41 nhân viên và 17 bệnh nhân của BV Phụ sản Trung ương là F2; Nhân viên khách sạn tại Yên Bái nhiễm biến chủng B.1.617 từ Ấn Độ; Tỷ phú lọt top 50 người giàu nhất: 5 năm đi 1 đôi giày, dậy lúc 3h30 và chi tiêu hạn chế cho con… là những tin nổi bật của bản tin ngày 1/5/2021.
Dưới đây là các thông tin chi tiết:
Tóm tắt nội dung
41 nhân viên và 17 bệnh nhân của BV Phụ sản Trung ương là F2
Theo VTC News, UBND TP HN cho biết 41 nhân viên và 17 bệnh nhân của BV Phụ sản Trung ương là F2 của BN2928 do đã tiếp xúc với F1 của ca này. BN2928 là công nhân của KCN Thăng Long, F1 của ca này hiện đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản trung ương. Toàn bộ 58 F2 này đã được theo dõi và cách ly tại chỗ. Ca F1 đã được đưa về cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an Thành phố HN.
Nhân viên khách sạn tại Yên Bái nhiễm biến chủng B.1.617 từ Ấn Độ
Ngày 30/4, Bộ Y tế thông báo nhân viên khách sạn tại Yên Bái có tiếp xúc trực tiếp với chuyên gia Ấn Độ đã nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 B.1.617 từ Ấn Độ. Chủng B.1.617 nguy hiểm hơn các chủng khác. Đặc biệt, nó có đột biến kép ở đoạn protein S nên có khả năng lây lan nhanh hơn, thậm chí nhanh hơn là biến chủng B.1.1.7 được ghi nhận tại Anh.
Vi phạm giao thông, người phụ nữ giả danh công an, liên tục chửi, đánh và cắn công an
Theo Tuổi trẻ, vào tối 30/4, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết tổ cảnh sát trật tự Công an phường Giáp Bát phát hiện một người phụ nữ lái xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tổ yêu cầu dừng xe để kiểm tra hành chính, người phụ nữ này liên tục chửi, đánh và cắn công an. Đồng thời còn xưng là cán bộ Công an phường Minh Khai.
Tổ công tác đã khống chế, đưa người này về trụ sở. Thông tin ban đầu là người này có tên Lê Nhật Anh (30 tuổi, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai). Hiện hồ sơ đã đang hoàn thiện.
Trung Quốc xịt vòi rồng thẳng vào tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa
Trang Facebook của RFA Tiếng Việt ngày 27/4/2021 đăng tải các đoạn video được ngư dân tỉnh Quảng Ngãi quay tại nhiều thời điểm. Theo đó, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã xịt vòi rồng thẳng vào tàu cá của ngư dân Việt Nam ở gần đá Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa- thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trong 5 tháng tới ở Biển Đông
Ngày 27/4, Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ hải cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn “đối với các khu vực ven biển của Trung Quốc nhằm đảm bảo thực thi pháp luật trong lệnh cấm đánh bắt mùa hè, bắt đầu từ 1/5 đến 16/9”.
Ngày 29/4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết: “Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC, trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Tỷ phú lọt top 50 người giàu nhất: 5 năm đi 1 đôi giày, dậy lúc 3h30 và chi tiêu hạn chế cho con
Theo Business Daily Africa, ông Narendra Raval, người Kenya gốc Ấn Độ nằm trong top 50 người giàu nhất châu Phi. Ông kinh doanh trong lĩnh vực thép, xi măng. Ông sở hữu khối tài sản khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, ông chỉ có một đôi giày trị giá 60 USD (khoảng 1,4 triệu đồng), một chiếc điện thoại “cục gạch”, 6 chiếc cà vạt và 4 bộ quần áo. Ông thậm chí không có thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ.
Ông cho biết: “Tiền của tôi không phải là những gì tôi có trong ngân hàng. Tiền của tôi là 6.500 người làm việc cho tôi, là ôxy mà các bệnh nhân trong bệnh viên đang thở do chúng tôi quyên góp, là thức ăn trên đĩa của trẻ em nghèo. Đó là sự giàu có của tôi, không phải những gì tôi chi tiêu cho bản thân, công ty hay gia đình”. Tiền của ông đều dành cho các hoạt động từ thiện.
Ấn độ tiếp tục phá kỷ lục thế giới trong ngày vì Covid-19
Theo Reuters, Ấn Độ hôm qua có thêm 385.000 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ và gần 3500 người chết, tiếp tục phá mức kỷ lục thế giới. Ấn Độ đang đối mặt với cơn khủng hoảng vắc xin. Là quốc gia sản xuất vắc xin nhiều nhất thế giới, nhưng Ấn Độ giờ đây không đủ vắc xin để đối phó với làn sóng dịch lần này. Một số bang hôm qua xác nhận không còn vắc xin Covid-19 để tiêm theo lịch trình của chính phủ.
Hiện hơn 350 nhà khoa học Ấn Độ viết thư kêu gọi Thủ tướng Modi công khai dữ liệu vi rút nếu muốn thay đổi làn sóng chết chóc ở nước này.
Xem thêm: Mời quý vị xem video bản tin ngày 1/5/2021