Các vụ nổ tại các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên tại Mỹ đã làm gián đoạn đáng kể lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, trong bối cảnh Nga đang dần siết chặt nguồn cung khí đốt lên toàn châu Âu.

Cơ sở khí đốt tự nhiên hàng đầu của Mỹ bị cháy nổ

Một trong những nhà cung cấp dịch vụ khí đốt tự nhiên hàng đầu của Mỹ là tập đoàn ONEOK ở Oklahoma,  đã phát nổ và hư hại nghiêm trọng. Sự cố này gây lo ngại có thể làm gián đoạn dòng chảy khí đốt đến các trung tâm xuất khẩu năng lượng trên Bờ Vịnh Texas. 

Các sản phẩm khí lỏng tự nhiên (NGL) mà ONEOK xử lý hiện đang được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ. Nhà máy phân đoạn này thực hiện công đoạn tách các NGL thành các sản phẩm NGL khác nhau, bao gồm etan, propan, butan và khí tự nhiên.

Kể từ đầu tháng 6, đã có ít nhất 4 cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên khác nhau ở Mỹ, đã phát nổ hoặc bốc cháy, bao gồm: 

  • Vụ nổ cơ sở Freeport ở Texas vào ngày 8/6 
  • Vụ nổ nhà máy lọc dầu Petro Star ở Arkansas vào ngày 27/6 
  • Vụ nổ đường ống Chuyển giao Năng lượng ở Texas vào ngày 7/7
  • Vụ nổ cơ sở khí đốt Oneok tại Oklahoma vào ngày 10/7

Nga lập kỷ lục về cung cấp dầu cho Trung Đông

Theo Bloomberg, Nga hiện đang cung cấp cho Trung Đông với mức kỷ lục 155 nghìn thùng dầu/mỗi ngày sau khi bị châu Âu tẩy chay. 

Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Trung Đông từ Nga là dầu nhiên liệu diesel và xăng. Hơn 1/3 lô hàng nhiên liệu diesel đến từ trung tâm lưu trữ và kinh doanh dầu ở Fujairah của Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Khối lượng cung cấp đã tăng đều kể từ ngày 24/2 và đạt mức 155 nghìn thùng/ngày vào tháng 6, mức kỷ lục kể từ năm 2016. Nhập khẩu nhiên liệu của Nga từ châu Âu đã giảm 30% trong tháng Sáu.

Dự kiến nhập khẩu Trung Đông từ Nga sẽ sớm vượt qua kỷ lục trong tháng 6, với lượng giao hàng vượt quá 220.000 thùng/ngày trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 11/7.

Trước đó, Reuters đưa tin, dẫn lời trợ lý kinh tế Jörg Kukis của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, rằng Đức sẽ ngừng nhập khẩu than từ Nga vào ngày 1/8, và từ ngày 31/12, nước này sẽ từ chối dầu của Nga.

Hiểm họa với châu Âu khi Nga cắt hoàn toàn khí đốt

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo rằng, châu Âu nên tự chủ năng lượng, bằng cách ngừng nhập khẩu hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga. 

Tại Hội nghị kinh tế Rencontres Economiques vừa qua, ông Le Maire đã kêu gọi những người đồng cấp châu Âu ngay lập tức tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế trước những gì ông nói sẽ là một tình huống thảm khốc ở châu Âu. 

Le Maire cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ lan rộng, và không quốc gia châu Âu nào nên xem nhẹ những lời đe dọa của Nga. Ông nói: “Chúng ta hãy chuẩn bị cho việc Nga cắt giảm hoàn toàn khí đốt, tình huống này nhiều khả năng có thể trở thành hiện thực”.

Tuần này, Canada đã miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với việc sửa chữa các thiết bị tua bin của Nga lắp đặt cho đường ống Nord Stream 1 theo yêu cầu của Đức. 

Đức đã ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng vào giữa tháng 6 sau khi Nga cắt giảm 60% nguồn cung cấp năng lượng tại nước này, với lý do các công ty của Đức và Canada có sự chậm trễ trong công tác bảo trì tuabin. 

Không “sợ” Nga, Lithuania tiếp tục mở rộng các hạn chế thương mại

Lithuania đã mở rộng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động thương mại qua lãnh thổ nước này tới vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.

Theo đó, các mặt hàng bị cấm kể từ ngày 11/7 bao gồm bê tông, gỗ, cồn và hóa chất công nghiệp có cồn.

Vilnius hồi tháng 6 tuyên bố cấm vận chuyển các loại hàng hóa của Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) qua lãnh thổ Lithuania.

Các lệnh hạn chế sẽ ảnh hưởng đến khoảng 50% lưu lượng hàng hóa giữa Nga và vùng lãnh thổ hải ngoại. Vilnius và EU khẳng định, điều này không đến mức phong tỏa mà chỉ là một biện pháp thực thi các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.

Tuy nhiên, Moscow đã gọi động thái của Vilnius là “phong tỏa kinh tế”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, quyết định này là chưa từng có tiền lệ, đồng thời cho rằng đây là hành vi vi phạm.

Nga đáp trả bằng cách đe dọa cắt đứt mọi hoạt động thương mại với các nước Baltic và các biện pháp không xác định khác. Thực phẩm và thuốc vẫn được phép, cũng như vận tải hành khách bằng đường biển hoặc đường hàng không.

Có thể bạn quan tâm: