Thêm 4.150 ca Covid-19; Ông bố Hà Nội ‘đập nát’ iPhone, cho con nghỉ học online; Xe buýt rẽ để tránh tông gia súc, 44 người thương vong… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 7/10/2021.

Thêm 4.150 ca Covid-19

Bản tin dịch Covid-19 ngày 7/10 của Bộ Y tế cho biết có 4.150 ca, giảm hơn 200 ca so với hôm qua. Trong ngày có 1.402 ca khỏi.

Trong ngày ghi nhận 120 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.223.

Mưa lớn gây chia cắt nhiều nơi, Quảng Trị di dời dân ở vùng ngập lụt

Chiều 7/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, trong ngày, tại khu vực tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn các huyện miền núi tại một số ngầm, tràn và các tuyến đường nước dâng cao gây ngập cục bộ, chia cắt giao thông.

Tại huyện Đakrông, mực nước sông lên nhanh tại các tràn và ngầm tràn ngập sâu 1 đến 2 mét, gây chia cắt đường vào trung tâm nhiều xã như Ba Nang, A vao, Ba Lòng, Triệu Nguyên…

Tại huyện Hướng Hóa, ngập cục bộ, chia cắt giao thông tại 21 vị trí. 25 hộ/70 khẩu tại khóm Cao Việt, Duy Tân ở dọc tuyến đường vành đai dọc sông Sê Pôn (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) được di dời ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt. 172 hộ/1.220 khẩu ở xã Ba Lòng, xã A Vao được di dời tài sản đến nơi an toàn (đọc toàn bản tin trên báo Lao Động).

Bị đàn ong làm tổ trên mái nhà tấn công, gia đình 5 người nhập viện cấp cứu

Ngày 3/10, ông N.V.C (46 tuổi, ở xã Xuân Lộc, tỉnh Phú Thọ) mở cửa tầng 2 thì đàn ong lao vào tấn công ông. Sau đó, đàn ong bay xuống tầng 1 tấn công các thành viên trong gia đình khiến ông C. cùng 4 người nhà phải nhập viện cấp cứu, 1 chú chó của gia đình thiệt mạng tại chỗ.

Ngoài tin ong đốt còn có tin vè Covid-19.
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo Người Lao Động.

Được biết, tổ ong (giống ong mật) có chiều dài hơn 1m, chiều rộng khoảng 50cm đã nằm trên mái tầng 2 của gia đình ông C. gần 1 năm nay (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).

Ông bố Hà Nội ‘đập nát’ iPhone, cho con nghỉ học online

Trước khi đưa ra quyết định cho con nghỉ học, anh Dương đã cho “1 chiếc iPhone 11 bay vào tường tan tành”, đồng thời cảnh báo cô con gái: “chiếc laptop Apple có thể cũng tiễn nốt ra bãi rác bất cứ lúc nào, nếu con cứ cắm mặt suốt vào lap”.

“Với nhà mọi người thì không biết thế nào, chứ nhà tôi thì việc học online không chỉ thất bại toàn tập, mà còn nguy hại toàn tập”, đây là “tổng kết” buồn của anh Dương, phụ huynh có con học lớp 3 và lớp 10 ở Hà Nội.

Anh Dương cho biết từ đầu tháng 9 đến nay, khi chính thức bước vào năm học mới, thời khóa biểu của cô con gái học lớp 10 tại một trường ngoài công lập không khác gì thời khóa biểu học trực tiếp nếu đến trường: sáng từ 8-12h, chiều từ khoảng 1 giờ, 1 rưỡi đến khoảng 3 rưỡi, 4 giờ. Ngoài ra, buổi tối cô bé còn làm rất nhiều bài tập, cả bài tập online cô giáo giao, lẫn bài tập trong sách giáo khoa (SGK).

“Buổi sáng, con ôm máy tính đến 12 rưỡi trưa, nghỉ ăn trưa đến khoảng 1h, 1 rưỡi lại học tiếp. Đến 3 rưỡi 4h học xong mệt quá thì phải ngủ. Có nhiều hôm con ngủ quên luôn đến 7h dậy ăn tối, cửa phòng thì khóa không ai vào gọi được. Ăn tối xong lại làm bài tập, làm các dự án đến 12h đêm.

Rồi con đi ngủ, đến sáng hôm sau khi nào có báo thức biết thì dậy, không dậy được thì vào lớp muộn. Cuối tuần lại lại dự án này khác”, anh Dương nói về thời khóa biểu của cô con gái trong suốt thời gian qua.

Còn với cậu con trai nhỏ, vợ chồng anh Dương thay nhau kèm các buổi học online cũng như khi phải làm bài tập từ sáng đến tối.

“Cả lớp cứ nhốn nháo, cãi nhau um tỏi lên. Cô giáo gọi thì không trả lời, có bạn không trả lời được là tắt phụt luôn máy, có bạn cứ thoát ra thoát vào, có bạn đang học xin đi vệ sinh mãi không thấy quay lại, có bạn cô đang hỏi thì tắt luôn cam, tắt luôn mic hay bảo lỗi không vào được .

Cậu con mình học cũng trục trặc suốt, lúc vào link này, lúc vào link kia không biết đâu mà lần”.

Theo anh Dương, việc con ôm máy tính, điện thoại nhiều đến mức nói con giống như ngớ ngẩn thì hơi quá đáng, nhưng thực tế là con đã có những hành xử bất thường. Khi bố mẹ bảo làm việc gì, thậm chí bảo ra ăn uống con cũng phản kháng.

“… ngày nào con cũng kè kè bên máy tính ở trong phòng suốt từ 8h sáng đến 12h đêm. Con cãi là không chơi game nhưng rõ ràng là ngoài học bài, làm bài tập, con còn buôn chuyện với các bạn trong nhóm chat, xem phim… hết ngày này qua ngày khác. Điều này dễ tạo ra thói quen sống ở trên mạng và đắm chìm vào thế giới ảo…”.

Vì vậy, vợ chồng anh Dương buộc lòng phải đưa ra quyết định: Cho con gái lớp 10 nghỉ học online.

“Tôi đã trao đổi với nhà trường, trước mắt cho con nghỉ học 1 tuần. Tôi thu hết điện thoại máy tính, không học gì nữa, cho thời gian suy ngẫm, để khi nào con đưa ra quan điểm rõ ràng, thời khóa biểu rõ ràng: lúc nào học, lúc nào chơi, nghỉ ngơi, làm việc…

Nếu hợp lý, tôi sẽ chấp nhận cho con học tiếp. Mặc dù con vẫn ở trong top 5 của lớp, trường tốt, thầy cô bạn bè tốt, vẫn hoàn thành đầy đủ bài tập nhưng việc nó sống quá sâu vào thế giới ảo, có phản kháng bất thường là rất nguy hại nên tôi hạn chế tiếp xúc và không cho tiếp xúc nữa.

Cho nên trước mắt tôi cho nghỉ như thế. Nếu không thay đổi tôi cho nghỉ học online luôn không cần thiết, chỉ cần học trong SGK là đủ, sau này đi học lại sẽ học sau.

Với bé nhỏ, tôi chỉ cho học môn chính, học thời gian ngắn, sau đó làm bài tập trong SGK. Môn nào không cần thiết quá bỏ qua để đỡ phải nhìn máy tính. Bài tập online hạn chế, chủ yếu làm bài trong SGK”.

Anh Dương nói thêm rằng, nếu nói chuyện với chuyên gia tâm lý, thần kinh sẽ hiểu những nguy hại của việc trẻ con tiếp xúc quá nhiều, quá lâu và quá kỹ với các thiết bị điện tử.

“Nó làm trẻ mê muội, ảnh hưởng sức khỏe, gù lưng, hỏng mắt hỏng mũi hỏng luôn cả thần kinh. Vì đam mê vào đấy nên nó phản kháng với tất cả việc sai bảo của người lớn, quên hết cả thế giới xung quanh.

Những bệnh tự kỷ ám thị, stress, thần kinh, nhiều khi bắt nguồn từ việc học sinh nhỏ tiếp xúc quá nhiều, quá lâu quá kỹ với thiết bị điện tử.

Vì vậy, tôi sẵn sàng cho nghỉ học luôn và chấp nhận ngu đi, còn hơn thần kinh lạc lối trong thế giới ảo” (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).

Xe buýt rẽ để tránh tông gia súc, 12 người thiệt mạng

Hãng tin AP ngày 7/10 cho biết, vụ tai nạn xảy ra ở huyện Barabanki, cách TP. Lucknow khoảng 40 km về phía Tây Nam.

Theo cảnh sát địa phương, tài xế chiếc xe buýt chở 60 người đã rẽ đột ngột để tránh tông phải gia súc trên đường. Không may là nó đâm trúng một chiếc xe tải làm ít nhất 12 người thiệt mạng và 32 người bị thương.

Sĩ quan cảnh sát Yamuna Prasad nói rằng, số người chết có thể sẽ tăng lên do một số người bị thương nặng đang điều trị tại bệnh viện (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).

Mời quý độc giả xem thêm video tin Tổng Hợp (7/10): Miền Tây “bùng” dịch. Miền Trung “chạy” 2 cơn bão sắp đến