tau ca trung quoc do xo ra bien dong sau lenh cam tu ban cua bac kinh
Các tàu Trung Quốc hoạt động tại một hòn đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình Youtube).

Theo BenarNews, báo Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc hôm 16/8 đã công chiếu cảnh tượng cho thấy hàng loạt tàu đánh cá Trung Quốc rời bến cảng để ra Biển Đông.

BenarNews cho biết, các hình ảnh vệ tinh cũng chỉ rõ các tàu đánh cá Trung Quốc hôm 16/8 đã tiến vào Cụm Sinh tồn (Union Banks), một khu vực thuộc quần đảo Trường Sa.

Cụm Sinh Tồn không thuộc phạm vi của lệnh cấm đánh bắt, nhưng các tàu đánh cá khác, khả năng là của Trung Quốc, đã xuất hiện ở phía bắc Biển Đông, gần các Đảo Cây, Đảo Quang Hòa và Đảo Hữu Nhật thuộc quần đảo Hoàng Sa vào ngày 17 và ngày 18/8.

Áp đặt lệnh cấm, âm mưu độc chiếm Biển Đông

Trước đó Bắc Kinh đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè từ ngày 1/5 – 16/8 trên Biển Đông, trong đó có khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này được cho là thủ đoạn độc chiếm các ngư trường quan trọng ở Biển Đông và thách thức luật pháp quốc tế.

Tân Hoa Xã tuyên bố lệnh cấm này là biện pháp “khắc nghiệt nhất trong lịch sử”, trong đó Trung Quốc đã tiến hành hàng nghìn cuộc tuần tra ở Biển Đông, bắt giữ 1.691 tàu đánh cá trái phép và dỡ bỏ 630.000 m2 lưới đánh cá bất hợp pháp.

Trong thời gian diễn ra cái gọi là “lệnh cấm” của Trung Quốc, đã xảy ra một số cuộc đối đầu giữa chính quyền Trung Quốc và ngư dân Việt Nam. Đầu tháng 6, một tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Một vụ việc khác diễn ra vào tháng 7, khi đó video cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu ngư dân Việt Nam.

Nguy cơ tiếp tục xảy ra xung đột ở Biển Đông

Việc kết thúc lệnh cấm không có nghĩa là chấm dứt các vụ đụng độ ở Biển Đông. Một số học giả Việt Nam nói với BenarNews rằng khả năng xung đột giữa ngư dân các nước quanh Biển Đông sẽ còn tăng cao.

Trung Quốc nổi tiếng thường cử các tàu bán quân sự và lực lượng hải cảnh đi hỗ trợ các đội tàu đánh cá của nước này tại các vùng biển tranh chấp hoặc thậm chí trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Bà Trang Phạm, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu không có một số thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam về việc chia sẻ quyền đánh bắt trong vùng biển tranh chấp, thì xung đột là điều không thể tránh khỏi khi các tàu chen lấn nhau ở các ngư trường chủ yếu.

“Điều này đặt ngư dân Việt Nam vào tình thế khó khăn khi họ cần [di chuyển] trang thiết bị để bảo vệ mình khỏi hành vi hung hãn của hải cảnh Trung Quốc, lực lượng vốn hộ tống ngư dân Trung Quốc, đồng thời phải cạnh tranh với số lượng áp đảo từ các tàu ngư dân Trung Quốc trong khu vực này”, bà Trang nói.

“Những ngư dân này không giàu có, họ chỉ cố gắng sinh tồn qua ngày, vì vậy khi họ trở nên tuyệt vọng, họ có thể phản ứng khủng khiếp. Đó là lý do tại sao chính phủ cần sớm giải quyết tranh chấp để ít nhất cũng đảm bảo tính mạng cho chính ngư dân của mình”.