Các trung tâm theo dõi của châu Âu và Hoa Kỳ cho biết xác tên lửa lớn nhất Trung Quốc dự kiến sẽ lao trở lại bầu khí quyển Trái đất vào cuối thứ Bảy (8/5) hoặc đầu Chủ nhật (9/5).

Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã phóng ra khỏi Trái đất vào ngày 28/4. Tên lửa này đẩy mô đun Thiên Hà cho Trạm Vũ trụ Trung Quốc.

Các tên lửa đẩy thông thường được thiết kế không vào quỹ đạo, mà sẽ rơi xuống Trái đất tới một địa điểm an toàn được xác định trước. Tuy nhiên, tên lửa Trung Quốc chưa đạt tới kỹ thuật này. Nó chuẩn bị rớt xuống Trái đất trong tình trạng “mất kiểm soát”; không biết nó sẽ rơi khi nào và xuống đâu.

Tên lửa 21 tấn này sẽ nổ tung thành các mảnh vỡ khi tiếp xúc với bầu khí quyển. Các mảnh vỡ của nó có thể rớt xuống một phạm vi rất rộng.

Tên lửa Trung Quốc rơi xuống lúc mấy giờ?

Theo Reuters, Cơ quan Giám sát và Theo dõi Không gian của Liên minh Châu Âu (EU SST) dự đoán thời gian trở về Trái đất của tên lửa Trường Chinh 5B là dao động trong phạm vi 139 phút trước hoặc sau thời điểm 02 giờ 32 phút, giờ GMT vào Chủ nhật (9/5); tức 09 giờ 32 phút sáng Chủ nhật theo giờ Việt Nam.

Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ hôm thứ Bảy dự đoán tên lửa sẽ trở lại Trái đất vào lúc 02 giờ 04 phút, giờ GMT hôm Chủ nhật; sai số cộng trừ 1 giờ. Tức là, nó có thể đáp xuống khí quyển Trái đất vào thời điểm nào đó trong phạm vi 1 tiếng trước hoặc sau lúc 9 giờ 4 phút sáng nay theo giờ Việt Nam.

Trong khi đó, còn có một dự đoán khác của Trung tâm Nghiên cứu Mảnh vỡ và Tái nhập quỹ đạo (CORDS) tại Aerospace Corporation, một cơ quan nghiên cứu và phát triển không gian được tài trợ bởi chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Trung tâm này cho rằng tên lửa Trung Quốc sẽ trở lại Trái đất trong khoảng thời gian dao động từ 4 tiếng trước hoặc sau 03 giờ 30, giờ GMT hôm Chủ nhật. Tức là từ khoảng 6 giờ đến 14 giờ hôm Chủ nhật, theo giờ Việt Nam.

Giới chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo các mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho hoạt động hàng không và dân cư trên địa cầu. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/5 cam đoan, nguy cơ gây ra thiệt hại là “cực kỳ thấp”.

Lo bị mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rớt trúng, chính quyền bắc Sudan đã lập một ủy ban ứng phó khẩn cấp nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Năm ngoái, tên lửa Trường Chinh đầu tiên của Trung Quốc cũng rơi xuống Trái đất trong tình trạng “mất kiểm soát”. Các mảnh vỡ của tên lửa rải khắp khu vực Đại Tây Dương và một phần ở miền tây châu Phi, theo SpaceNews.