Trong năm qua, tôi đã trực tiếp tham gia bào chữa cho nhiều vụ án hình sự. Không ít trong số đó là những vụ việc mà tội phạm là tuổi vị thành niên – những đứa trẻ chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự một cách đầy đủ, nhưng lại phải đối diện với những sai lầm không thể xóa nhòa.
- Thao túng tâm lý trong bảo hiểm nhân thọ
- Công an Thanh Hoá bàn giao Bùi Đình Khánh về Quảng Ninh
- Bắt Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Hưng Yên vì sai phạm nghiêm trọng
Điều khiến tôi trăn trở nhất chính là hoàn cảnh gia đình của các em – một mẫu số chung lặp đi lặp lại: bố mẹ ly hôn, đi làm ăn xa, hoặc vì mưu sinh mà buộc phải để con ở lại cho ông bà hoặc người thân chăm sóc.
Không phải các em sinh ra đã “hư hỏng”. Không ai muốn trở thành tội phạm khi còn khoác trên mình chiếc áo học trò. Nhưng các em đã lớn lên trong thiếu thốn – không chỉ về vật chất, mà là sự trống rỗng của yêu thương, sự vắng mặt của những người lớn đủ gần gũi để thấu hiểu, đủ nghiêm khắc để định hướng. Và khi những khoảng trống đó không được lấp đầy, các em đã tìm cách bấu víu vào những thứ sai lệch – tụ tập bạn bè xấu, sa vào game, mạng xã hội, rồi trượt dốc lúc nào không hay.
Tóm tắt nội dung
Tội phạm tuổi vị thành niên – Khi gia đình trở thành “địa chỉ vắng mặt”
Rất nhiều em mà tôi gặp – đứng trước vành móng ngựa với ánh mắt non nớt và đôi tay còng – đều -có một hoàn cảnh gần giống nhau: bố mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa, để con cái cho ông bà chăm sóc. Những đứa trẻ ấy lớn lên trong sự thiếu hụt tình cảm, không có người bạn lớn để tâm sự, không có người cha, người mẹ để chia sẻ khi vấp ngã, và càng không có ai ngăn cản mỗi khi các em bước qua ranh giới mong manh giữa “sai” và “trái pháp luật”.

Tôi còn nhớ một vụ án khiến tôi day dứt mãi. Bị cáo là một nam sinh lớp 10 – dáng người nhỏ thó, đôi mắt cúi gằm suốt phiên toà. Em phạm tội cướp giật tài sản, cùng với một nhóm bạn cùng lứa. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, em lí nhí: “Bố mẹ cháu ly hôn từ lâu. Mẹ đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan. Cháu ở với bà ngoại, nhưng bà già rồi, mắt kém, chân yếu. Cháu quen tụi bạn ngoài quán net… rồi tụi nó rủ đi làm việc đó.”
Không có bất kỳ ai ngồi hàng ghế dưới để dự phiên tòa hôm đó – không người thân, không đại diện nhà trường, không ai đến để bày tỏ một chút yêu thương hay che chở cho em.
Một em khác – nữ sinh lớp 10 – phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”, sau khi bị nhóm bạn xúi giục đi đánh nhau để “giành lãnh địa” ở khu phố. Em từng là học sinh giỏi năm lớp 7, nhưng từ khi bố mẹ ly thân, mỗi người một nơi, em bắt đầu tụ tập, bỏ học, sống khép mình và bất cần.
Không ai biết, đằng sau những hành vi ngông cuồng ấy là một nỗi cô đơn tột cùng.
Tội phạm tuổi vị thành niên – Khi ông bà không thể thay cha mẹ
Chúng ta vẫn thường nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.” Nhưng thực tế cho thấy: tính cách và hành vi của một đứa trẻ phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống và cách giáo dục mà trẻ nhận được từ gia đình.
Xã hội hiện đại khiến nhiều bậc phụ huynh buộc phải rời quê hương đi làm ăn xa; để lại con cái cho ông bà chăm sóc. Nhưng hãy thẳng thắn nhìn nhận rằng: tình thương của ông bà, dù bao la đến mấy; vẫn không thể thay thế được vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục và đồng hành cùng con.
Ông bà không thể hiểu hết tâm lý tuổi mới lớn. Không thể ngăn con dừng lại trước cám dỗ. Không thể cứng rắn, nghiêm khắc đúng lúc để uốn nắn con đi đúng đường. Trong nhiều vụ việc, tôi từng chứng kiến những ông bà khóc nấc trong phiên tòa: “Tôi già rồi… tôi không biết dạy cháu ra sao nữa…”. Đó là nỗi đau không tên – đau vì bất lực; đau vì bất ngờ, đau vì không ai chia sẻ trách nhiệm này cùng họ.

Tội lỗi đến từ sự bỏ rơi vô hình
Tôi từng hỏi một bị cáo 16 tuổi – gương mặt còn lấm tấm mụn – rằng: “Tại sao cháu không về nhà?”
Em im lặng hồi lâu, rồi trả lời: “Vì nhà cháu chẳng ai đợi cháu cả.”
Câu trả lời đó khiến tôi lặng người. Một đứa trẻ mà chính “ngôi nhà” – biểu tượng của sự ấm áp và che chở – cũng không còn ý nghĩa; thì các em sẽ bấu víu vào đâu? Không ai đợi em về. Không ai quan tâm em làm gì. Vậy thì việc em lao vào tội lỗi cũng chỉ như một sự lựa chọn bất đắc dĩ; giữa một thực tại trống vắng và một nhóm bạn sẵn sàng “cùng ăn cùng chơi”; dù đó là con đường sai.
Tội lỗi không chỉ đến từ sự xúi giục; mà còn từ sự bỏ rơi vô hình của những người đáng lẽ ra phải là chỗ dựa vững chắc nhất.
Một xã hội lành mạnh bắt đầu từ từng mái ấm
Mỗi vụ án mà tôi tham gia bào chữa đều để lại trong tôi một nỗi ám ảnh rất thật. Tôi nhìn thấy trong mắt các em sự hối hận muộn màng – nhưng cũng đầy tuyệt vọng. Không phải em nào cũng được hưởng sự khoan hồng; và dẫu có thì vết sẹo trong hồ sơ tư pháp cũng là một dấu ấn chẳng dễ gì xóa bỏ trong suốt cuộc đời.
Nhưng chúng ta không thể chỉ đợi đến khi những đứa trẻ phạm tội rồi mới xót xa. Chúng ta cần phòng ngừa từ gốc rễ, từ chính mỗi gia đình.
Gia đình không chỉ là nơi nuôi dưỡng thể xác – mà còn phải là cái nôi của tâm hồn; nhân cách. Khi cha mẹ vì mưu sinh mà rời xa con cái; xin hãy đừng rời xa cả trách nhiệm yêu thương và dõi theo hành trình lớn lên của con. Công nghệ có thể kết nối con người xuyên biên giới – thì càng phải tận dụng nó để giữ sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái luôn hiện hữu.
Nhà trường cần tăng cường phối hợp với phụ huynh, chủ động phát hiện và can thiệp sớm với những em có dấu hiệu lệch chuẩn hành vi. Các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương cần xây dựng mạng lưới hỗ trợ; tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt.
Và toàn xã hội, mỗi chúng ta; hãy nhìn những đứa trẻ quanh mình với ánh mắt quan tâm hơn – để không có ai bị bỏ lại trong cơn lốc trưởng thành mà không ai nắm tay.
Một ánh mắt côi cút – lời khẩn cầu bị lãng quên
Những đứa trẻ phạm tội không sinh ra để trở thành tội phạm. Các em lớn lên với trái tim khát khao tình thương, với đôi mắt từng sáng trong như bao đứa trẻ khác. Chỉ là trên hành trình ấy, các em thiếu bàn tay dắt dìu; thiếu người lắng nghe, thiếu một điểm tựa vững chãi để đứng dậy khi lạc bước.
Mỗi vụ án mà tội phạm là tuổi vị thành niên không chỉ là hồi chuông cảnh báo về hành vi lệch chuẩn; mà còn là tiếng gọi từ những mái nhà thiếu vắng yêu thương. Nó nhắc chúng ta rằng; trẻ em không thể tự lớn lên một cách trọn vẹn nếu người lớn vắng mặt cả trong thể xác lẫn tâm hồn.
Và vì vậy, hãy nhìn lại chính mình – từ bậc cha mẹ; người thầy, đến cán bộ chính quyền; luật sư, thẩm phán – rằng: ta đã làm gì để những đứa trẻ quanh ta không gục ngã? Ta đã bao giờ lắng nghe tiếng gọi thầm lặng từ một ánh mắt côi cút; một dáng hình gầy gò lặng lẽ?
Hãy yêu thương trước khi quá muộn. Hãy dang tay trước khi con trẻ trượt khỏi vòng tay ta. Bởi đôi khi, chỉ cần một người tin tưởng; một người quan tâm đúng lúc – cũng có thể cứu vãn cả một cuộc đời.