TP. HCM phát hiện chuỗi lây nhiễm mới với 28 ca mắc, cần có vaccine vượt trội về chất lượng bởi “hiện nay có loại vaccine đã bộc lộ sự lạc hậu về tác dụng so với biến chủng mới”; Hà Nội thu hồi công văn dân ‘tự chi trả’ chi phí tiêm vắc xin ngừa COVID-19; Chặn biến thể virus Ấn Độ, Quảng Châu xét nghiệm 18 triệu dân trong 3 ngày ..là những tin nổi bật của bản tin ngày 11/6/2021.
Dưới đây là thông tin chi tiết:
Tóm tắt nội dung
TP. HCM phát hiện chuỗi lây nhiễm mới với 28 ca mắc Covid-19
Theo VOV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, một chuỗi lây nhiễm mới với 28 bệnh nhân. Đáng lưu ý là chuỗi lây nhiễm này được phát hiện khi các bệnh nhân đi khám bệnh ở 3 bệnh viện khác nhau do có triệu chứng sốt ho, nhưng đều cùng một ổ dịch. Trong 3 bệnh nhân gốc của chuỗi lây nhiễm này có 2 người làm việc tại xưởng cơ khí Tuấn Tú tại Hóc Môn, 1 người làm ở khách sạn ở Tân Bình.
Trước tình hình dịch bệnh lan nhanh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc tại Học Viện Quân Y, nơi nghiên cứu sản xuất vắc xin của Việt Nam. Ông nhấn mạnh cần có vaccine vượt trội về chất lượng bởi “hiện nay có loại vaccine đã bộc lộ sự lạc hậu về tác dụng so với biến chủng mới”.
Tiền Giang: 2 công nhân nhiễm Covid-19 chưa rõ nguồn lây, nguy cơ thành chùm ca bệnh
Tối 10/6, Bộ Y tế công bố 2 ca nhiễm mới ở Tiền Giang là BN9754 và BN9756. Đây là công nhân làm việc tại Văn phòng điều hành công trình cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, Tiền Giang. 2 người này do sốt, đau mình, mệt mỏi toàn thân, đau rát họng nên đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cai Lậy. Hiện đã xác định 74 trường hợp F1, 127 trường hợp F2.
Điều đáng lo ngại là họ di chuyển rất nhiều nơi từ ngày 2/6 đến 9/6 nhưng quên tên nhiều địa điểm như số ghế máy bay, biển số xe khách, tên quầy thuốc…
Hà Nội thu hồi công văn dân ‘tự chi trả’ chi phí tiêm vắc xin ngừa COVID-19
Theo Tuổi trẻ, UBND thị trấn Đông Anh đã thu hồi lại văn bản gửi các tổ dân phố tổ chức thống kê, đăng ký, cam kết tự nguyện với việc tiêm vắc xin của cá nhân với kinh phí sẽ do người sử dụng chi trả. Văn bản này được ký ngày 3/6 và đã gây ra xôn xao trong dư luận.
Nhiều ý kiến nói kinh phí tiêm vắc xin sẽ do người sử dụng tự chi trả là không hợp lý, bởi đã có quỹ vắc xin phòng Covid-19 dùng để mua và nghiên cứu vắc xin.
Chặn biến thể virus Ấn Độ, Quảng Châu xét nghiệm 18 triệu dân trong 3 ngày
Theo báo New York Times, hơn 18 triệu dân ở Quảng Châu đã được xét nghiệm chỉ trong 3 ngày từ chủ nhật (6/6) đến thứ ba (8/6). Các cơ sở xét nghiệm hoạt động liên tục ngày đêm, còn người dân đến xếp hàng từ 2-3h sáng.
Nhiều khu vực trong thành phố với khoảng 180.000 dân bị phong tỏa hoàn toàn theo chế độ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, người dân chỉ được ra ngoài với mục đích xét nghiệm. Chính quyền dùng 31 xe tự hành (không người lái) để gửi thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các khu vực này để tránh phơi nhiễm cho nhân viên giao hàng.
Đến ngày 8/6, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc có tất cả 157 bệnh nhân COVID-19, trung bình mỗi ngày có 10 ca nhiễm mới được công bố. Nhà chức trách xác định chùm ca nhiễm mới nhất ở Quảng Châu là virus corona chủng Delta (B.1.617) của Ấn Độ.
Bản án 18 tháng tù dành cho kẻ tát Tổng thống Pháp Macron
Theo ABC News ngày 10/6, kẻ tát Tổng thống Pháp Macron bị tuyên phạt 18 tháng tù, gồm 4 tháng tù giam và 14 tháng án treo. Tổng thống Pháp Macron không đưa ra bình luận về phiên tòa ngày 10/6. Trước đó, ông nói “không bao giờ có điều gì biện minh cho bạo lực trong xã hội dân chủ”.
Kẻ tát TT Pháp có tên Tarel. Kẻ này thừa nhận đã đánh Tổng thống Pháp bằng một cái tát “khá bạo lực”. Tarel nói trước tòa: “Khi nhìn thấy vẻ thân thiện, giả dối của ông ấy, tôi bị kích động và có phản ứng tiêu cực” và “Đó là hành động bốc đồng, khiến chính bản thân tôi cũng thấy bất ngờ”.
Trung Quốc bắt hơn 1.100 nghi phạm rửa tiền bằng tiền kỹ thuật số
Theo Reuters ngày 10/6, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hơn 1.100 nghi phạm bị cáo buộc dùng tiền kỹ thuật số để rửa tiền phi pháp. Bộ Công an Trung Quốc thông báo đã triệt phá hơn 170 băng nhóm tội phạm dùng tiền kỹ thuật số để rửa tiền. Những tổ chức phi pháp này thu phí từ 1,5 – 5% để biến tiền phi pháp thành tiền kỹ thuật số thông qua các sàn giao dịch.
Tháng trước, Trung Quốc cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp dịch vụ liên quan tới tiền kỹ thuật số, đồng thời cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro khi giao dịch bằng hình thức này.