Liên tục xảy ra các vụ đuối nước ở Bình Thuận, 2 em nhỏ tử vong, 1 học sinh lớp 7 mất tích; Cảnh báo biển động nguy hiểm, hàng nghìn người vẫn xuống Cửa Lò chơi đùa… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 2/5/2022.

Liên tục xảy ra các vụ đuối nước ở Bình Thuận, 2 em nhỏ tử vong, 1 học sinh lớp 7 mất tích

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, chiều 2/5, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận vẫn phối hợp cùng gia đình tìm kiếm em T.V.D. – học lớp 7 một trường THCS tại TP. Phan Thiết – bị lọt xuống kênh nước, mất tích từ chiều qua.

Em D. cùng nhóm bạn đến chơi tại bờ kênh nước Bến Lội thì xảy ra vụ đuối nước. Nhóm bạn còn lại phát hiện, tri hô mọi người đến cứu giúp nhưng không kịp.

Cũng tại Bình Thuận chiều qua, 2 em nhỏ (5 và 6 tuổi) tử vong trong một ao chứa nước tưới thanh long gần nhà.

Lúc này, ba mẹ của các em đều đang ra vườn làm thanh long nên không biết. Khi không thấy các em, mọi người đi tìm thì phát hiện cả hai đã chết đuối dưới ao nước.

Cảnh báo biển động nguy hiểm, hàng nghìn người vẫn xuống Cửa Lò chơi đùa

Hôm 2/5, ngày nghỉ lễ thứ ba, tại Nghệ An vẫn có hàng vạn người tìm đến khu du lịch ở bãi biển Cửa Lò; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và nhiều điểm vui chơi, giải trí khác trên toàn tỉnh. Thời tiết có mưa đã gây bất lợi cho người dân trong quá trình đi chơi, tham quan tới các điểm trong kỳ nghỉ dài ngày.

Tại bãi tắm thị xã Cửa Lò, rất nhiều người dân ở khắp nơi vẫn tiếp tục xuống bãi tắm đùa nghịch với nước biển dù sóng dâng cao, gió mạnh ở phía trước. Từng đôi nam thanh, nữ tú xuống biển tranh thủ ngâm chân và ghi lại những khoảnh khắc trước biển.

Dọc bờ biển này, hàng chục băng rôn cắm sát bờ biển cảnh báo du khách: “Biển động nguy hiểm không được tắm”.

bãi biển cửa lò
Ảnh chụp màn hình trên báo VietNamNet.
Ngoài tin về bãi biển cửa lò còn có tin đuối nước....
Ảnh chụp màn hình trên báo VietNamNet.

Ông Mai Thanh Hải (đội cứu hộ mô tô ở bờ biển Cửa Lò) chia sẻ, trong những ngày lễ 29-30/4, thời tiết nóng bức đã có rất nhiều người xuống biển tắm mát, bờ biển trở nên đông hơn ngày thường. Riêng 2 ngày nay, do thời tiết có mưa lớn, sóng biển dâng cao kèm theo gió mạnh nhưng nhiều người dân vẫn xuống đi bộ dưới bờ biển. Đội cứu hộ liên tục phải làm việc, nhắc nhở mọi người dân (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).

Hai người bị điện giật, bỏng toàn thân khi lợp mái tôn

Nhân chứng cho biết, khoảng 9h ngày 2/5, có 2 lao động là ông Lý Thành Tài (45 tuổi, ở TP. Bạc Liêu) và Phan Châu Kha (20 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang) được thuê đến để lợp lại mái nhà.

Khi ông Tài và Kha đang đưa tôn lên mái nhà để lợp thì bất ngờ tấm tôn va chạm vào đường dây điện và phát ra tiếng nổ lớn khiến cả hai bị bỏng điện, nằm bất động trên mái nhà.

Khoảng 10 phút sau khi xảy ra sự việc, hai nạn nhân được lực lượng chức năng đưa xuống đất trong tình trạng nguy kịch do bị bỏng toàn thân, ảnh hưởng đến tính mạng. Cả hai nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cấp cứu (đọc toàn bản tin trên báo Zing).

Hơn 900 ha lúa ở Hà Tĩnh bị đổ vì mưa, gió

Chiều 2/5, chị Hồ Thị Nga (48 tuổi, trú xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) đang một mình buộc lại ruộng lúa đã trổ bông đang vào độ chắc xanh bị đổ sạp sát đất thuộc cánh đồng Mộ Đá.

Chị Nga chia sẻ được báo Lao Động đăng tải, trận mưa lớn kèm gió mạnh đêm 30/4 đã làm 5 sào lúa của gia đình chị bị đổ.

Ngoài tin lúa đổ vì mưa gió còn có tin đuối nước...
Ảnh chụp màn hình trên báo Lao Động.

“Lúa nhà tôi bị đổ nhiều lắm. Đi dựng rồi buộc lại từng chùm thế này để tránh bị ngập nước, hư lúa. Tuy nhiên, buộc cũng lâu, mất nhiều thời gian mà lại cũng khó tránh khỏi dù ít nhiều gì thì cũng đã ảnh hưởng đến năng suất”, chị Nga chia sẻ.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, đợt mưa ngày 30/4 đến 1/5 kèm gió lớn đã làm hơn 900 ha lúa ở Hà Tĩnh bị đổ. Với lúa bị đổ, theo ông Hà chắc chắn có ảnh hưởng đến năng suất.

Cũng theo báo Lao Động, ngày 2/5, thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) cho biết, chỉ trong 2 ngày mưa lớn kèm theo gió mạnh đã khiến cho khoảng 650 ha lúa Đông Xuân sắp vào mùa thu hoạch bị gãy đổ.