập tăng cao; làm giảm thời gian cho các em tương tác với thế giới bên ngoài. Những điều này khiến cho số lượng học sinh bị trầm cảm, bị khiếm khuyết về nhận thức,… ngày càng cao.
Một phần áp lực đó đã dẫn đến những vụ tử tử thương tâm liên tiếp của các em học sinh, sinh viên trong thời gian vừa qua. Ở một bình diện khác, việc tăng học phí có thể tác động đến kinh tế – xã hội cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh sẽ tác động tới CPI (chỉ số giá tiêu dùng) bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,55%-1,05% và tăng học phí năm học 2022-2023 dự kiến tác động tới CPI tăng 1,5%-2,8%. Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đây là những có số có tác động rất lớn.
Giá trị tiền bạc tỉ lệ thuận với chất lượng giáo dục?
Thực tế, dù còn khó khăn, người Việt Nam rất chịu chi cho việc học hành của con cái; Ngân sách nhà nước cũng phân bổ nhiều cho ngành giáo dục. Ví dụ, chi tiêu công cho giáo dục/GDP của Việt Nam những năm qua ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới (4% năm 2019), kể cả so với một số nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn trong khu vực (Singapore 3,2% năm 2010, Thái Lan 3,8%). Trong vòng 5 năm của giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục đã tăng trên 32,2%. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ở Việt Nam đang ở mức nào thì hầu hết người dân đều thấy.
Như vậy, không hẳn nhiều tiền là có một nền giáo dục tốt. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung trên Vietnamnet thì, tiền bạc là điều kiện cần chứ không đủ, nó không hoàn toàn quyết định chất lượng giáo dục. Ông Trung phân tích: Giáo dục một trẻ nhỏ trở thành một con người “chất lượng” sau những năm tháng học phổ thông, không phải chỉ đo bằng vốn liếng tri thức và kỹ năng mà em đó được trang bị, mà còn liên quan đến tư tưởng, đạo đức, nhân bản, ý chí cầu tiến, động lực, thói quen sáng tạo, thái độ mà em đó có với tha nhân với xã hội và môi trường sống, những thứ không phải cứ nhiều tiền là có thể có.
Vị tiến sĩ này dẫn một ví dụ: Người ta hay nhắc đến hiện tượng giáo dục Phần Lan, quốc gia nổi tiếng thế giới nhờ sự thành công trong giáo dục phổ thông của họ, mà một trong những thể hiện là học sinh Phần Lan luôn đứng đầu các cuộc thi PISA (đánh giá học sinh quốc tế), thế nhưng về mặt tiền bạc, quốc gia này chỉ dành cho giáo dục ở mức trung bình so với các nước tham dự cuộc thi PISA, thua xa các nước như Mexico, Brazin, Chi Le, Trung Quốc, v.v. Nghĩa là chuyện tiền bạc không nhất thiết cứ phải tỷ lệ thuận với chất lượng giáo dục nếu không có tầm nhìn và phương pháp đúng.
Thực tế, điều này cũng tương hợp với những bài học lịch sử để lại. Chu Văn An – nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, có thể dạy học trò ở bất kỳ đâu, bất kể hoàn cảnh nào, không kén chọn điều kiện. Quan điểm của ông là giáo dục cần nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Sử chép rằng, khi ở quê thì ông mở trường dạy học, ra làm quan ông giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), dạy thái tử và đào tạo nhiều học trò thành những người giữ trọng trách quốc gia. Sau khi từ quan lại trở về quê dạy học.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An không đi thi để ra làm quan mà ông ở quê mở một trường tư nhỏ tại huyện Thanh Đàm, lấy tên là trường Huỳnh Cung để dạy học. Trường có lớp, có thư viện và thu nhận tất cả những người ham học, không phân biệt sang, hèn, lai lịch. Học trò của ông, dù xuất thân giai tầng nào, đều có nhân tài đóng góp cho đất nước. Việc coi trọng cái tâm người đến học chứ không coi trọng túi tiền của phụ huynh, nhà giáo dục vĩ đại bậc nhất lịch sử nước Việt đã để lại một bài học đáng quý.
Đó là phía thầy, còn về phần trò? Hiện nay, có bậc phụ huynh nghĩ rằng, cho con đi học trường đóng ít tiền, con cái sẽ tủi. Thực tế, nếu đứa trẻ nào muốn học thành tài, thành người, chúng sẽ chẳng có thời gian để màng về cái sự tủi hổ đó. Trong lịch sử, đã có nhiều câu chuyện. Mạc Đĩnh Chi – trạng nguyên triều Trần, thủa bé nghèo đến nỗi không được đến trường, chỉ dám đứng ngoài nghe; tối bắt đom đóm cho vào vỏ trứng gà lấy ánh sáng học bài; vậy mà ông vẫn chẳng sân hận, phàn nàn gia cảnh nghèo nàn, học một mạch rồi thi đỗ đến Trạng nguyên.
Hay Abramham Lincoln – Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ. Ông mồ côi mẹ từ bé, được người vợ kế của cha mình dạy học tại nhà nhiều hơn là đến trường. Phải lao động nặng từ bé cho đến tuổi trưởng thành, nhưng ông luôn giữ cho mình ý chí tự học tuyệt vời.
Năm 22 tuổi, Abraham Lincoln quyết định rời xa gia đình phục vụ nghĩa quân sự, sau đó vật lộn với công việc kinh doanh, làm luật sư, và dần dần tiến thân sang lĩnh vực chính trị. Sau này khi đã thành đạt, ông vẫn duy trì đam mê với sách và tìm kiếm tri thức như một thói quen không thể bỏ. Bằng ý chí kiên định khác thường, từ cậu bé “bị bỏ bên ngoài trường học” Abraham Lincoln đã thực hiện được ước mơ – trở thành thứ 16 của nước Mỹ.