TP. HCM cán mốc 200.000 ca nhiễm, gần 75.000 F0 theo dõi tại nhà; Bình Dương: Gần 100.000 ca nhiễm Covid-19; Hà Nội: 3 cán bộ y tế thường xuyên lấy mẫu, vận chuyển bệnh nhân chính thức là F0; Sau Hảo Hảo, đến mì khô vị bò gà của Công ty Thiên Hương bị thu hồi ở Na Uy…là những tin nổi bật của bản tin sáng ngày 29/8/2021.

Dưới đây là thông tin chi tiết:

TP. HCM cán mốc 200.000 ca nhiễm, gần 75.000 F0 theo dõi tại nhà

Theo Người Lao động, vào tối 28/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết tính từ 18 giờ ngày 27-8 đến 18 giờ ngày 28-8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.481 trường hợp nhiễm mới tại TP HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 đến nay TP đã có tổng cộng 204.964 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố. Như vậy TP. HCM đã cán mốc 200.000 ca nhiễm Covid-19.

Theo Sở Y tế TP. HCM, hiện TP. HCM có 38.559 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó: có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO (tim phổi bên ngoài cơ thể). Riêng ngày 28/8 ghi nhận 287 ca tử vong.

Hiện TP. HCM có gần 75.00 F0 theo dõi tại nhà, con số chính xác là 74.452 F0, trong đó có 47.920 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 26.505 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 16.962 người. Như vậy tổng số F0 đang được theo dõi là 91.414 ca.

TP. HCM cán mốc 200.000 ca nhiễm, gần 75.000 F0 theo dõi tại nhà
Bệnh viện dã chiến số 16 tại TP. HCM đã lắp đặt 2 bồn ôxy có dung tích 7,5m3 và 30m3 dẫn ôxy tới tận 350 giường cho bệnh nhân. Cùng với đó chuẩn bị sẵn 350 bình ôxy di động có gắn đầy đủ các bộ thở và dụng cụ đi kèm (ảnh: Người Lao động).

Bình Dương: Gần 100.000 ca nhiễm Covid-19

Theo trang chủ của tỉnh Bình Dương, Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 98.794 ca mắc Covid-19; 788 bệnh nhân tử vong. Bình Dương hiện có 38.895 người đang cách ly tập trung; 9.898 trường hợp F0 cách ly tại nhà. Hiện các cơ sở y tế điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 17.608 bệnh nhân.

Với số người nhiễm bệnh hiện đã sát mốc 100.000 ca, Bình Dương đã lên kịch bản khi có 150.000 người mắc COVID-19. Như vậy Bình Dương sẽ cần khoảng 100.000 giường điều trị thực tế và đội ngũ y bác sĩ phục vụ cho lượng bệnh nhân này. Như vậy lực lượng y tế cần có là rất lớn và hiện chưa có giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Hà Nội: 3 cán bộ y tế thường xuyên lấy mẫu, vận chuyển bệnh nhân chính thức là F0

Theo Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội tối 28/8 cho biết từ 18 giờ ngày 27/8 đến 18 giờ ngày 28/8, Hà Nội ghi nhận 63 ca COVID-19 mới. Điều đáng lưu ý là trong số này có 3 cán bộ y tế thường xuyên lấy mẫu, vận chuyển bệnh nhân và sàng lọc ca nghi nhiễm của Bệnh viện Nông nghiệp vừa nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2 chiều 28/8.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 2.958 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.530 ca.

Bình Dương đã có 670 người tử vong, dự báo có 150.000 ca nhiễm
Dự báo số F0 tăng nhanh, Bình Dương có thể tự gấp rút chuẩn bị hàng chục ngàn giường bệnh dã chiến mới, nhưng đang thiếu trầm trọng đội ngũ y bác sĩ (ảnh: B.S.).

Sau Hảo Hảo, đến mì khô vị bò gà của Công ty Thiên Hương bị thu hồi ở Na Uy

Tờ Dân Trí đưa tin, ngay sau khi sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo và miến miến ăn liền hương sườn non Good  của Công ty CP Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland, Việt Nam lại vướng sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty CP thực phẩm Thiên Hương bị thu hồi ở Na Uy.

Nguyên nhân sản phẩm bị thu hồi là vi phạm Chỉ thị của EU do có chứa 0,052 mg/kg – ppm ethylene oxide. Chất ethylene oxide là chất cấm sử dụng trong sản phẩm nói trên,  áp dụng cả ở Việt Nam và nước ngoài.

Hiện Bộ Công thương đã bắt tay vào xem xét 2 trường hợp này bởi những chất cấm có trong mì gói và miến đã được phát hiện ở nước ngoài cũng nằm trong danh sách cấm ở Việt Nam.

Để lây lan dịch bệnh Covid-19, một bác sĩ bị đình chỉ chức vụ

Tin từ báo Người Lao Động, ngày 28-8, Trung tâm Y tế huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã có quyết định đình chỉ chức vụ 1 tháng đối với bác sĩ L.H.P, Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Tùng để chờ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ án liên quan đến việc thiếu trách nhiệm làm lây lan dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Bác sĩ P. tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân tại nhà riêng nhưng không có chứng chỉ hành nghề. Chiều 16 và sáng 17/8, cháu Đ. (11 tuổi; ngụ xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi) có biểu hiện nôn, ói nên được gia đình đưa đến phòng khám của bác sĩ trên tại xã Thanh Tùng thăm khám.

Tại đây, bác sĩ P. đã không sàng lọc, điều tra dịch tễ Covid-19 của bệnh nhân mà trực tiếp khám, bán và tiêm thuốc điều trị cho cháu Đ. Hiện, cháu Đ. đang là F0.