Cuối tháng 3 năm 2022, một nữ sinh lớp 9 nhảy từ tầng 26 của một chung cư tại Hà Nội. Kế đó, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh treo cổ tại nhà. Rồi đến một nam sinh trường Amsterdam nhảy lầu trong đêm. Hàng loạt vụ quyên sinh của người trẻ đem đến cái kết bi thảm không chỉ cho một vài gia đình hay một nền giáo dục.

Đã có nhiều ý kiến lên án gia đình, xã hội đã không quan tâm đến các học sinh; ngay cả người đã khuất cũng thành đối tượng chỉ trích. Để lại một bên những lời trách móc, chúng ta hãy thử nhìn xem đâu là nguyên nhân và lối ra nào cho vấn đề nan giải này.

Áp lực – bàn tay vô hình xô người trẻ quyên sinh

Để tưởng tượng về áp lực mà một đứa trẻ trong xã hội hiện đại đang phải chịu đựng có thể dùng một ví dụ liên tưởng thế này. Trên một chiếc bàn xoay đang quay tít, ở đó có những viên bi đang không ngừng chuyển động theo để tránh bị văng ra. Bên trong những viên bi ấy, còn có những viên bi nhỏ hơn, cũng chuyển động, xô đập trong viên bi lớn. Xã hội hiện đại như chiếc bàn xoay, mỗi người trưởng thành như viên bi lớn, còn đứa trẻ như viên bi nhỏ. Những đứa trẻ – viên bi nhỏ tưởng chừng như được bao bọc an toàn bởi người lớn, nhưng thực ra lại là đối tượng chịu nhiều áp lực nhất.

Áp lực đè nặng lên đôi vai các em và cái kết buồn do những quan niệm sai lầm (nguồn: Tuyensinhso)

Áp lực từ bên ngoài

Nếu một đứa trẻ trước đây được dạy bảo rằng “con cần làm người tốt” thì ngày nay, dường như các bậc phụ huynh và cả xã hội đều thì thầm bên tai chúng rằng “hãy cố gắng để sau này có thể sống tốt”. Trong khi đó, giữa làm “người tốt” và “sống tốt” là hai phạm trù có rất nhiều sự khác biệt. “Sống tốt”, trong suy nghĩ nhiều người “trưởng thành”, chưa hẳn đã là một “người tốt”, mà chỉ là việc sở hữu những tài sản, vật dụng tiện nghi hay một cuộc sống dư dả về tiền bạc. Quan niệm có một cuộc sống tốt cũng gắn với việc người đó phải có địa vị trong xã hội, được vị nể, ra đời cạnh tranh được với người khác… Mà để đạt được những điều đó, các phụ huynh cho rằng, con trẻ cần phải học thật giỏi, được trang bị nhiều kiến thức ngày từ bé. Tư tưởng này từ người lớn đã thẩm thấu vào đứa trẻ, khiến chúng hình thành suy nghĩ rằng muốn có tương lai thì phải luôn cố gắng phấn đấu (thậm chí là tranh đấu) thì mới có thể tồn tại.

Thêm vào đó, môi trường học tập cũng tạo ra những áp lực: Sau mỗi lần cải cách sách giáo khoa, số lượng kiến thức trong các môn học tăng lên. Số lượng kiến thức sẽ tương đương với số lượng bài tập về nhà. Thời gian để các em tương tác với thế giới bên ngoài bị thu hẹp và tăng số lượng trẻ em béo phì, cận thị, tự kỷ, khiếm khuyết về nhận thức xã hội…

Còn có áp lực từ sự kỳ vọng của phụ huynh: Hầu như bậc phụ huynh nào cũng mong con em mình tương lai rộng mở. Họ không tiếc thời gian, tiền bạc tạo đòn bẩy cho con em đến môi trường học tập tốt nhất. Ép đứa trẻ học hành chăm chỉ chính là cách giáo dục mà theo họ là hiệu quả. Kết quả các em phải học rất nhiều ở trường, về nhà lại học phụ đạo…

Áp lực lên vai các em học sinh trong xã hội hiện đại là rất lớn (ảnh minh họa).

Áp lực tự thân

Ngoài ra, cũng cần kể đến áp lực từ chính bản thân các học sinh: Áp lực phía trên đổ lên đôi vai của những đứa trẻ tuổi đời còn non nớt; muốn là con ngoan trò giỏi thì phải vâng lời cha mẹ, thầy cô. Nhưng những đứa trẻ sẽ phải giải quyết vấn đề như thế nào khi cán mức đỉnh điểm của sự chịu đựng?

Nếu là một đứa bé có trách nhiệm, chúng sẽ không ngừng cố gắng nhưng đích đến thì còn xa; tinh lực sau nhiều ngày “học” đã cạn kiệt; chúng sẽ quay lại tự trách bản thân mình vô dụng. Lúc này đối với nhiều em, cái chết chính là một sự giải thoát, bởi chúng nhìn nhận người thân và xã hội xung quanh đã không “mở đường sống” cho chúng. Trên thực tế, chúng ta thấy sau nhiều vụ học sinh tự tử, nhiều người thân của các em than vãn rằng, các con (em) đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, luôn biết nghe lời… Có thể đó đều là sự thật. Nhưng còn một sự thật nữa là để chiều lòng phụ huynh, để luôn xứng đáng làm con/trò “ngoan, giỏi” ấy, chúng đã phải cố gắng đến mức vượt quá sức chịu đựng.

Phải chăng là bế tắc?

Một thực tế đau lòng là, sau cái chết của con trẻ, những bậc cha mẹ không ngừng dằn vặt rằng, chỉ cần con họ còn được sống làm người, thì thậm chí đứa trẻ ấy có đần ngốc cũng được, chứ đừng nói đến thông minh học giỏi. Khi đối diện với cái xác lạnh ngắt của thân nhân, người ta hiểu ra rằng, cái sự tài ba, giỏi giang, đỗ đạt kia chẳng là gì cả, chỉ như cát bụi hư không; họ chỉ ước sao con cái họ còn trên thế giới này. Trong cơn đau đớn xé tim gan, nước mắt giàn giụa, nhiều người giận mình tại sao lại truy cầu rằng tương lai con mình phải “sống tốt” để đến nỗi đứa trẻ phải quyên sinh? Trong vô vọng, họ ước “giá như” con họ sống lại, thì đó chỉ cần là đứa trẻ bình thường và được giáo dục để trở thành người tốt.

Tam gia đều trọng chữ “Nhân”

Mà để làm người tốt, chẳng phải vẫn có đường đi? Nhân loại đi được đến ngày nay, trải qua hàng nghìn năm, đã xuất hiện vô số vĩ nhân và những nhân vật cao thượng, chẳng phải là ngẫu nhiên? Đó là bởi các thế hệ đi trước đều được bước đi trên một tuyến lộ văn hóa truyền thống, giáo dục truyền thống.

Nhắc đến chữ truyền thống này, nhiều người sẽ bĩu môi, coi đó là một sự cổ hủ, trái với những cái tân tiến, hiện đại họ đang chứng kiến. Nhưng những ai đã bị cái sự tân tiến đương đại cướp đi sinh mạng con cái họ, thử nhìn về quá khứ một chút: Trong nền giáo dục truyền thống, gồm có tư tưởng của 3 gia lớn là Phật gia, Đạo gia, Nho gia chẳng phải đều coi trọng chữ “Nhân”. Phật gia giảng rằng “Nhân thân nan đắc (thân người khó được)”; còn Nho gia xếp “Nhân” đứng đầu trong Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Tư tưởng của tam gia đều cho rằng sinh ra được làm người là vô cùng may mắn. Nếu chẳng có thân người thì không thể nói đến những điều khác. Vì vậy, thời xưa mỗi người đều được giáo dục rằng cần coi trọng, biết trân quý và có trách nhiệm với sinh mệnh của mình, không thể tùy tiện hủy đi sự sống bản thân như chọn cách tự tử… Điều này khác biệt hoàn toàn với những sự tân tiến hiện nay, khi ở những trò chơi trên TikTok dạy trẻ em tự tử, hay một ca sĩ có sức ảnh hưởng trong giới trẻ làm MV cổ súy cho việc nhảy lầu.

Người xưa đọc sách thánh hiền, chú trọng tu tâm dưỡng tính (nguồn: tinhhoa).

Mà đâu chỉ vậy, giáo dục truyền thống còn bàn cái gốc của sự học để có tương lai chính là “tiên học lễ, hậu học văn”; dạy con trẻ biết Đạo của sự thịnh vượng, biết được “bí mật” của sự thành danh… là học các trở thành một con người chân chính. Khổng Tử nói về đạo “trung dung” – cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng theo ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín cho hòa với muôn vật, hợp với lòng Trời để thành người tài giỏi. Ngay cả khi đối mặt với khó khăn cũng không tìm đến cách giải thoát cực đoan như quyên sinh, mà cần coi đó là môi trường tôi luyện một con người dũng mãnh, kiên nhẫn, khiêm tốn…

Tìm lối thoát từ văn hóa, giáo dục truyền thống

Các thành viên trong gia đình cùng tu tâm tính, đạt đến sự an hoà (ảnh: dkn)

Với sự nhiễu loạn của xã hội đương đại, thì giáo dục truyền thống là cách tốt nhất để quy hồi lại các giá trị chân chính. Nói vậy không có nghĩa là đi thuyết giảng đạo lý suông như nhiều người vẫn hình dung. Bởi trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nội hàm của văn hoá truyền thống rất đa dạng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Quay về truyền thống ở đây là cải biến từ trong tâm, thay đổi từ nhận thức. Bậc làm cha mẹ nên dạy con trẻ ngũ thường. Tức dạy là cho chúng biết tôn trọng sự sống của bản thân và tha nhân; biết kính trên nhường dưới, lễ độ, khiêm tốn; biết ân nghĩa ở đời; biết phân biệt thiện- ác, đúng- sai; biết sống chân thật, đã quyết tâm là phải làm, lời đã hứa thì phải thực hiện.

Muốn làm được thế, thì người lớn chúng ta cũng phải gạt đi những tự ái, mà chính mình cần học lại… ngũ thường. Bởi chính người lớn cũng cần tự sửa mình thì mới có thể giáo dục con cái được tốt. Đó cũng là một quá trình để chúng ta thay đổi quan niệm, để khi đối mặt với thực tế con cái không đạt thành tích quá xuất sắc, có thể không thi đỗ vào các trường danh tiếng, chúng ta vẫn bình thản đón nhận. Hơn nữa, còn có suy nghĩ tích cực: Sự không như ý này đâu có phải là chấm hết với con cái chúng ta. Rất có thể, đứa trẻ sẽ phát huy được sở trường ở những công việc, lĩnh vực khác. Miễn sao chúng là người tốt. Như thế, sẽ có rất nhiều người trẻ được giảm đi áp lực; và những vụ quyên sinh sẽ không còn là ám ảnh khi nhắc đến lứa tuổi học trò.

Có thể bạn quan tâm:

Thông minh và chính trực

Trí tuệ của người xưa

Mất mạng bởi ngoại tình – an thân nhờ trọn nghĩa tào khang