Cựu cục phó Trần Hùng: ‘Chẳng ai có thể mua chuộc được tôi’; Trụ sở Chi cục thuế hơn 20 tỷ đồng ‘để không’ gây lãng phí… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 20/7/2023.

Cựu cục phó Trần Hùng: ‘Chẳng ai có thể mua chuộc được tôi’

Chiều 19/7, ông Trần Hùng, 61 tuổi, là người cuối cùng bị xét hỏi trong vụ sản xuất 27.000 sách giáo khoa giả, với cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng để bao che cho doanh nghiệp sai phạm.

Mở đầu phần trả lời thẩm vấn, ông Hùng nói “vô cùng ngạc nhiên khi bị vu khống”, trong khi không có mâu thuẫn.

“Không mâu thuẫn gì, sao họ lại khai bị cáo nhận 300 triệu đồng?”, chủ tọa ngắt lời. Ông Hùng đáp do “người đang mắc tội nhưng lại muốn thoát tội nên mới vu khống, bịa đặt”.

Ông Hùng khai thời điểm bị bắt đang là Tổ trưởng 304 thuộc Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, Bộ Công Thương. Ông có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, chỉ đạo các cục nghiệp vụ triển khai các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Sáng 8/7/2020, ông Hùng trực tiếp nhận nguồn tin từ NXB Giáo dục Việt Nam đề nghị kiểm tra đột xuất một kho hàng nghi có nhiều sách giả. Sau khi trực tiếp cùng đi kiểm tra, ông Hùng chỉ đạo Cục quản lý thị trường Hà Nội cùng Đội Quản lý thị trường số 17 vào cuộc xử lý.

Kết quả, hơn 27.000 quyển sách giáo khoa giả được phát hiện tại Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc.

“Khi phát hiện thông tin về sách giả, sao bị cáo không báo cáo cấp trên?”, chủ tọa hỏi. Ông Hùng cho rằng “tất cả phải làm bí mật, tuyệt đối bí mật, bởi lộ ra là hỏng”. Hơn nữa, ông còn dặn khi nào bắt quả tang mới kiểm tra và báo cáo triển khai tiếp.

Ông Hùng khai ngay buổi chiều hôm kiểm tra, Giám đốc Thuận đã tiếp cận để “xin xỏ” nhưng ngay lập tức bị từ chối. “Tôi nói luôn là không xin được”, cựu cục phó khai.

Đến sáng 13/7/2020, ông Hùng được bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) liên hệ để xin chỉ đạo xử lý nhẹ. “Tôi nói thẳng với Hải là Thuận cũng gọi rồi, nhưng không xin được. Tôi còn bảo Hải, cứ dặn Thuận có gì khai đấy, đúng theo quy định pháp luật mà làm. Bởi thế Hải mới là người chạy án, bao che cho Thuận”, ông Hùng đang định trình bày tiếp thì chủ tọa ngắt lời, nhắc “hỏi đến đâu trả lời đến đấy”. Trong hơn 30 phút xét hỏi, chủ tọa hơn 10 lần nhắc ông Hùng như vậy.

“Bị cáo không đồng ý thì tại sao ngày 15/7 Hải lại mang tiền đến”, HĐXX truy vấn. Cựu cục phó quản lý thị trường khai Hải tự đến chứ “không mời”. Tại phòng làm việc lúc đó còn có hai người khác, Hải nói Thuận biếu tổ công tác mấy trăm triệu.

“Tôi chỉ thẳng tay vào mặt Hải mắng luôn, mày định hối lộ tao à, có muốn báo công an không… Sau đó, tôi đuổi Hải ra khỏi phòng làm việc”, ông Hùng nói lớn giọng và cho hay “suốt 10 năm công tác, không ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi”.

Cuối phần xét hỏi, ông khẳng định “bị oan”, cả kết luận điều tra và cáo trạng truy tố ông đều sai sự thật. Ông lẽ ra cần được biểu dương thành tích chống hàng giả chứ không phải bị xử lý như bây giờ. “Chẳng ai có thể mua chuộc được tôi cả”, lần thứ hai ông Hùng nhắc lại câu này.

Đối chất sau đó, bị cáo Hải phản bác lời khai của ông Hùng. Hải cho hay sáng 14/7/2020, Hải gặp ông Trần Hùng cùng hai người khác ở quán cà phê trên đường Nguyễn Xí. Tại đây, Hải đặt vấn đề “Thuận xin bỏ qua vụ việc và sẽ gửi 400 triệu đồng cảm ơn”.

“Lúc đó anh Hùng còn cười rất to, sảng khoái và vỗ mạnh vào đùi nói: Chúng mày đã thấy bọn nhà sách giàu chưa. Hơn nữa, anh Hùng đồng ý và hẹn thì bị cáo mới cầm tiền lên tận phòng, chứ không phải tự ý lên”, Hải khai trước toà (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Trụ sở Chi cục thuế hơn 20 tỷ đồng ‘để không’ gây lãng phí

Năm 2015, trụ sở Chi cục Thuế huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đóng tại Trung tâm huyện lỵ mới Quảng Trạch – địa bàn thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương – được đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư 20,9 tỷ đồng; trên khuôn viên đất rộng hơn 4.500 m2.

trụ sở
Ảnh chụp màn hình trên báo Người Lao Động.

Tháng 10/2018, trụ sở Chi cục Thuế huyện Quảng Trạch được bàn giao và đưa vào sử dụng với dãy nhà công vụ 4 tầng trên diện tích 2.200m2 với quy mô hiện đại, bề thế. Trong đó, ngoài dãy nhà công vụ uy nghi thì còn nhà để xe, khuôn viên sân vườn và hệ thống tường rào bao quanh rất khang trang.

Tuy nhiên, chỉ sử dụng chưa đầy 1 năm thì Tổng cục Thuế có chủ trương tái sáp nhập 2 đơn vị Chi cục Thuế huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn thành Chi cục Thuế khu vực Quảng Trạch – Ba Đồn.

Tháng 8/2019, Cục thuế tỉnh Quảng Bình đã sắp xếp, bố trí cán bộ chuyển địa điểm về làm việc mới tại trụ sở ở phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn. Từ đó, trụ sở Chi cục Thuế huyện Quảng Trạch rơi vào cảnh “cửa đóng then cài” và được gọi với cái tên là “Bộ phận một cửa”.

Chi cục Thuế khu vực Quảng Trạch – Ba Đồn chỉ duy trì Bộ phận một cửa và sắp xếp lác đác 2-3 cán bộ đến trực và làm việc tại tầng 1, các phòng còn lại đóng cửa im lìm gây nên cảnh đìu hiu, trống trải trên dãy nhà công vụ khang trang, hoành tráng.

Thấy lãng phí nên vào tháng 9/2021, UBND huyện Quảng Trạch đã mượn trụ sở này làm Khu cách ly y tế tập trung cho người dân trở về quê hương thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Đến khi huyện trả lại, thì trụ sở đầu tư hơn 20 tỷ đồng “để không” một thời gian dài và trở nên vắng hoe, khiến ai chứng kiến cũng trầm trồ tiếc nuối (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).

Sóng lớn đánh chìm tàu cá, 2 ngư dân Bình Định mất tích

Tối 19/7, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Định cho biết, Sở đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn điều tàu SAR 413 (trực tại Côn Đảo) đi hỗ trợ tìm kiếm 2 ngư dân mất tích tại vùng biển cách mũi Vũng Tàu khoảng 237 hải lý về hướng đông nam. Đây là 2 ngư dân làm việc trên tàu cá BĐ 30947 TS.

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Quốc gia Ưng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chủ tàu cá BĐ 30947 TS là ông Trần Phi ở xã Cát Minh (Phù Cát, Bình Định), thuyền trưởng là ông Trần Bình Trọng ở cùng địa phương. Tàu dài 13,5m, công suất 35CV, trên tàu có 6 thuyền viên.

Khoảng 6h ngày 19/7, tàu BĐ 30947 đang câu mực tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 145 hải lý, cách mũi Vũng Tàu khoảng 237 hải lý về hướng đông nam thì bị sóng to gió lớn đánh chìm. Trong số thuyền viên, 4 người được các tàu hàng cứu (trong đó tàu Royal Diamond 7 cứu 3 người và tàu CMA CGM Georg Foster cứu 1 người), còn 2 thuyền viên vẫn mất tích (đọc toàn bản tin trên báo VTC News).

Một công ty yến sào ở Bình Thạnh xuất hóa đơn 34.000 tỷ trong 7 ngày

Thông tin gây sốc này vừa được ông Đặng Khắc Phúc, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, TP. HCM tiết lộ.

Ông Phúc cho biết quý 2 vừa qua, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã tập trung rà soát hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn quận, sau gần một năm chính thức sử dụng hóa đơn điện tử.

Nhất là sau vụ 524 doanh nghiệp trong đường dây mua bán hóa đơn mà Công an Phú Thọ phát hiện.

Qua rà soát cho thấy một công ty yến sào xuất hóa đơn giá trị 34.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD) chỉ trong vòng 7 ngày. Để ra số doanh thu khổng lồ này, doanh nghiệp đã xuất hóa đơn cả ngày lẫn đêm.

“Khi kiểm tra, ngành thuế phát hiện chỉ có 40 triệu đồng hóa đơn kinh doanh yến, còn lại là hóa đơn xuất vào thị trường chứng khoán và công ty đã báo cáo về Cục Thuế TP. HCM và gửi văn bản hỏi công ty chứng khoán”, ông Phúc cho biết (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ Online).

Có thể bạn quan tâm: