Trong khi Mỹ và EU áp dụng các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga, các chuyên gia Mỹ cũng cảnh báo về tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Ukraine lên nền kinh tế Mỹ. Một tiết lộ bất ngờ về việc EU đã chi hàng tỷ Euro để mua khí đốt của Nga trong khi các nước phương Tây chỉ trích Ấn Độ, một quốc gia cũng nhập dầu từ Nga. Điều này khiến các nước phương Tây đối diện với cáo buộc dối trá và đạo đức giả.

Kinh tế Mỹ trước cuộc khủng hoảng Ukraine

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá dầu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Căng thẳng địa chính trị gia tăng, Mỹ đã đưa ra các hàng loạt các lệnh trừng phạt đối với Nga, khiến giá khí đốt cũng tiếp tục bị đẩy lên cao.

Các nhà phân tích Phố Wall cảnh báo tác động kinh tế còn có thể vượt ra ngoài xu hướng của giá xăng dầu. Các biện pháp trừng phạt hoặc kiểm soát xuất khẩu đối với Nga có thể khiến tình trạng thiếu chất bán dẫn hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn, trong khi các hạn chế đối với lúa mì hoặc kim loại có thể khiến đợt lạm phát khốc liệt nhất trong nhiều thập niên lên cao hơn nữa.  

Chúng ta biết rằng, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn, chiếm khoảng 12% nguồn cung của thế giới. Các chuyên gia cho biết, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những mặt hàng xuất khẩu đó đều có thể khoét thêm lỗ thủng trong túi tiền của người tiêu dùng. 

Về vấn đề này, CBS đã trích dẫn ý kiến của ông Patrick DeHaan, người đứng đầu bộ phận phân tích dầu khí tại GasBuddy. Ông nói: Nga có thể trả đũa bằng cách ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên. Điều đó sẽ gây áp lực lên giá xăng và khí đốt tự nhiên ở Mỹ, vốn đã tăng vọt trong năm nay. Và tất nhiên, Nga đã làm điều đó. 

Ông Patrick cho biết thêm: “Nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào năng lượng toàn cầu. Làm thế nào thế giới trừng phạt nền kinh tế Nga mà họ lại yêu cầu Nga xuất khẩu thêm năng lượng? Nếu nền kinh tế Nga đang đi xuống, họ sẽ kéo theo nền kinh tế toàn cầu.”

Phái đoàn đàm phán Nga (phải) và Ukraine gặp nhau ngày 7/3 (ảnh chụp màn hình AP).

Mặt khác, cả Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp nông sản lớn, đưa lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác đến Trung Á và Trung Đông. Sự gián đoạn hàng hóa có thể khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao hơn, gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ.

Ngoài ra, Nga cũng sản xuất dưới một nửa paladi trên thế giới cùng với đó các nguyên liệu có tỷ trọng nhỏ hơn là bạch kim và niken – những nguyên tố quan trọng trong các vi mạch phức tạp được sử dụng trong mọi thứ từ đồng hồ đo điện đến những chiếc BMW. Nga cũng là nước sản xuất nhôm lớn.

Khi trừng phạt nhằm vào Nga, nó sẽ khiến giá cả các kim loại này bị cao lên, gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này khiến người tiêu dùng Hoa Kỳ phải chờ đợi lâu đối với hàng hóa như ô tô, đồ điện tử và đồ nội thất và họ phải chi trả số tiền rất cao. Các chuyên gia chỉ ra rằng căng thẳng gia tăng là một yếu tố có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề vốn đã có từ lâu này.

Không chỉ vậy, Ukraine là nhà sản xuất uranium hàng đầu châu Âu và có trữ lượng lớn titan, mangan, sắt và thủy ngân. Cho nên cuộc khủng hoảng ở Ukraine một lần nữa là một thách thức đối với Nhà Trắng, tiếp tục chấp nhận đáp ứng lợi nhuận cho các nhà sản xuất quốc phòng hay phải đối mặt với sự suy thoái của nền kinh tế và sự phẫn nộ của người dân Mỹ khi lạm phát tiếp tục tăng cao?

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin là "tội phạm chiến tranh" vì xâm lược Ukraine (ảnh: Wikimedia Commons).
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh” vì xâm lược Ukraine (ảnh: Wikimedia Commons).

Như vậy có thể thấy, lệnh trừng phạt đối với Nga không chỉ tổn hại riêng đối với Nga; mà nó còn có sức ảnh hưởng lớn đối với chính nền kinh tế Mỹ và sức khỏe kinh tế toàn cầu. 

Trong cuộc chiến kinh tế với Nga, Mỹ và EU cùng chiến tuyến. Tuy nhiên, sau hàng loạt các lệnh trừng phạt, EU nhận ra rằng, mình mất nhiều hơn được và Mỹ không thể giải quyết được vấn đề mà EU đang phải đối mặt. Cho nên EU đã có động thái tách khỏi người Mỹ. 

EU hồi sức kinh tế Nga bằng 15 tỷ euro

Ngày 18/3, phóng viên cao cấp  Karl Mathiesen của tờ POLITICO Europe đã tweet rằng: Các khoản thanh toán của EU cho than, dầu và khí đốt của Nga kể từ ngày đầu tiên trong cuộc chiến ở Ukraine đã lên tới hơn 15 tỷ euro. Khoản tiền này bị so sánh một cách trớ trêu là khoản “cứu trợ” khổng lồ dành cho Nga trong bối cảnh Moscow bị thế giới trừng phạt.

Trong khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây yêu cầu phần còn lại của thế giới hãy tẩy chay Moscow, nhưng EU lại là một người chơi có đặc quyền, vì họ vẫn có thể mua năng lượng của Nga trị giá hơn 15 tỷ euro.

Ít nhất 75% năng lượng xuất khẩu của Nga đến thẳng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) châu Âu. Các quốc gia như Đức, Pháp và Ý làm ​​cho ngành năng lượng của Nga trở nên thực sự mạnh mẽ. 

Các nước châu Âu khác như Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Lithuania và Romania cũng nhập khẩu một lượng lớn dầu thô của Nga. 

Và khi Nga tấn công Ukraine, các cường quốc châu Âu lập tức thấy rằng, an ninh năng lượng của mình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cuộc chiến kinh tế do Mỹ phát động nhắm vào Nga. Cho nên họ đã đưa ra quan điểm phải vận động hành lang cứng rắn nhưng vẫn cần đảm bảo rằng dầu và khí đốt tự nhiên của Nga được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt. Đáng chú ý, các ngân hàng Nga, vốn là kênh thanh toán chính của EU đối với các giao dịch nhập khẩu năng lượng từ Nga, cũng không bị loại khỏi SWIFT. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin được mất gì tại Ukraine (ảnh: Wikimedia Commons).
Tổng thống Nga Vladimir Putin được mất gì tại Ukraine (ảnh: Wikimedia Commons).

Vì vậy, không có gì phải nghi ngờ về một thực tế cơ bản – Châu Âu đã biến ngành công nghiệp dầu mỏ và năng lượng của Nga trở thành một nhân tố lớn trong trật tự quốc tế hiện nay. Và trong cuộc chiến này, rõ ràng EU không thể từ bỏ lợi ích của mình để đứng chung với Mỹ trong việc phát động lệnh trừng phạt toàn bộ Nga. 

Và cuộc chơi càng kéo dài thì EU càng tổn thất. Cho nên bề mặt EU có những động thái tưởng chừng như phản đối Nga kịch liệt. Nhưng có một góc khuất là họ lại ngấm ngầm đặc cách cho việc mua khí đốt tự nhiên từ Nga.

Điều đáng nói là EU và Mỹ lại đang để mắt tới Ấn Độ, một quốc gia nhập khẩu dầu Nga. 

Phương Tây và cáo buộc ‘đạo đức giả’

Trên thực tế, Ấn Độ không nhập khẩu nhiều năng lượng của Nga. Theo Thời báo Ấn Độ, nước này nhập khẩu 43.400 thùng dầu / ngày từ Nga vào năm 2021, chiếm khoảng 1% tổng lượng nhập khẩu. Đồng nghĩa với việc Nga chỉ là nhà cung cấp dầu thô cận biên cho Ấn Độ và đóng góp ít hơn 1% tổng nhu cầu năng lượng của Ấn Độ. 

Nếu đem so sánh với con số nhập khẩu năng lượng của Châu Âu từ Nga, thì con số  này không đáng phải bận tâm. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã đồng loạt lên án chỉ trích Ấn Độ, họ cho rằng, Ấn Độ đang tiếp tay cho Nga. Và các nước phương Tây cũng lên án mạnh mẽ các quốc gia mua dầu của Nga, họ rao giảng rằng, đó là dầu nhuốm máu của Ukraine. Tuy nhiên, các đồng minh NATO của Mỹ đang nhập ngày càng nhiều khí đốt của Nga kể từ khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine. Tờ News 18 đã thống kê rằng: tổng cộng có 40% khí đốt tự nhiên, 34% dầu mỏ và 45% than đá ở Châu Âu đến từ Nga. Thêm vào đó là sự phụ thuộc từ 50-75% của Đức vào khí đốt của Nga.

Vậy từ quan điểm này, thì ai mới thực sự đang tiếp tay cho Nga? Và việc phương Tây chỉ trích Ấn Độ phải được giải thích như thế nào?

Một vấn đề nữa mà chúng ta cần đề cập tới, đó là trong cuộc khủng hoảng Ukraine, EU phải đối mặt với làn sóng tị nạn vô cùng lớn. Trong khi kinh tế EU đang ở thời kỳ thắt lưng buộc bụng do ảnh hưởng của dịch bệnh, giờ đây họ phải đối mặt với làn sóng hàng triệu người tị nạn đang tràn vào Châu Âu. EU phải gồng gánh thêm một lượng dân tị nạn khổng lồ, trong khi Mỹ mới chỉ tiếp nhận vài trăm người Ukraine

Điều này có thể gây chia rẽ mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước châu Âu, trong bối cảnh cuộc chiến của Nga tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.