Một trong các lý do khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lập trường “thân với Nga” trong cuộc khủng hoảng Ukraine là lo sợ mô hình Gorbachev, theo ông Katsuji Nakazawa, một biên tập viên cấp cao của tờ báo Nhật Bản Nikkei.

“Tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại kiên quyết giữ vững lập trường thân thiện với Nga bất chấp cuộc tàn sát ở Ukraine?”, ông Nakazawa viết trong bài bình luận đăng trên Nikkei Asia sáng 24/3.

Vị nhà báo Nhật Bản cho biết, một bài phát biểu cách đây 10 năm của ông Tập có thể hé lộ nguyên nhân vì sao ông Tập quyết giữ lập trường “thân Nga”.

Tập Cận Bình sợ mô hình Gorbachev

Mikhail Gorbachev là nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô. Ngày 25/12/1991, Gorbachev tuyên bố từ chức, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Đảng Cộng sản Liên Xô. 15 quốc gia trong khối Liên bang Xô Viết đã trở thành các quốc gia độc lập, trong đó có Ukraine.

Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký đơn từ chức ngày 25/12/1991, Liên Xô chính thức tan rã (ảnh chụp màn hình video).
Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký đơn từ chức ngày 25/12/1991, Liên Xô chính thức tan rã (ảnh chụp màn hình video).

Ông Tập Cận Bình cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô để lại một bài học cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vài tuần sau khi lên giữ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ vào tháng 12 năm 2012, ông Tập nói rằng Bắc Kinh phải rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô cũ.

“Cuối cùng, Gorbachev chỉ nói khẽ một câu rằng giải thể Đảng Cộng sản Liên Xô, thế là một đảng vĩ đại đã ra đi”, ông Tập Cận Bình phát biểu hồi tháng 12 năm 2012.

Ông Tập than thở: “(Ấy vậy mà khi đó) không có ai đứng ra phản đối…. Không có ai là một người đàn ông thực thụ”.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Behance.net).
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Behance.net).

Sau khi nghe phát biểu của ông Tập về Liên Xô, những người mong mỏi cải cách ở Trung Quốc đã tiêu tan hi vọng. Ông Hồ Đức Bình, con trai thứ ba của cựu lãnh đạo ủng hộ cải cách Hồ Diệu Bang, ngay lập tức chỉ trích tư tưởng thiên tả của ông Tập.

Ông Hồ Đức Bình nói rằng chính người dân Liên Xô đã quyết định giải thể Liên Xô. “Các thành viên phục vụ Liên Xô từ chối bắn đạn vào người dân. Họ có đáng bị chỉ trích rằng không phải là đàn ông không?”, ông Hồ Đức Bình chất vấn.

Tập Cận Bình chịu ảnh hưởng từ tuyên truyền về Liên Xô

Theo Nikkei, một cựu thành viên ĐCSTQ cho rằng lập trường thân Nga của ông Tập xuất phát từ quãng thời gian sống trong tuyên truyền của Mao Trạch Đông về Liên Xô.

Người này cho biết: “Khi còn nhỏ ông ta (Tập Cận Bình) được dạy rằng Liên Xô thật tuyệt vời, đó là một đất nước vĩ đại và mạnh mẽ”.

Hơn nữa, các tuyên truyền chống Mỹ mà ông Tập tiếp thu từ khi còn nhỏ cũng ảnh hưởng đến chính sách hiện nay của ông ta với Ukraine, theo Nikkei.

Trung Quốc im hơi lặng tiếng trước cuộc khủng hoảng Ukraine là có nguyên nhân sâu xa. Tổng thống Mỹ Joe Biden; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Flickr/Wikimedia Commons).
Trung Quốc im hơi lặng tiếng trước cuộc khủng hoảng Ukraine là có nguyên nhân sâu xa. Tổng thống Mỹ Joe Biden; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Flickr/Wikimedia Commons).

Nhưng khi Nga bị bủa vây bởi hơn 5.000 lệnh trừng phạt từ các nước, Trung Quốc không muốn thể hiện công khai lập trường nghiêng về Moscow. Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Tập đã cố gắng thể hiện lập trường “trung lập” với vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, nhà báo Nakazawa cho rằng, lập trường “trung lập” mà ông Tập thể hiện là có phần mơ hồ và nghiêng về Nga.

Tập Cận Bình có thể phải trả giá vì “thân Nga”

Việc ông Biden nhờ cậy Trung Quốc giải quyết khủng hoảng Ukraine đã giúp ông Tập Cận Bình nâng tầm vị thế của Bắc Kinh trong vấn đề này. Tuy nhiên, chính sách thân Nga của ông Tập Cận Bình có thể khiến ông ta phải trả giá.

Theo Nikkei, một số học giả cho rằng: “Nếu Trung Quốc gắn bó với Nga quá lâu, dẫn đến một cuộc đụng độ quyết định với phương Tây, thì đòn giáng kinh tế (nhắm vào Trung Quốc) có thể rất lớn.”

Một kịch bản như vậy có thể gây ra một cuộc tranh giành quyền lực lớn ở Trung Quốc, bất kể ông Tập đã tích lũy được bao nhiêu quyền lực đi nữa, theo Nikkei. Những bất ổn như vậy có thể khiến ông Tập bất an, trong đó không loại trừ sự kiện tương tự như Gorbachev sẽ xảy ra tại Trung Quốc.