Bình Dương nói gì về việc F0 chen lấn, giành giật thức ăn; Hà Nội phong tỏa khu dân cư hơn 4.000 dân quận Tây Hồ vì có ca COVID-19 mới; Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM: Giành giật các bệnh nhân với Thần Chết; Mì ăn liền chứa chất cấm, Bộ Công thương cảnh báo…là những tin nổi bật của bản tin sáng ngày 4/9/2021.
Dưới đây là thông tin chi tiết:
Tóm tắt nội dung
Bình Dương nói gì về việc F0 chen lấn, giành giật thức ăn trong khu điều trị dã chiến
Theo Tuổi trẻ, vào tối qua, ngày 3/9, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh ngay công tác tổ chức cung cấp suất ăn tại Khu điều trị dã chiến Thới Hòa (thị xã Bến Cát).
Tại khu điều trị này, đã xảy ra tình trạng các F0 giành giật, chen lấn, thậm chí xô đổ cả hàng rào để lấy suất ăn vào sáng 3/9. Sự việc này xảy ra là do hàng ngàn F0 được chuyển về Khu điều trị Thới Hòa trong đêm nhưng họ lại không được cung cấp đủ đồ ăn do sự phối hợp chưa tốt của các bên đưa và đón F0.
Vào chiều tối 3/9, tình hình tại Khu điều trị Thới Hòa đã ổn định trở lại khi số suất ăn cũng được tăng lên phù hợp với số lượng F0 được trung chuyển tới và lực lượng công an được bổ sung thêm.
Khu điều trị dã chiến Thới Hòa, thuộc Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh Bình Dương hiện có trên 12.000 giường và đang tiếp tục được mở rộng.
Hà Nội phong tỏa khu dân cư hơn 4.000 dân quận Tây Hồ vì có ca COVID-19 mới
Theo báo Tiền Phong, quận Tây Hồ đã phong toả 4.000 dân thuộc ngách 32, ngõ 76, phố An Dương vì có ca mắc COVID-19 mới sau khi Sở Y tế Hà Nội thông báo ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 phường Yên Phụ, quận Tây Hồ vào sáng 3/9. Người này 31 tuổi, làm nghề bán hàng online và đã nghỉ làm. Thời gian phong toả sẽ được xác định sau khi xét nghiệm hết 4.000 người dân ở đây.
Tại Hà Nội, vào đêm 2/9, UBND phường Thanh Xuân Nam đã quyết định phong tỏa khu nhà tập thể G7 và ngõ 477 Nguyễn Trãi trong 7 ngày (đến ngày 9/9), sau khi xuất hiện chùm ca dương tính SARS-CoV-2 tại đây.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM: Giành giật các bệnh nhân với Thần Chết
Tờ Dân Việt đưa tin ngày 3/9, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (do Bệnh viện Chợ Rẫy quản lý) là một trong những bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, đã có gần 800/1000 giường đi vào hoạt động. Hiện bệnh viện có gần 200 bệnh nhân phải thở máy. Đây là bệnh viện tuyến cuối nên các bệnh nhân nặng sẽ được chuyển đến đây.
Bác sĩ Linh chia sẻ: “Có ca bệnh đưa lên đây phổi đã xơ cứng. Quét siêu âm vào thấy xơ hóa hết. Có bệnh nhân đến bên “cửa tử” khi mới ngoài 20 tuổi nên từng y bác sĩ tại đây phải chạy đua để giành giật sự sống”.
Bệnh viện Hồi sức này thường kết nối trực tuyến để hội chẩn thường xuyên với các bệnh viện tuyến dưới để sàng lọc và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng trước khi họ được chuyển lên. Ngược lại, khi một số ca bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tầng dưới (tuyến dưới) có thể chăm sóc, điều trị được thì cũng sẽ được chuyển xuống để nhường giường cho bệnh nhân nguy kịch khác điều trị tại đây.
Đề xuất cho shipper ở Hà Nội hoạt động từ 9h đến 21h hàng ngày
Theo VTC News, Sở GTVT đã đề xuất TP. Hà Nội cho phép thời gian hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hoá, bưu phẩm, bưu chính bằng môtô, xe 2 bánh của shipper từ 9h đến 20h hằng ngày.
Các shipper khi vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên.
Mì ăn liền chứa chất cấm, Bộ Công thương cảnh báo doanh nghiệp
Theo Vietnamnet ngày 3/9, Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Công thương cho biết thời gian qua, đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng Etylen oxit (EO) khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu; cụ thể là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt, v.v.
Do thời gian qua, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Do vậy, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) vừa phát đi thông tin liên quan kiểm soát dư lượng Etylen oxit trong thực phẩm khi xuất khẩu.
Đồng thời, khuyến nghị doanh nghiệp cần thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm. Mục đích tránh để xảy ra tình trạng sản phẩm gây hại cho người tiêu dùng.