Trung Quốc đã ký với quần đảo Solomon một hiệp ước an ninh đầy tranh cãi. Tuy nhiên, Bắc Kinh một mực phủ nhận việc họ sẽ xây dựng một căn cứ quân sự ở quần đảo này.

Thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon đáng lo ngại

Theo tờ Benar News, tuần trước, Trung Quốc và Solomon đã lặng lẽ ký Hiệp định khung về hợp tác an ninh song phương, và cho rằng “Hiệp định này “có lợi cho sự ổn định và an ninh của Quần đảo Solomon, đồng thời sẽ thúc đẩy lợi ích chung của các nước khác trong khu vực”.

Dự thảo thỏa thuận cho phép Bắc Kinh thiết lập căn cứ và triển khai quân đội tại quần đảo Solomon, nằm cách bờ biển đông bắc Australia khoảng 1.700 km. Dự thảo hiệp định và Hiệp định khung là các văn bản riêng biệt. Vẫn chưa rõ hai tài liệu khác nhau như thế nào.

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ảnh chụp màn hình video ABC).
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ảnh chụp màn hình video ABC).

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 5/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Honiara đã phủ nhận về việc xây dựng căn cứ quân sự ở Solomons. Người phát ngôn Đại sứ Trung Quốc nói: “Đây hoàn toàn là thông tin sai lệch được cố tình lan truyền với [một] động cơ chính trị”.

Dự thảo thỏa thuận này đã gây lo ngại cho các cường quốc truyền thống của khu vực Nam Thái Bình Dương là Australia và New Zealand. Tuần trước, Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern nói rằng hiệp ước là “đáng quan ngại”.

Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về các động thái của Trung Quốc ở Solomons. Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Samuel J. Paparo nói với hãng tin ABC (Australia) rằng thỏa thuận này chắc chắn rất đáng quan ngại.

Trung Quốc có thể đưa cảnh sát, quân đội đến quần đảo Solomon

Thỏa thuận an ninh với Trung Quốc “sẽ cho phép chính quyền Quần đảo Solomon mời Trung Quốc cử cảnh sát và thậm chí quân nhân đến bảo vệ cộng đồng và doanh nghiệp Trung Quốc ở Quần đảo Solomon trong thời gian bạo loạn và bất ổn xã hội”, một nhà nghiên cứu (giấu tên vì lo ngại cá nhân) chuyên về khu vực Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho biết.

“Điều này khác với việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon nhưng có thể mở đường cho Trung Quốc làm điều đó”, ông nói tiếp.

Tình trạng bạo loạn tại Solomon phần nhiều liên quan đến sự bất bình của người dân đối với Trung Quốc và việc Solomon từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan để công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Người biểu tình đốt cháy các cửa hàng của người Trung Quốc tại quần đảo Solomon tháng 11/2021 (ảnh chụp màn hình video Twitter).
Người biểu tình đốt cháy các cửa hàng của người Trung Quốc tại quần đảo Solomon tháng 11/2021 (ảnh chụp màn hình video Twitter).

Bắc Kinh không giấu tham vọng thiết lập các căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Năm 2018, các phương tiện truyền thông đưa tin về kế hoạch xây dựng căn cứ của Trung Quốc ở Vanuatu (gần Úc) đã khiến Thủ tướng Úc lúc bấy giờ là Malcolm Turnbull đưa ra cảnh báo nghiêm khắc.

Năm 2017, Australia, nước viện trợ lớn nhất cho Quần đảo Solomon, đã ký hiệp ước an ninh song phương đầu tiên với Solomon.

“Từ quan điểm của các cường quốc, thỏa thuận an ninh như vậy là không cần thiết vì các cơ chế hiện có có thể đáp ứng nhu cầu của các đảo Thái Bình Dương như Quần đảo Solomon,” nhà nghiên cứu của ANU cho biết.

“Nhưng chính quyền Solomon cho rằng cần đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác an ninh bên ngoài, đặc biệt là với Trung Quốc nhằm hỗ trợ chính phủ trong và sau cuộc bạo động vào tháng 11/2021”.