Sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump đã ngăn chặn chính quyền Trung Quốc lợi dụng tiền đầu tư của người Mỹ để chi viện cho các hoạt động phi pháp, từ việc quân sự hóa Biển Đông cho đến hệ thống theo dõi và đàn áp người dân.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo: “Mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với an ninh quốc gia Mỹ đang lan rộng ra thị trường tài chính, và tác động đến các nhà đầu tư”. Chính quyền Trung Quốc đang vận hành “bộ máy” đàn áp thông qua các khoản đầu tư nước ngoài, theo Explica.

Cảnh báo trên được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Trump ký một sắc lệnh vào ngày 12/11. Lệnh này cấm công dân Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty Trung Quốc, vì e ngại Bắc Kinh lợi dụng chúng để vận hành bộ máy quân sự và an ninh của mình.

Tổng thống Donald Trump kí sắc lệnh cấm người dân Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, vì e ngại chính quyền Bắc Kinh sử dụng chúng để phát triển cho chế độ (ảnh: Flickr)
Tổng thống Donald Trump kí sắc lệnh cấm người dân Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, vì e ngại chính quyền Bắc Kinh sử dụng chúng để phát triển cho chế độ (ảnh: Flickr).

Các nhà đầu tư Mỹ vô tình tiếp tay cho Trung Quốc

Bộ Ngoại giao chỉ ra các chỉ số chứng khoán quan trọng, như MSCI và FTSE Russell, là “có bao hàm các công ty tà ác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; những công ty này đều bị liệt kê vào ‘danh sách thực thể’ của Bộ Thương mại và ‘danh sách các công ty liên quan đến quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc’ của Bộ Quốc phòng”.

Nguồn tiền từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Bắc Mỹ đều chảy vào các quỹ chỉ số này. Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao thì việc làm này đang góp phần “hỗ trợ các công ty Trung Quốc tham gia vào phát triển cả dân sự và quân sự”.

Chính quyền Bắc Kinh lợi dụng các khoản đầu tư Mỹ để phát triển “bộ máy” độc tài 

Chính phủ Hoa Kỳ cho biết thêm, một số công ty trong loại này đang “phát triển công nghệ theo dõi người dân và đàn áp nhân quyền. Như trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương, [chính quyền Trung Quốc] cũng tương tự các chế độ đàn áp khác như Iran và Venezuela”.

Trong khi đó, các nhà đầu tư lại vô tình tiếp tay “giúp Trung Quốc xây dựng quân đội và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo.

SCMP ngày 16/8/2020 đăng video cho thấy quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình).
SCMP ngày 16/8/2020 đăng video cho thấy quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình).

Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc và Quảng Châu Haige là một số ví dụ nổi bật về các doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc “cải tạo và quân sự hóa các đảo nhân tạo đang tranh chấp ở Biển Đông”, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Công ty tài chính Mỹ lần lượt loại bỏ công ty Trung Quốc

Trong bối cảnh đó, quản lý của MSCI đã loại trừ 7 công ty Trung Quốc khỏi chỉ số của mình. Trong số các công ty bị ảnh hưởng, có SMIC – nhà sản xuất chip điện tử lớn nhất của Trung Quốc, và Hikvision – nhà cung cấp hệ thống giám sát video lớn nhất thế giới. Đồng thời, Hikvision cũng là nhà cung cấp thiết bị theo dõi cho cảnh sát Tân Cương, nơi các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi bị đàn áp. Cả hai công ty đều được niêm yết ở Hồng Kông và Thâm Quyến. 

Nhà Trắng đã ca ngợi quyết định này của MSCI. Ông John Ullyot, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói rằng: “Trong nhiều năm, các nhà đầu tư Mỹ đã vô tình tài trợ cho các công ty quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giúp các công ty đe dọa các quân nhân và đồng minh của Mỹ”. Ông cũng nhấn mạnh “sự lãnh đạo của Tổng thống Trump” nhằm chấm dứt các hoạt động này của chính quyền Bắc Kinh.

Các nhà cung cấp chỉ số thị trường chứng khoán lớn khác, chẳng hạn như FTSE Russell, Nasdaq và S&P Global Dow Jones Indices, đều áp dụng các biện pháp tương tự để tuân thủ lệnh hành pháp của Tổng thống Trump. Quyết định này ảnh hưởng đến hàng tỷ đô la trong các quỹ giao dịch và các khoản đầu tư thụ động khác.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump có hiệu lực vào ngày 11 tháng 1 năm 2021

Theo sắc lệnh do ông Trump ký, chính quyền Trung Quốc đã buộc các công ty tư nhân phải hỗ trợ các hoạt động quân sự và an ninh của họ. Đồng thời, thông qua thị trường vốn, Bắc Kinh đang “lợi dụng các nhà đầu tư Mỹ để tài trợ cho sự phát triển và hiện đại hóa quân đội của họ.”

Lệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 11/1/2021. Những người Mỹ có cổ phiếu cũng như các quyền lợi tài chính khác nằm trong những loại công ty này, có thời hạn đến ngày 11/11/2021 để chuyển nhượng chúng.

Các nhà chức trách cảnh báo về mối đe dọa từ chính quyền Trung Nam Hải

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia rằng, các nhà đầu tư Mỹ đang giúp Trung Quốc “đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ nước Mỹ và các lực lượng Mỹ ở nước ngoài, với việc phát triển và triển khai vũ khí của Mỹ. Và các hành động độc hại trên không gian mạng chống lại Hoa Kỳ và người dân nước này.”

Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach đã gửi một lá thư đến ban giám đốc các trường đại học Mỹ, nhằm cảnh báo về mối đe dọa của ĐCSTQ. Ông nói: “Những mối đe dọa này có thể đến dưới dạng tài trợ nghiên cứu bất hợp pháp, ăn cắp tài sản trí tuệ, đe dọa sinh viên nước ngoài và các nỗ lực tuyển dụng nhân tài không rõ ràng”.

Doanh nghiệp tư nhân trở thành “tầm ngắm” mới của ĐCSTQ

Một cuộc điều tra được Tạp chí Phố Wall công bố chỉ ra rằng, khu vực tư nhân Trung Quốc đang trở thành một mục tiêu quan trọng. Theo lệnh của Tập Cận Bình, mỗi công ty phải có một đảng viên của ĐCSTQ để điều hành cuộc sống của người dân. Báo cáo cho biết: “Tập Cận Bình từ lâu đã không tin tưởng vào khu vực tư nhân, và đang dần dần thống trị khu vực này”.

Trung Quốc đã sẵn sàng cho hoà bình ở Biển Đông
Kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng video về một chuyến thăm của Tập Cận Bình tới lực lượng hải quân Trung Quốc (ảnh chụp màn hình Youtube).

Li Jun, chủ một công ty đánh cá ở tỉnh Giang Tô, nói với tờ báo Bắc Mỹ, “Các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không còn cách nào khác là đi theo Đảng. Mặc dù vậy, chúng tôi không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ các chính sách của chính phủ ”.