Ủy ban Hành pháp Quốc hội Mỹ (CECC) cho biết, các bằng chứng mới đã xuất hiện trong năm qua; cho thấy “tội ác chống lại loài người – có thể là tội diệt chủng đang xảy ra” đối với người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương (Trung Quốc), theo tờ Aljdazeera ngày 14/1.

Trung Quốc áp dụng chính sách tàn bạo ở Tân Cương

Chính quyền Trung Quốc bị lên án rộng rãi vì thiết lập các trại tập trung ở Tân Cương. Nơi mà nước này mô tả là “trung tâm đào tạo nghề”, “đào tạo kỹ năng” để tiêu diệt cái gọi là “chủ nghĩa cực đoan”.

Thực tế, các chính sách mà Trung Quốc thực thi ở đây là bắt giam tùy tiện, cải tạo chính trị, cưỡng bức lao động, tra tấn; và chính sách triệt sản người Duy Ngô Nhĩ ở quy mô rộng lớn.

Tờ Aljazeera dẫn nguồn từ Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác đã bị giam giữ ở Tân Cương. Các nhà lãnh đạo đức tin và các nhóm hoạt động nhân quyền cho rằng: Tội ác chống lại lịch sử loài người, tội diệt chủng đang diễn ra ở đó.

Chính quyền Bắc Kinh luôn phủ nhận bằng chứng lạm dụng nhân quyền đối với người dân Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, bị cáo buộc “tội diệt chủng ” sẽ là một khó khăn lớn với Trung Quốc; bởi nước này là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Báo cáo của CECC kêu gọi Mỹ đưa ra quyết định chính thức nhằm ngăn chặn hành vi tàn bạo ở Tân Cương.

Vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương “gây sốc và chưa từng có”

Đồng chủ tịch CECC, Hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ Jim McGovern gọi những chính sách vi phạm nhân quyền Trung Quốc trong năm qua là “gây sốc và chưa từng có”.

Ông nói: “Mỹ phải tiếp tục sát cánh với người dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh của họ; và dẫn dắt thế giới cần có một phản ứng thống nhất và phối hợp, đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc”.

Tháng 10/2020, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông Robert O’Brien bình luận: Bắc Kinh đang gây ra “một cái gì đó gần giống” nạn diệt chủng ở Tân Cương .

Vào tháng 6/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết: Trung Quốc sử dụng các biện pháp cưỡng bức triệt sản, phá thai; và cưỡng chế kế hoạch hóa gia đình nhắm vào người Hồi giáo ở Tân Cương.

Ông Pompeo đề cập đến một báo cáo năm 2020 của nhà nghiên cứu người Đức, Adrian Zenz về tình hình ở Tân Cương. Đây cũng là mà báo cáo mà CECC trích dẫn.

Theo báo cáo của ông Zenz, các chính sách Tân Cương của Bắc Kinh nằm trong những tiêu chí được trích dẫn trong công ước diệt chủng của Liên Hợp Quốc. Chính sách đó là “áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ”.

Mỹ sẽ định danh Trung Quốc phạm tội diệt chủng?

Vào tháng 12/2020, Ngoại trưởng Pompeo đã ra lệnh điều tra cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương; để xem có thể định danh giới cầm quyền đang phạm tội diệt chủng hay không.

Theo Al Jazeera, nếu Mỹ quyết định định danh Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng với người Duy Ngô Nhĩ; điều đó sẽ khiến các nước khác phải xem xét lại việc cho phép các công ty kinh doanh với Tân Cương. Nó cũng sẽ tạo điều kiện cho các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ đối với Trung Quốc.

Trước đó 13/1, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết, nước này đã áp đặt lệnh cấm đối với các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương. Mỹ cho rằng chúng được làm bằng lao động cưỡng bức đối với những người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ.