Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã giải thích về một số tình tiết liên quan lĩnh vực y khoa trong phim ‘Bố già’ bị khán giả nhìn nhận là phi logic.
- Giọng ca vang danh một thời Trang Thanh Xuân bán vé số dạo mưu sinh
- Thương Tín được tặng ôtô, lái xe về quê dưỡng bệnh
Theo báo Vienamnet, bên cạnh thành công làm lay động, chạm đến cảm xúc người xem, Bố già gặp một số thắc mắc của khán giả về các thông tin y khoa được sử dụng trong phim. Đó là cảnh như nhân vật Ba Sang bị phát hiện suy thận giai đoạn cuối và buộc phải ghép thận. Lúc đầu ông không đồng ý cho con trai hiến thận vì có thể nguy hiểm tính mạng do bị bệnh tim nhưng cuối cùng, hai người cũng thực hiện ca phẫu thuật; hay một lời thoại của diễn viên dẫn lời của bác sĩ trước ca mổ ghép thận bệnh nhân không được uống nước; hoặc chuẩn bị mổ ghép thận mà bệnh nhân lại nằm ngửa…
Lý giải về những thắc mắc này với phóng viên, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết: ‘Lúc Trấn Thành nói rằng nhân vật của Trấn Thành chuẩn bị ghép thận nên không được uống nước, nhưng tôi nói cha của tôi bị suy thận, từng chạy thận và cha vẫn uống nước bình thường. Tuy nhiên khi nói chuyện với cô bán nước sâm mà mỗi ngày tôi mua cho đoàn phim, cô bảo mẹ của mình cũng bị thận và cũng không được uống nước.
Nên khi làm phim, Trấn Thành cũng đã nghiên cứu rất nhiều trường hợp những người bị bệnh thận và không được ăn mặn. Cha tôi thì được ăn mặn bình thường, chỉ có điều một tuần phải chạy thận 3 lần. Thông tin trên phim cũng tùy theo những trường hợp khác nhau, không phải ai cũng giống nhau hết’.
Hai luồng ý kiến
Cũng như các bộ phim ăn khách khác, Bố già được đem ra bình luận và soi xét ở nhiều góc độ, chi tiết. Về các tình tiết y khoa trong phim, hiện có hai luồng ý kiến trái chiều.
Có một luồng ý kiến cho rằng, vì để Bố già có cao trào, nên nhà làm phim đã dễ dãi trong một số chi tiết, từ đó làm ảnh hưởng đến nghành y. Đơn cử, trong một bài viết đăng trên báo Phụ nữ TP. HCM, tác giả Gia Ngọc cho rằng, bộ phim hướng đến cái kết người cha tử vong sau ca phẫu thuật ghép tạng không đại diện cho ngành ghép tạng thực tế ở Việt Nam. Tác giả cho rằng ‘nhà làm phim hoặc đã thiếu hiểu biết, hoặc cố tình làm lệch hình ảnh của ngành y’.
Ở luồng ý kiến thứ 2, nhiều người cho rằng, một tác phẩm điện ảnh không thể nhìn bằng lăng kính quá khắt khe về chuyên môn của người làm ngành Y. Thay vào đó, người xem nên đón nhận tính tích cực – nhân văn chủ đạo của bộ phim.
Trong bài viết ‘Các bác sĩ hãy thông cảm cho phim ‘Bố già’’ đăng trên Vietnamnet có đoạn: ‘Nhiều người cho rằng đây không phải là một bộ phim tài liệu nên không nhất thiết phải quá chuẩn chỉnh về y học, hơn nữa nhân vật và nội dung trong phim đều là hư cấu’. Hoặc:‘Ý kiến cá nhân tôi trong tình hình điện ảnh Việt xập xệ, phim ảnh nội dung nhàm chán, thì Bố già là bộ phim đáng xem. Hãy hoan nghênh tinh thần sáng tạo của Trấn Thành và ê kíp làm phim’.
Cũng có người góp ý bao dung: ‘Nếu như có làm phim sau, Trấn Thành nên chỉn chu hơn để khán giả không còn bắt bẻ được nữa’.