Sáng 21/7 thêm 2.787 ca mới; Phó Thủ tướng Đam: TP.HCM tính phương án biện pháp mạnh ở địa bàn đặc thù; Cán bộ nói ‘bánh mì không phải là thực phẩm’ lại gây xôn xao khi không cho phép lò bánh mì bán mang về; Công an vào cuộc điều tra chùm lây nhiễm “hết sức phức tạp” tại nhà thuốc Đức Tâm (Hà Nội)…là những tin nổi bật của bản tin sáng ngày 21/7/2021.

Dưới đây là thông tin chi tiết:

Sáng 21/7 thêm 2.787 ca nhiễm mới, TP. HCM có 1.739 ca

Bản tin dịch COVID-19 sáng 21/7 của Bộ Y tế cho biết Việt Nam có thêm 2.787 ca mắc, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất với 1.739 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 65.607 bệnh nhân.

Theo HCDC, tính đến 6h sáng ngày 20/7, TP. HCM đã có 39.594 ca dương tính. Hiện TP. HCM có 433 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO; có 274 bệnh nhân tử vong.

Phó thủ tướng Đam: TP.HCM tính phương án biện pháp mạnh ở địa bàn đặc thù

Tờ Tuổi trẻ đưa tin, vào chiều 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định tình huống dịch ở TP.HCM là “chưa từng gặp” do điều kiện kinh tế xã hội, quy mô dân số khác với các tỉnh bùng dịch trước đây.

Phó thủ tướng  Đam: TP.HCM tính phương án  biện pháp mạnh ở địa bàn đặc thù
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp (ảnh: Thảo Lê).

Phó TT Đam yêu cầu TP. HCM phải tính toán các biện pháp siết chặt hơn; ở một số địa bàn đặc thù thì có thể tiến tới áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Cách ly nghiêm ngặt là biện pháp làm chậm sự lây lan. Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản số F0 tiếp tục tăng.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói TP.HCM đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành có liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16. Việc này nhằm thực hiện cho bằng được mục tiêu đề ra là ngăn chặn; giảm sự lây lan trong cộng đồng bởi thời gian qua mục tiêu này được đề ra nhưng chưa đạt.

Công an vào cuộc điều tra chùm lây nhiễm “hết sức phức tạp” tại nhà thuốc Đức Tâm (Hà Nội)

Theo Báo Mới, chỉ trong sáng 20/7, Hà Nội đã ghi nhận 11 ca dương tính SARS-CoV-2 tại Nhà thuốc Đức Tâm, số 95 Láng Hạ, quận Đống Đa. Trong đó 1 người là trình dược viên, 7 nhân viên bán hàng và 3 F1 liên quan khác. 
Đáng lo ngại là người trình dược viên này hàng ngày đi giao thuốc và lấy thuốc từ chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico đến quầy thuốc 95 Láng Hạ từ ngày 15/7 đến 17/7.

Hiện chùm lây nhiễm tại Nhà thuốc Đức Tâm được nhận định là “hết sức phức tạp”. 242 người liên quan đến nhà thuốc này đang được tiếp tục chờ kết quả xét nghiệm và điều tra dịch tễ. Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động cơ sở này. Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm để lây lan dịch bệnh. Lãnh đạo quận Đống Đa đã giao công an làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm đối với nhà thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ) vì đã để phát sinh các ca dương tính SARS-CoV-2.

Cán bộ nói ‘bánh mì không phải là thực phẩm’ lại gây xôn xao khi không cho phép lò bánh mì bán mang về

Theo VTC News, sau phát ngôn gây sốc ‘bánh mì không phải thực phẩm’, ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lại gây xôn xao khi xuất hiện trong đoạn clip ghi lại cảnh ông nói cơ sở sản xuất bánh mỳ này “đang bán cho người mua mang về”. Ông Thọ đã lập biên bản xử lý cơ sở sản xuất bánh mỳ này về hành vi không chấp hành biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Sau đó, tổ công tác của ông Thọ đã tạm giữ giấy phép kinh doanh của cơ sở sản xuất bánh mỳ này. Việc này lại gây xôn xao dư luận vì Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản, nêu rõ các mặt hàng thiết yếu, trong đó có bánh mì.

Cán bộ nói 'bánh mì không phải là thực phẩm' lại gây xôn xao khi xử lò bánh mì
Chủ lò bánh mì cầm biên bản vừa bị xử phạt. (Ảnh cắt từ clip).

Ông Thọ là người xuất hiện trong clip xử phạt anh Trần Văn Em (công nhân) do đi mua bánh mì. Ông này từng có những phát ngôn thiếu chuẩn mực và nói “bánh mì không phải là thực phẩm” khiến dư luận “dậy sóng”.

Số ca mắc COVID-19 tăng vọt, Olympic Tokyo nguy cơ bị hủy

Theo Reuters, Nhật Bản thông báo đã có 67 ca mắc COVID-19 liên quan đến Olympic (là các VĐV, HLV, quan chức thể thao) từ ngày 1/7 đến nay, khi các đoàn thể thao từ khắp nơi trên thế giới tới Nhật Bản để tham dự Thế vận hội.  Mấy ngày gần đây, số ca nhiễm SARS-CoV-2 là các VĐV tăng lên chóng mặt. Ít nhất 4 VĐV, gồm 2 cầu thủ bóng đá Nam Phi, 1 VĐV tennis và 1 VĐV bóng bàn được cho là có kết quả xét nghiệm mắc COVID-19. Điều này làm dấy lên lo ngại Olympic khó tổ chức dù chỉ cách thời điểm khai mạc 3 ngày nữa. 

Ban tổ chức Olympic Tokyo không loại trừ khả năng hủy giải đấu nếu số ca nhiễm tiếp tục gia tăng và ban tổ chức không kiểm soát được dịch bệnh.

Xem thêm: Mời quý vị xem video bản tin sáng 21/07/2021.