Hà Nội: Trưởng công an huyện cùng 5 cán bộ ở Quốc Oai mắc Covid-19; Bé gái ở Bắc Giang bị bạn cắn, đánh trong lớp học: Lãnh đạo xã nói gì?… là những tin nổi bật của bản tin sáng ngày 25/10/2021.

Dưới đây là thông tin chi tiết:

Hà Nội: Trưởng công an huyện cùng 5 cán bộ ở Quốc Oai mắc Covid-19

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 24/10, thành phố ghi nhận 16 ca dương tính, trong đó có 9 ca đã được cách ly và 7 ca tại cộng đồng liên quan đến ổ dịch tại huyện Quốc Oai. Các ca mắc mới này được phân bố tại 7 quận, huyện bao gồm: Quốc Oai (5 ca), Hoàn Kiếm (5 ca), Đống Đa (2 ca), Gia Lâm, Hà Đông, Nam Từ Liêm và Sơn Tây mỗi nơi 1 ca.

Liên quan đến ổ dịch mới tại huyện Quốc Oai, chiều 24/10, lãnh đạo huyện xác nhận, trong số các ca dương tính có 6 trường hợp là cán bộ huyện. Trong đó, 3 người là cán bộ tòa án, thư ký, thẩm phán công tác tại TAND huyện Quốc Oai và 3 người còn lại là trưởng Công an huyện Quốc Oai, trưởng Công an thị trấn và Bí thư thị trấn Quốc Oai.

Hiện tại, đã truy vết được 177 F1, đồng thời phong tỏa tạm thời 5 khu dân cư và 3 đơn vị gồm: Trụ sở Công an, Tòa án nhân dân huyện và UBND thị trấn Quốc Oai để thực hiện truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm…

Bé gái ở Bắc Giang bị bạn cắn, đánh trong lớp học: Lãnh đạo xã nói gì?

Theo Dân Việt, ngày 24/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã thông tin cụ thể về sự việc bé gái gần 2 tuổi bị bạn cùng lớp cắn, đánh bầm tím ngay trong lớp học.

Vào 10h48 ngày 23/10, tại cơ sở mầm non Vân Vũ (thuộc thôn Chùa, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xảy ra sự việc cháu T. (3 tuổi) đã cắn và đánh cháu Q. (gần 2 tuổi).

Tại thời điểm xảy ra sự việc, cô Thân Thị Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp và là chủ nhóm trẻ) không có mặt tại lớp. Cô Hoàng Thị Chuyên là giáo viên phụ lớp đi lấy cơm trưa và đóng cửa lớp lại.

Trước sự việc trên, chiều 24/10, lãnh đạo UBND xã Tăng Tiến cho biết, chính quyền địa phương đã tạm đình chỉ hoạt động trường mầm non tư thục tuổi thơ Vân Vũ để kiểm tra sau vụ việc.

“Thứ nhất, cơ sở mầm non này không đảm bảo về giáo viên. Thứ hai, trường học tuyển không đúng khối lớp, độ tuổi, cơ sở nhận lẫn lộn trẻ 2 tuổi, 3 tuổi và 4 tuổi vào chung một lớp. Sau quá trình kiểm tra, nếu thấy quá trình hoạt động của cơ sở này không đảm bảo, chúng tôi sẽ đóng cửa”, lãnh đạo xã Tăng Tiến nói.

Bé gái bị bạn đánh bầm tím khi ở lớp (ảnh chụp màn hình trên báo Dân Trí).
Bé gái bị bạn đánh bầm tím khi ở lớp (ảnh chụp màn hình trên báo Dân Trí).

Hơn 5.000 nhà bị ngập lũ, Quảng Nam sơ tán 2.500 người, 1 người mất tích

Theo Tuổi Trẻ, đợt mưa lũ trong hai ngày qua ở tỉnh Quảng Nam có hơn 5.373 ngôi nhà bị ngập nước, chính quyền địa phương đã sơ tán 779 hộ với 2.535 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Mưa lũ cũng khiến anh Nguyễn Thanh Dương (36 tuổi, trú xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) nghi bị mất tích tại cầu Ông Hiền trên quốc lộ 1, gần ngã ba Kỳ Lý, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, đoạn này bị ngập lũ.

Mưa lớn từ ngày 22/10 đến nay cùng với hồ Phú Ninh xả lũ khiến TP. Tam Kỳ, Quảng Nam, bị ngập sâu. Tại một số khu vực trũng thấp ở phường Tân Thạnh, Phước Hòa, An Phú, An Xuân… hàng trăm ngôi nhà bị ngập 1-2 m.

Có hơn 3.200 ngôi nhà bị ngập trong lũ tại TP. Tam Kỳ, sơ tán hơn 800 hộ dân với trên 1.600 người (ảnh chụp màn hình trên báo Zing).
Có hơn 3.200 ngôi nhà bị ngập trong lũ tại TP. Tam Kỳ, sơ tán hơn 800 hộ dân với trên 1.600 người (ảnh chụp màn hình trên báo Zing).

Lo ngại nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong thời gian tới

Theo TTXVN, tại cuộc họp trực tuyến chiều 24/10 đánh giá 10 ngày thực hiện quy định “thích ứng an toàn với dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, đặc biệt là tại các nới như TP. HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi từ vùng có dịch về các địa phương rất đông, làm xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới.

Trong đó, các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người về từ vùng dịch.

Trước tình hình này, Ông cho hay, nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới là rất cao. Do đó, các địa phương phải chú ý phòng dịch. Cụ thể, đề nghị các nơi kiểm soát người về từ 4 địa bàn: TP. HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp.

Tài xế, tiếp viên lấy xe buýt làm nhà suốt 4 tháng dịch ở TP. HCM

Mắc kẹt ở bãi xe buýt Đại học quốc gia TP. HCM hơn 4 tháng qua, anh Trương Tuấn Cương (53 tuổi, tài xế) đã cạn sạch tiền. Mấy hôm nay, anh và một số đồng nghiệp khác xin được công việc làm phụ hồ ở ĐH Nông Lâm, cách bãi xe 10 phút đi xe máy.

Chia sẻ với Zing, anh Cương cho biết: “Tôi từng có hơn 20 năm làm lái xe du lịch ở Hà Nội, đến năm 2016 chuyển về quê Nha Trang. Năm ngoái, dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đóng băng, tôi một mình vào đây xin làm tài xế xe buýt. Nhưng không ngờ phải nằm im suốt nửa năm vì giãn cách, đời sống mọi người ở đây đều quá khó khăn”

Thời gian phong tỏa, anh Cương tự cách ly trên chiếc xe mình phụ trách. Mọi sinh hoạt, nghỉ ngơi, nấu nướng đều diễn ra ở đó.

Ban đêm, anh nằm ngủ trên võng, có thêm chiếc quạt máy xin nối điện từ quán cơm gần đó. Ban ngày, anh phải ra ngoài tìm bóng cây mát để nằm vì không thể chịu nổi cái nóng và sự ngột ngạt trong xe.

Không riêng anh Cương gặp khó khăn, hiện có khoảng 50 tài xế, tiếp viên xe buýt bị mắc kẹt lại bãi xe vì dịch, trong đó 4 người đang là F0. Khu trọ trong bãi có 14 người đang sinh sống, những người khác không lo nổi chi phí nên đành tá túc ngay trên xe (đọc toàn bản tin trên báo Zing).

Từ Khóa: