Các chuyên gia LHQ cảnh báo Triều Tiên đang thử “thiết bị kích hoạt hạt nhân”, và chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân đã ở giai đoạn cuối cùng. Liệu chính quyền Joe Biden làm gì để buộc Triều Tiên hủy bỏ vụ thử này, giữa thời điểm Mỹ phải đối phó cùng lúc với Nga ở Ukraine và Trung Quốc tại Đài Loan? 

Hình ảnh vệ tinh phát hiện cấu trúc hầm phóng tên lửa

Theo AP, Hội đồng chuyên gia LHQ cho biết, Triều Tiên đang mở đường cho các vụ thử hạt nhân bổ sung với các bước chuẩn bị mới tại bãi thử phía đông bắc nước này, và tiếp tục phát triển khả năng sản xuất thành phần chính cho vũ khí hạt nhân.

Trích đoạn tuyên bố cho biết: “Vào đầu tháng 6, hai quốc gia thành viên đã đánh giá rằng việc chuẩn bị cho các vụ thử hạt nhân đã ở giai đoạn cuối cùng”.

Các chuyên gia đã quan sát thấy vào tháng 3, Triều Tiên bắt đầu công việc đào lại tại lối vào Đường hầm 3 ở Punggye-ri “và các tòa nhà được xây dựng lại từng đã được tháo dỡ vào tháng 5/2018”.

“Hình ảnh vệ tinh cho thấy số lượng xe tăng tập trung quanh lối vào phụ này từ giữa tháng 2/2022, tiếp theo là việc xây dựng một tòa nhà mới liền kề lối vào vào đầu tháng 3.” “Một đống gỗ, để có thể sử dụng trong việc xây dựng cấu trúc đường hầm, cũng đã được phát hiện cùng thời gian đó.”

Cửa hầm Punggye-ri nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từng được ảnh vệ tinh phát hiện vào tháng 1/2022 .

Các chuyên gia cho biết thêm, việc khởi động “tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri sẽ mở đường cho các vụ thử hạt nhân bổ sung để phát triển vũ khí hạt nhân”.

Đây sẽ là vụ thử hạt nhân thứ 7 của Bình Nhưỡng kể từ năm 2006, và là vụ đầu tiên kể từ khi nước này tuyên bố lắp được bom nhiệt hạch vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 9/2017.

Các vụ thử tên lửa “làm rung chuyển thế giới”

Theo Reuters, vào ngày 31/1/2022, Triều Tiên xác nhận họ đã phóng một tên lửa đạn đạo Hwasong-12 mà họ từng đe dọa nhằm vào lãnh thổ Guam của Mỹ. Triều Tiên từng nói rằng Hwasong-12 có thể mang “đầu đạn hạt nhân hạng nặng cỡ lớn”.

Triều Tiên cũng khoe rằng, họ là quốc gia duy nhất có thể “đe dọa” Mỹ và “làm rung chuyển thế giới” bằng các vụ thử tên lửa đạn đạo. Bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an LHQ, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa vào năm 2021. 

Bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an LHQ, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa

Chỉ tính riêng trong tháng 1/2022, Triều Tiên đã phóng kỷ lục 11 quả tên lửa, bao gồm hai tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo Hwasong-12 có tầm bắn ước tính  4.500 km. Năm 2017, Triều Tiên đã thử nghiệm Hwasong-15  có tầm bắn ước tính 8.500-13.000 km.

LHQ cho biết, đây là số lượng thử tên lửa lớn nhất trong vòng một tháng trong lịch sử các chương trình thử nghiệm vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. 

Trung Quốc là nhà “bảo trợ”chương trình tên lửa của Triều Tiên

Triều Tiên  được cho là có một căn cứ quân sự ngầm, được sử dụng để cất giữ tên lửa liên lục địa (ICBM), chỉ cách biên giới Trung Quốc 25 km. 

Theo các nhà phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), địa điểm này được chọn để ngăn chặn các cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ nhằm vào căn cứ này. 

Victor Cha, một chuyên gia về Triều Tiên tại CSIS cho biết: “Vị trí gần biên giới Trung Quốc đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn tiềm năng đối với một cuộc tấn công phủ đầu có thể ảnh hưởng đến cán cân an ninh của Trung Quốc”.

Theo Reuters, 8 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ gồm Mỹ,  Albania, Brazil, Pháp, Ireland, Na Uy, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Anh – và Nhật Bản từng lên án  vụ phóng Hwasong-12 vào tháng 1/2022 của Triều Tiên là một “sự leo thang đáng kể” nhằm “tìm cách gây bất ổn hơn nữa trong khu vực” .

Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun lại kêu gọi “sự mềm dẻo” đối với Triều Tiên khi nói: “Cần các cách tiếp cận, chính sách và hành động hấp dẫn hơn và thực tế hơn, linh hoạt hơn trong việc giải quyết các mối quan ngại của Triều Tiên”, “Chìa khóa để giải quyết vấn đề này đã nằm trong tay nước Mỹ”.

Việc Trung Quốc thúc giục Mỹ có chính sách “linh hoạt” đối với Triều Tiên cũng trùng khớp với tham vọng của ĐCSTQ. Các vụ thử tên lửa khiêu khích của Triều Tiên được cho là đều có chấp thuận và khuyến khích của Trung Quốc.

Theo Newsweek, Giáo sư Gordon Chang, một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà bình luận nổi tiếng của tạp chí Forbes cho biết:  “Xét cho cùng, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với gia đình họ Kim và trên thực tế Trung Quốc có thể yêu cầu Triều Tiên làm những gì họ muốn”.

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc đã “tài trợ” cho các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Peter Huessy, Giám đốc nghiên cứu răn đe chiến lược tại Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell tuyên bố:

“Chương trình hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu vào năm 1965 với việc Liên Xô xây dựng một lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt. Nhưng chính sự hỗ trợ của Trung Quốc và Pakistan đã cho phép Triều Tiên bắt đầu xây dựng một lò phản ứng 50 megawatt tại Yongbyon, và một cơ sở tái chế bí mật vào giữa những năm 1980. 

Triều Tiên xây dựng một cơ sở làm giàu uranium bí mật vào khoảng năm 2000 và thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006. Những vụ thử này có thể được sự hỗ trợ từ Abdul Qadeer Khan – Cha đẻ của vũ khí hạt nhân Pakistan, và dựa trên các bản thiết kế hạt nhân và làm giàu uranium lấy từ Trung Quốc”. 

Triều Tiên thử vũ khí có ích lợi gì cho Trung Quốc?

Mối quan tâm chiến lược chính của Trung Quốc đối với các chương trình thử vũ khí của Triều Tiên chính là loại bỏ sự hiện diện của quân đội Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên và giúp Trung Quốc trở thành bá chủ trong khu vực.

Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Đây là quân số binh sĩ lớn thứ ba ở nước ngoài của Mỹ sau Nhật Bản và Đức. 

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên tập trận tại bán đảo Triều Tiên. (Ảnh chụp màn hình Getty)

Sự leo thang của Triều Tiên dưới hình thức gia tăng các vụ thử tên lửa, đặc biệt là ICBM cũng như các vụ thử hạt nhân khác là nhằm để gây áp lực buộc Mỹ phải nhượng bộ – có dưới hình thức rút quân khỏi Hàn Quốc. 

Theo New York Times, Cheon Seong-whun, cựu Giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên có thể sẽ leo thang áp lực lên Hoa Kỳ bằng cách thực hiện một loạt bước đối với một vụ thử ICBM”.

Mỹ bất lực thuyết phục Trung Quốc từ bỏ hỗ trợ Triều Tiên

Để  đối phó với việc Triều Tiên thử nghiệm Hwasong-12, Mỹ đã kêu gọi các cuộc đàm phán trực tiếp với nước này mà “không cần điều kiện tiên quyết”.

Theo Theguardian, đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói: “Chúng tôi sẵn sàng và chúng tôi rất nghiêm túc trong việc cố gắng có các cuộc thảo luận giải quyết các mối quan tâm của cả hai bên”.

“Chúng tôi sẵn sàng có các cuộc thảo luận ngoại giao. Chúng tôi đã đề nghị nhiều lần điều này cho CHDCND Triều Tiên. Và họ đã không chấp nhận nó”.

Dưới thời Joe Biden, Mỹ đã nhiều lần tìm cách đàm phán với Triều Tiên nhưng đều bị từ chối. Các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ hoặc hạn chế kho vũ khí của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã bị đình trệ kể từ năm 2019.

Bình Nhưỡng đã tạm dừng các vụ thử vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo tầm xa trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp Tổng thống Donald Trump tại Singapore vào năm 2018 và Việt Nam vào năm 2019.

Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên bước qua lằn ranh biên giới, đặt chân lên phần đất của Bắc Triều Tiên khi đang tại chức.

Trong khi ấy Trung Quốc dường như không quan tâm đến việc hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Chế độ họ nhà Kim vẫn được ủng hộ nhờ nguồn viện trợ lớn từ Bắc Kinh. Trong khi đó, ĐCSTQ đã sử dụng Triều Tiên như một vùng đệm và là lá bài mặc cả với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Mỹ có dám trừng phạt Trung Quốc?  

Vai trò hậu thuẫn của ĐCSTQ đối với Triều Tiên là quá rõ ràng. Vì thế các nhà quan sát nhận định việc Trung Quốc ‘tự nguyện’ thuyết phục Kim Jong-un từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này là bất khả thi.

Để giải quyết bế tắc này, chính quyền Biden cần phải sử dụng ‘đòn bẩy’ buộc Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. 

Chính sách năng lượng của ông Joe Biden tạo lợi thế cho Trung Quốc, theo giáo sư Ross McKitrick (ảnh chụp màn hình Nikkei Asia).
Liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có dám trừng phạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc đó hay không? (ảnh chụp màn hình Nikkei Asia).

Giáo sư Gordon Chang đề xuất  rằng, Mỹ cần trừng phạt các ngân hàng và doanh nghiệp lớn của Trung Quốc ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, bằng cách chỉ định là nơi “rửa tiền” theo Mục 311 của Đạo luật Yêu nước.

Các thực thể tài chính này đã hỗ trợ cho hầu hết các chương trình phát triển, thử nghiệm tên lửa và công nghệ hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Gordon Chang nói: “Ngân hàng Trung Quốc – là ngân hàng lớn thứ tư thế giới, tính theo tài sản – chắc chắn không phải là ngân hàng Trung Quốc lớn nhất cung cấp tài chính cho họ nhà Kim”. 

“Vinh dự đó thuộc về ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc và thế giới, Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Hơn nữa, 2 trong số 4 ông lớn ngân hàng còn lại, trong đó ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba thế giới, cũng bị dính líu đến việc “cung cấp” tiền cho nhà Kim. Tóm lại, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải biết cách khiến Trung Quốc phải hành động có trách nhiệm”.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có dám trừng phạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc đó hay không?

Hiện chính quyền Joe Biden cũng đang phải đối phó khi Trung Quốc đã đình chỉ nhiều cuộc đàm phán song phương với Mỹ, mà thực chất là các lệnh trừng phạt dành cho Mỹ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Thêm nữa, chính quyền Biden cũng đang phải xử lý và tìm cách bảo vệ Đài Loan khi ĐCSTQ đang tiến hành các cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ tại eo biển Đài Loan. Thực chất chính là cuộc thử nghiệm “phong tỏa” Đài Loan của quân đội Trung Quốc.

Xem thêm: Mỹ có bảo vệ được Đài Loan: TQ sử dụng ‘vỏ bọc’ tập trận để siết chặt quốc đảo mà không cần động binh?